Cơ hội cho nông dân bứt phá với chuyển đổi số trong nông nghiệp

Thứ năm, 02/12/2021 16:08
(ĐCSVN) - Thực tế đã có nhiều nông dân áp dụng các chương trình, phần mềm quản trị vườn trồng, nông nghiệp chính xác được áp dụng nhằm tối ưu hóa việc sử dụng tài nguyên để dần chuyển đổi từ nông nghiệp truyền thống sang nông nghiệp hiện đại, tạo ra nhiều cơ hội tăng năng suất lao động, giảm phụ thuộc vào điều kiện môi trường, thời tiết, kiểm soát dịch, bệnh và công tác giống được thực hiện tốt hơn.

Tin ở sự tỏa sáng và thành công của những gương mặt nông dân xuất sắc tiêu biểu

Diễn đàn ngoài hình thức trực tiếp còn được livestream trực tuyến (Ảnh: HNV) 

Ngày 2/12, Diễn đàn Nông dân Quốc gia lần thứ 6 có chủ đề “Nông dân với chuyển đổi số nông nghiệp” được tổ chức tại Hà Nội. Diễn đàn do Hội Nông dân Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) chủ trì, giao Báo Nông thôn ngày nay/Dân Việt tổ chức. Đây là sự kiện thường niên nằm trong khuôn khổ Chương trình “Tự hào nông dân Việt Nam năm 2021”.

Diễn đàn Nông dân Quốc gia lần thứ 6 với sự tham dự của đại diện lãnh đạo Chính phủ, các bộ, ngành, nhà khoa học, viện nghiên cứu, các doanh nghiệp và 63 Nông dân Việt Nam xuất sắc 2021 để cùng trao đổi về bức tranh chuyển đổi số trong nông nghiệp hiện nay, thảo luận những thuận lợi, khó khăn, vướng mắc trong việc ứng dụng chuyển đổi số trong nông nghiệp; vai trò, vị trí của nông dân trong chuyển đổi số nông nghiệp, những khuyến nghị của các nhà hoạch định chính sách, nhà khoa học, chuyên gia đối với quá trình chuyển đổi số trong nông nghiệp.

Tốc độ phát triển của thương mại điện tử tại Việt Nam trong năm 2021 bằng tốc độ của 5 – 6 năm trở lại đây cộng lại. Hiện, Việt Nam được đánh giá là một trong những thị trường thương mại điện tử triển nhanh nhất ở Đông Nam Á, chỉ xếp sau Indonesia trong khu vực Đông Nam Á. Tuy nhiên, việc chuyển đổi số trong nông nghiệp Việt Nam vẫn đang gặp nhiều khó khăn, rào cản. Mô hình sản xuất nông nghiệp ở Việt Nam chủ yếu vẫn là mô hình sản xuất nhỏ lẻ, kém hiệu quả và thiếu liên kết chuỗi giá trị. Trình độ cơ giới hóa sản xuất còn thấp, các công nghệ phụ trợ phục vụ phát triển nông nghiệp (cơ khí, chế biến sâu, dây chuyền kiểm nghiệm sản phẩm nông nghiệp…) chưa tương xứng. Trình độ nhân lực lao động trong lĩnh vực nông nghiệp chiếm số lượng lớn là nông dân không được đào tạo chuyên môn bài bản, mà hầu hết là kinh nghiệm được truyền từ đời trước sang đời sau; nguồn nhân lực này cũng hạn chế trong việc tiếp nhận đào tạo tiến bộ khoa học kỹ thuật. Sự liên kết với nông dân còn hạn chế, nhiều sản phẩm chưa có chiến lược phát triển rõ ràng ở tầm quốc gia.

 Đồng chí Lương Quốc Đoàn, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phát biểu tại Diễn đàn

Phát biểu khai mạc tại Diễn đàn, đồng chí Lương Quốc Đoàn, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam khẳng định, Diễn đàn lần này là cơ hội để các cơ quan quản lý nhà nước ở Trung ương và địa phương, các doanh nghiệp phát triển công nghệ, chuyển đổi số hàng đầu cung cấp cho nông dân những kiến thức, hành trang để nông dân tích cực thay đổi tư duy sản xuất, đáp ứng nhu cầu chuyển đổi số; những cơ hội và thách thức của nông dân trong quá trình chuyển đổi số; các chính sách, giải pháp về vốn, đất đai giúp nông dân đẩy mạnh ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, tạo nền tảng cho quá trình chuyển đổi số nông nghiệp. Diễn đàn cũng nhằm mục tiêu kết nối giữa các doanh nghiệp đi đầu trong lĩnh vực công nghệ và chuyển đổi số với người nông dân để thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số trong nông nghiệp, giúp nông dân tiếp cận nhanh và hiệu quả các công nghệ mới tiên tiến và hiện đại trong thực tiễn sản xuất, tạo nền tảng cho quá trình chuyển đổi số đang diễn ra một cách mạnh mẽ, từ đó đẩy mạnh quá trình kết nối, tiêu thụ nông sản trên các sàn thương mại điện tử.

Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Lương Quốc Đoàn cho biết, xác định vai trò, trách nhiệm trong việc hỗ trợ nông dân chuyển đổi số và tham gia vào nền kinh tế số, Hội Nông dân Việt Nam sẽ đẩy mạnh truyền thông nâng cao nhận thức của nông dân và xã hội về chuyển đổi số, xây dựng và kết nối các chuyên trang về chuyển đổi số, kinh tế số trên cổng thông tin và fanpage của các cấp Hội Nông dân Việt Nam trong cả nước; phối hợp xây dựng ứng dụng trên di động (app Store, Google Play) về hỗ trợ chuyển đổi số cho nông dân; Nâng cao kiến thức về chuyển đổi số, phát triển kinh tế số trong nông nghiệp cho nông dân; Xây dựng và chuyển giao các mô hình hỗ trợ nông dân chuyển đổi số; Phối hợp với các doanh nghiệp, đơn vị được cấp phép (Viettel Pay, VNPT Pay, Momo…) triển khai các loại hình tài chính số hỗ trợ nông dân, như: cho vay ngang hàng, thanh toán không tiền mặt, Mobile money.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến phát biểu tại Diễn đàn (Ảnh: HNV) 

Phát biểu chia sẻ tại Diễn đàn Nông dân Quốc gia, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến nhận định, trọng tâm phát triển hiện nay là quá trình chuyển đổi số của người nông dân đối với chuỗi sản xuất nông nghiệp. Công cuộc chuyển đổi số đầy gian nan, thách thức nhưng cũng là cơ hội rất lớn để làm cuộc "đại thay đổi" cho ngành nông nghiệp. Vì lẽ đó, cần làm rõ chuyển đổi số trong nông nghiệp, chuyển đổi số nông nghiệp khác gì với việc ứng dụng các công nghệ sản xuất hiện đại, công nghệ 4.0 vào sản xuất; khó khăn thách thức của người nông dân khi thực hiện chuyển đổi số; chuyển đổi số từ khâu trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản cho đến đóng gói, sơ chế, chế biến nông sản; vấn đề tiêu thụ nông sản, giao dịch nông sản trên các sàn thương mại điện tử; vấn đề logictics về nông sản. Song song là xây dựng được cơ sở dữ liệu thống nhất của ngành nông nghiệp, từ quy hoạch vùng trồng, bản đồ quy hoạch các cây, con chủ lực, dữ liệu về nguồn giống, nguồn gen cây trồng, vật nuôi. Các dữ liệu về giá cả thị trường, các phân tích, dự báo về thị trường nông sản; các quy định về an toàn thực phẩm đối với từng thị trường, từng khu vực xuất khẩu. Ngoài ra, ngành nông nghiệp và Hội Nông dân cần cùng nhau hỗ trợ, thúc đẩy quá trình chuyển đổi số của người nông dân; xác định tính chủ thể xuyên suốt của quá trình chuyển đổi số chính là người nông dân.

Tại Diễn đàn, TS. Trần Công Thắng, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược nông nghiệp nông thôn, Bộ NN&PTNT chỉ rõ, cần xây dựng cơ sở dữ liệu thông tin quốc gia về nông nghiệp. Theo TS. Thắng, trình độ công nghệ của nước ta ở mức trung bình, hạ tầng số hóa cần phải được qua tâm đầu tư, đặc biệt đối với vùng sâu, vùng xa. Hơn nữa, đối với các doanh nghiệp quy mô nhỏ và vừa, 9,1 triệu hộ nông dân, thiếu vốn và thông tin về công nghệ mới là rào cản lớn nhất trong việc chuyển đổi số. Tuy nhiên, đây sẽ là tiềm năng để thúc đẩy việc ứng dụng chuyển đổi số nông nghiệp trong thời gian tới. Để thúc đẩy chuyển đổi số nông nghiệp, TS. Trần Công Thắng đề xuất một số giải pháp quan trọng như: xây dựng cơ sở dữ liệu thông tin quốc gia về nông nghiệp; xác định các công nghệ số ưu tiên và các lĩnh vực ưu tiên phát triển trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn; có chính sách khuyến khích và hỗ trợ tài chính cho nông dân quy mô nhỏ; khuyến khích tích tụ, tập trung đất đai; thúc đẩy kinh tế tập thể và liên kết theo chuỗi giá trị và triển khai thí điểm các mô hình xã nông thôn mới thông minh giai đoạn 2021-2025.

 Chuyên gia trong nước trình bày tham luận tại Hội thảo (Ảnh: HNV)

Cũng tại Diễn đàn, ông Phan Thế Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang chia sẻ bài học kinh nghiệm về xúc tiến thương mại tiêu thụ vải thiều và các sản phẩm nông sản chủ lực, đặc trưng của tỉnh Bắc Giang gắn với chuyển đổi số trong nông nghiệp. “Trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, tỉnh đã chủ động xây dựng 03 kịch bản, phương án tiêu thụ vải thiều phù hợp với cấp độ, diễn biến của dịch COVID-19, phù hợp với từng thị trường, từng kênh phân phối, tiêu thụ. Tỉnh đã phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ NN&PTNT, các Bộ, ngành Trung ương ứng dụng công nghệ số hóa để tổ chức thành công Hội nghị trực tuyến xúc tiến tiêu thụ vải thiều, quy mô quốc tế với 30 điểm cầu trong nước và quốc tế (22 điểm cầu trong nước và 08 điểm cầu quốc tế: Trung Quốc 04 điểm cầu, Nhật Bản 02 điểm cầu và 01 điểm cầu tại Singapore và Úc; được phát trực tiếp trên Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh Bắc Giang; các trang fanpage, các đường link của cơ quan truyền thông)”- ông Phan Thế Tuấn nói.

Chia sẻ về kinh nghiệm phát triển nông nghiệp công nghệ cao của Isarel, ngài Nadav Eshcar, Đại sứ Israel tại Việt Nam cho biết: Nông nghiệp Israel rất khác Việt Nam, cả về nguồn nước, khí hậu, đất đai. Isarel đã rất khó khăn về điều kiện tự nhiên để phát triển nông nghiệp và cách duy nhất là ứng dụng khoa học công nghệ để làm điều đó. Cũng theo ngài đại sứ, Việt Nam và Israel có rất nhiều mối quan hệ hợp tác, đặc biệt là trong lĩnh vực nông nghiệp. Israel rất vui lòng chia sẻ, hợp tác phát triển các phát minh trong nông nghiệp, cũng như mô hình hợp tác giữa các nhà trong ngành nông nghiệp của Israel – mô hình rất thiết thực, gần gũi với ngành nông nghiệp Việt Nam.

Chuyên gia quốc tế chia sẻ kinh nghiệm chuyển đổi số nông nghiệp (Ảnh: HNV) 

Trong khi đó, từ Singapore, TS. Tan Siang Hee, Giám đốc CropLife châu Á chia sẻ: Việt Nam đang có những bước tiến đầu tiên trong việc thực hiện số hóa nông nghiệp và để làm được điều này cần sự chung sức của tất cả chúng ta – những đơn vị liên quan trong ngành nông nghiệp. Trong 18 tháng qua với tình hình đại dịch COVID-19, ngành nông nghiệp đã tự chuyển mình rất nhanh. Trong đó nổi lên sự kết nối giữa nông dân và người tiêu dùng.

TS. Tan Siang Hee cho rằng, công nghệ với chính sách hợp lý từ cơ giới hóa, nông hóa và công nghệ sinh học sẽ là một động lực quan trọng để đảm bảo an ninh lương thực. Và để có thể tiếp cận và chuyển đổi, giải pháp là thu hút những người nông dân mới, khách hàng mới trả tiền đầu tư cho việc áp dụng công nghệ, thương mại điện tử.

Về hành trình chinh phục nông nghiệp số của nông dân, nhà báo Lưu Quang Định nhấn mạnh rằng, thực chất chuyển đổi số rất đơn giản và đời thường. Việc bà con nông dân tại các tỉnh, thành dùng facebook, zalo... để tương tác, bán hàng nông sản cũng là chuyển đổi số. Trong công cuộc đó đã xuất hiện nhiều tấm gương nông dân chuyển đổi số hiệu quả và thu về thành công bất ngờ. Đó là nông dân Lý Văn Bon - Nông dân xuất sắc Cần Thơ năm 2021 với việc nuôi hơn 10 loại cá quý hiếm trên dòng sông Mê Kông như cá hồng vỹ, cá hô, cá trà sóc, cá bảo ngọc (cá mú nước ngọt), cá tra dầu, cá tra cờ, cá heo... đồng thời kết hợp làm du lịch cộng đồng với bà con Cồn Sơn, được nhiều du khách lựa chọn là điểm đến khi tới Cần Thơ. Hay như nông dân Nguyễn Thế Hải ở Sa Pa, Lào Cai cũng chính là người đoạt giải Vàng – giải thưởng cao nhất trong cuộc thi "Làm nông thời công nghệ 4.0" do Báo Nông thôn Ngày nay phối hợp với Ban khoa giáo Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức. Rồi phải kể đến nông dân Hoàng Quang Đông - Nông dân Việt Nam xuất sắc 2021 Hưng Yên, chuyên trồng, chế biến, xuất khẩu nghệ sang Nhật Bản. Anh cũng chính là người đưa củ nghệ Việt Nam sang Nhật Bản và châu Âu với tổng doanh thu vừa qua là 15 tỷ đồng…/.

Lê Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực