Cựu chiến binh Thanh Hoá thi đua phát triển kinh tế

Thứ hai, 28/02/2022 16:26
(ĐCSVN) - Thanh Hóa là tỉnh có số lượng tổ chức Hội và hội viên cựu chiến binh (CCB) đứng thứ hai toàn quốc. Phong trào “CCB giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi” của Hội CCB tỉnh Thanh Hóa trong nhiều năm qua không chỉ giúp cho hội viên phát triển kinh tế, nâng cao đời sống, mà còn là chất keo gắn kết chặt chẽ giữa hội viên với tổ chức Hội, giữa các cấp Hội với cấp ủy, chính quyền, đoàn thể và nhân dân.
 Một mô hình vườn - ao - chuồng của CCB giúp nhau phát triển kinh tế ở Thanh Hoá. (Ảnh: hoanghoa.thanhhoa.gov.vn)

Những kết quả tích cực

Theo số liệu của Hội Cựu chiến binh tỉnh Thanh Hoá, sau 5 năm thực hiện phong trào “CCB giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi” (2016 - 2021), toàn tỉnh đã giảm được 8.289 hộ CCB nghèo; có 142.355 hộ khá, giàu, đạt tỷ lệ 68,53%; 16/27 huyện, 219/559 xã và 1.970/4.329 chi hội hết hộ CCB nghèo. Có thể thấy, phong trào “CCB giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi” của Hội CCB tỉnh Thanh Hóa trong nhiều năm qua đã tác động sâu sắc đến tư tưởng, tình cảm, trách nhiệm và hành động cụ thể của mỗi tổ chức Hội, mỗi cán bộ, hội viên trong tỉnh. Không chỉ giúp cho hội viên vượt qua khó khăn, phát triển kinh tế, nâng cao đời sống, mà còn là chất keo gắn kết chặt chẽ giữa hội viên với tổ chức Hội, giữa các cấp Hội với cấp ủy, chính quyền, đoàn thể và nhân dân; vai trò, vị thế, uy tín của tổ chức Hội CCB cũng được nâng cao. Từ phong trào này đã xuất hiện nhiều mô hình, điển hình tốt, phát huy được tiềm năng, thế mạnh của các thế hệ CCB, giúp hội viên phát triển kinh tế, thoát nghèo, vươn lên trong cuộc sống. Tiêu biểu trong đó có mô hình “Câu lạc bộ CCB giúp nhau phát triển kinh tế”.

Từ năm 2017, với việc bắt đầu thực hiện thí điểm mô hình điểm tại Hội CCB hai xã của huyện Thọ Xuân, Thường trực Hội CCB tỉnh đã tổ chức rút kinh nghiệm và quyết định nhân rộng sau gần 3 năm triển khai. Thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Hội CCB tỉnh lần thứ VI, nhiệm kỳ 2017 - 2022, BCH Hội CCB tỉnh đã xác định xây dựng “Câu lạc bộ CCB giúp nhau phát triển kinh tế” cấp xã là một trong hai khâu đột phá thực hiện chương trình công tác trọng tâm về “giúp nhau giảm nghèo bền vững, làm giàu hợp pháp, tham gia tích cực và có hiệu quả các chương trình phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương” (khâu đột phá thứ hai là xóa nhà dột nát từ quỹ đóng góp của hội viên).

Về công tác tổ chức, Câu lạc bộ bao gồm những hội viên CCB là chủ các doanh nghiệp, hợp tác xã, trang trại, gia trại, hộ kinh doanh… trên địa bàn các xã, phường, thị trấn (sau đây gọi tắt là cấp xã) tự nguyện tham gia; do BCH Hội CCB cấp xã trực tiếp chỉ đạo hoạt động; được UBND cấp xã ra quyết định thành lập và thông qua quy chế hoạt động.

Nhiệm vụ của câu lạc bộ là thông tin những chủ trương, chính sách mới của Đảng, Nhà nước, địa phương liên quan đến công tác phát triển kinh tế - xã hội; cung cấp thông tin thị trường, các tiến bộ khoa học, kỹ thuật, công nghệ có liên quan. Giúp đỡ nhau về vốn, cây con giống, phương tiện, vật tư, nguyên liệu; trao đổi kinh nghiệm nuôi trồng, chăm sóc, phòng chữa dịch bệnh, thu hoạch, bảo quản, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Vận động, kiểm tra, giám sát hội viên sản xuất, kinh doanh, dịch vụ đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, không gây ô nhiễm môi trường, không có hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng. Trợ giúp pháp lý, giúp hội viên mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh; tăng cường giao lưu, học hỏi, xúc tiến thương mại; cảnh giác trước các thủ đoạn tiêu cực trong quảng cáo sản phẩm và phương thức bán hàng đa cấp.

Sau 4 năm triển khai, đến nay Thanh Hóa đã thành lập được 214/559 “Câu lạc bộ CCB giúp nhau phát triển kinh tế”, với gần 3.000 hội viên tham gia (thấp nhất 13 hội viên, cao nhất 22 hội viên/câu lạc bộ). Hoạt động của các câu lạc bộ dần đi vào nề nếp, có nhiều cách làm sáng tạo, phát huy được lợi thế của vùng miền, phù hợp với điều kiện sản xuất kinh doanh của địa phương, mang đặc điểm của “Bộ đội Cụ Hồ” trên trận tuyến mới “phát triển kinh tế - thắng đói nghèo”.

Và một số kinh nghiệm nhân rộng mô hình

Trong quá trình hoạt động, BCH Hội CCB các cấp đã thường xuyên theo dõi, chỉ đạo, rút kinh nghiệm để phát huy, nhân rộng những ưu điểm, kịp thời chấn chỉnh, khắc phục những hạn chế, thiếu sót, bất cập. Cụ thể là:

Để thành lập câu lạc bộ, BCH Hội CCB cấp xã phải báo cáo, xin ý kiến lãnh đạo, chỉ đạo của Thường trực Đảng ủy; khảo sát, nắm chắc số CCB là chủ các doanh nghiệp, trang trại, gia trại… làm kinh tế ở địa phương; tuyên truyền mục đích, nhiệm vụ, lợi ích của câu lạc bộ và vận động hội viên tự nguyện tham gia; chuẩn bị nhân sự Ban Chủ nhiệm (giao đồng chí Phó Chủ tịch Hội CCB xã làm chủ nhiệm); dự thảo Quy chế hoạt động, quy chế đóng góp, quản lý và sử dụng quỹ  hết sức chặt chẽ, rõ ràng, minh bạch, công khai, không vi phạm pháp luật. Mở rộng đối tượng kết nạp hội viên câu lạc bộ là những CCB, cựu quân nhân, cán bộ chủ chốt của địa phương có lòng đam mê phát triển kinh tế, có nhu cầu tham gia để khởi nghiệp, học hỏi kinh nghiệm sản xuất kinh doanh, dịch vụ.

Nguồn vốn để hỗ trợ cho hội viên vay sản xuất kinh doanh (với lãi suất thấp) luôn là vấn đề được các hội viên câu lạc bộ quan tâm. Bên cạnh việc tuyên truyền, tư vấn pháp luật để hội viên tiếp cận các nguồn tín dụng ưu đãi của Nhà nước, câu lạc bộ đã vận động hội viên đóng góp và luân phiên cho nhau vay với lãi suất thấp, hoặc tín chấp để hội viên vay cho các nhu cầu ngắn hạn. Hiện nay, 100% các câu lạc bộ đều có quỹ vốn cho nhau vay, bình quân từ 100 đến 250 triệu đồng/câu lạc bộ. Cá biệt có “Câu lạc bộ CCB giúp nhau phát triển kinh tế” xã Nam Giang (Thọ Xuân) có quỹ vốn trên 5 tỷ đồng.

BCH Hội CCB các cấp phải bám sát sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, phối hợp chặt chẽ với chính quyền, MTTQ và các ban, ngành liên quan để chỉ đạo, hướng dẫn, giúp đỡ câu lạc bộ hoạt động đúng hướng, hiệu quả; tổ chức giao lưu, tọa đàm, liên kết giữa các câu lạc bộ với nhau; khuyến khích câu lạc bộ tham gia các hoạt động tình nghĩa, nhân đạo, từ thiện; tích cực tuyên truyền, biểu dương, nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến; khen thưởng và đề nghị Hội CCB cấp trên, UBND các cấp khen thưởng tập thể, cá nhân xuất sắc.

Có thể khẳng định, 5 năm qua, mô hình “Câu lạc bộ CCB giúp nhau phát triển kinh tế” của Hội CCB tỉnh Thanh Hóa đã tập hợp hàng nghìn hội viên làm kinh tế giỏi; làm nòng cốt cho công tác phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh ở địa phương. Thông qua hoạt động của các câu lạc bộ đã giúp cho mối liên kết giữa các doanh nghiệp, trang trại, gia trại… do hội viên CCB làm chủ thêm chặt chẽ. Việc hình thành câu lạc bộ, giúp cho hoạt động của Hội CCB thêm đa dạng, phong phú, đem lại hiệu quả thiết thực./.

Đặng Hiếu

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực