Đà Nẵng ưu tiên hỗ trợ ngư dân và doanh nghiệp chế biến thủy sản

Thứ bảy, 16/02/2019 18:45
(ĐCSVN) - Đối với Đà Nẵng, công nghiệp chế biến thủy sản là ngành chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu giá trị sản xuất công nghiệp và cơ cấu kim ngạch xuất khẩu.

Công nghiệp chế biến thủy sản là một trong những nội dung quan trọng trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X). Song, dù được kỳ vọng phát triển mạnh dựa trên lợi thế biển nhưng thực tế thành phố đang gặp nhiều khó khăn, phát triển thiếu bền vững do chưa đảm bảo nguồn nguyên liệu cho ngành công nghiệp nói trên, đồng thời còn nặng về chế biến thô, giá trị gia tăng thấp.

Sản lượng thấp, tiêu thụ tại chỗ chủ yếu cho đơn vị khác xuất khẩu

Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN và PTNT) Đà Nẵng, đến tháng 12/2018, thành phố có 1.254 tàu cá, trong đó 540 tàu công suất 400CV trở lên, 661 tàu công suất 90CV trở lên, còn lại dưới 90CV. So với năm 2010, số lượng phương tiện giảm rõ rệt, giảm 447 tàu từ 20CV đến dưới 90CV.

Thủy sản đông lạnh là nhóm sản phẩm chủ lực của thành phố với khoảng 20 doanh nghiệp, tổng công suất thiết kế đạt gần 35.000 tấn/năm, sản lượng bình quân 22.000 tấn (bằng 63% công suất). Nhiều cơ sở đã đầu tư dây chuyền thiết bị công nghệ mới (công nghệ đông rời IQF - Individual Quickly Freezer) giúp nâng cao chất lượng và giá trị gia tăng của sản phẩm.

Một dây chuyền chế biến thủy sản trong công ty TNHH Hải Thanh ở khu công nghiệp dịch vụ thủy sản Thọ Quang, phường Thọ Quang, quận Sơn Trà (Ảnh: http://haithanhseafood.com)

Thị trường tiêu thụ chủ yếu là xuất khẩu (chiếm 75,3%) tới các quốc gia và vùng lãnh thổ như EU, Mỹ, Nhật, Hồng Kông, Hàn Quốc, Châu Phi, Nam Mỹ, Trung Đông… Phần lớn sản phẩm tiêu thụ tại Đà Nẵng (chiếm 15,7%) thực chất cũng chỉ là gia công cho đơn vị khác xuất khẩu.

Trong số các doanh nghiệp chế biến thủy sản đông lạnh xuất khẩu hiện có 2 đơn vị quy mô lớn là Công ty Cổ phần Thủy sản và Thương mại Thuận Phước (Top 20 doanh nghiệp thủy sản xuất khẩu Việt Nam) và Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu thủy sản miền Trung (thành viên VNR500).

Cùng với đó, thủy sản chế biến khác bao gồm các sản phẩm đóng hộp, khô, sấy, hấp, hun khói, tẩm gia vị, xay nhỏ, làm chả… với sản lượng bình quân khoảng 2.800 tấn/năm, tương đương 53,8% tổng công suất thiết kế.

Chính sách mới hỗ trợ ngư dân và doanh nghiệp

Thời gian tới, lãnh đạo thành phố xác định phát triển ngành này theo hướng hiện đại, bền vững, đảm bảo ổn định và kiểm soát tốt nguồn nguyên liệu; tập trung sản phẩm chế biến sâu, hạn chế sơ chế hoặc chế biến thô thủy sản cho xuất khẩu; khai thác đánh bắt hải sản xa bờ; có cơ chế khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư máy móc, thiết bị, cải tiến công nghệ để nâng cao năng suất và chất lượng, gắn với bảo vệ an ninh, chủ quyền biển, đảo.

Ông Nguyễn Đỗ Tám - Phó Giám đốc Sở NN và PTNT Đà Nẵng cho biết, nhằm nâng cao giá trị thủy sản, bước đi đầu tiên của Đà Nẵng là dừng chính sách hỗ trợ ngư dân đóng tàu cá theo Quyết định 47/2014/QĐ-UBND. Thay vào đó, trong giai đoạn từ năm 2019-2025, thành phố sẽ ban hành các chính sách mới như hỗ trợ lệ phí mua bảo hiểm thân tàu, lắp đặt thiết bị giám sát hành trình và mua sắm các trang thiết bị bảo quản sản phẩm thu hoạch với tổng kinh dự kiến hơn 100 tỷ đồng.

Cụ thể, ngoài phần hỗ trợ của Trung ương, thành phố hỗ trợ thêm 40% lệ phí mua bảo hiểm thân tàu với kinh phí gần 49 tỷ đồng; hỗ trợ lắp đặt thiết bị giám sát hành trình theo quy định của Luật Thủy sản 2017 (có hiệu lực từ 01/01/2019) và kinh phí thuê bao năm đầu tiên với kinh phí khoảng 28 tỷ đồng; hỗ trợ 50% chi phí đầu tư mua sắm trang thiết bị để bảo quản sản phẩm thu hoạch như hầm bảo quản, hầm lạnh, hệ thống lạnh... với tổng kinh phí gần 24 tỷ đồng.

Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh, để tận dụng được các lợi thế và cơ hội thị trường mang lại cần giải quyết vấn đề vốn cho ngư dân, nâng cao trình độ đánh bắt xa bờ và năng lực cạnh tranh tổng thể của sản phẩm chế biến. Từ nay đến năm 2020, Đà Nẵng sẽ tổ chức lại sản xuất, trong đó tập trung tái cơ cấu đội tàu khai thác thủy sản, duy trì ổn định sản lượng khai thác.

Bên cạnh đó, tập trung phát triển đội ngũ tàu dịch vụ hậu cần nghề cá, phấn đấu đến năm 2020 đạt 15 chiếc và năm 2030 đạt 50 chiếc; nâng cao năng lực và chất lượng hoạt động của các tổ, đội khai thác trên biển, phấn đấu đạt 100% tàu công suất 90CV trở lên tham gia tổ/đội/nghiệp đoàn nghề cá.

Hiện nay, dù Đà Nẵng đã hình thành được các tổ/đội/nghiệp đoàn nghề cá nhưng mới chỉ dừng lại ở việc hỗ trợ, giúp đỡ nhau trong trường hợp gặp nạn trên biển. Thêm vào đó, chưa tổ chức được các tàu dịch vụ hậu cần phục vụ khai thác để nâng cao hiệu quả sản xuất. Sản phẩm đưa lên bờ tiêu thụ chất lượng chưa đảm bảo khiến giá thành giảm, có trường hợp ngư dân bị thua lỗ.

"Thành phố tiếp tục ưu tiên phát triển và nhân rộng các mô hình tổ/đội/nghiệp đoàn nghề cá/liên doanh khai thác xa bờ; tạo liên kết giữa ngư dân, hợp tác xã với các tổ chức doanh nghiệp, các đơn vị trung gian trong cung ứng dịch vụ hậu cần, thu mua, tiêu thụ sản phẩm trên biển, hướng đến việc hình thành chuỗi liên kết từ khai thác,bảo quản, vận chuyển, thu mua, chế biến đến xuất khẩu", ông Nguyễn Đỗ Tám nhấn mạnh.

Năm 2020, thành phố Đà Nẵng phấn đấu sản lượng khai thác hải sản ước đạt 38.000 tấn và đạt 45.000 tấn vào năm 2030. Việc xây dựng cảng cá Thọ Quang thành trung tâm nghề cá của thành phố cũng như của khu vực và vịnh Mân Quang nhằm đáp ứng nhu cầu dịch vụ hậu cần nghề cá theo hướng hiện đại, tiếp tục hỗ trợ hiệu quả cho ngư dân Đà Nẵng và khu vực miền Trung, tạo đầu mối thu mua thủy hải sản, chỗ neo đậu tránh, trú bão với tàu thuyền công suất lớn từ 400-1.000CV.

Cùng với đó, đầu tư nâng cao năng lực quản lý về thủy sản cho lực lượng kiểm ngư, hệ thống thông tin quản lý nghề cá, dự báo ngư trường, kết nối thông tin liên lạc nhằm đảm bảo an toàn cho tàu và người khi hoạt động khai thác, nghiên cứu xây dựng đề án đánh bắt và xuất khẩu cá ngừ đại dương trong mối quan hệ với Nhật Bản, đề nghị đối tác hỗ trợ đào tạo thủy thủ, hướng dẫn công nghệ đánh bắt cá ngừ để xuất khẩu sang Nhật Bản…/.

Anh Tuấn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực