Đắk Nông: Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp

Thứ năm, 10/09/2020 09:25
(ĐCSVN) - Thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, thời gian qua, các địa phương trong tỉnh Đắk Nông đã triển khai đồng bộ các giải pháp chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, cây trồng, vật nuôi và đạt được nhiều kết quả khả quan.
 Mô hình trồng cà phê an toàn ở huyện Đắk Mil- Đắk Nông. (Ảnh: Đỗ Khải)

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Nông, cơ cấu nông nghiệp của địa phương này cơ bản tập trung vào những loại cây chủ lực có lợi thế. Đó là cà phê 130.000 ha; cao su 27.820 ha; hồ tiêu33.150 ha; điều 15.000 ha và cây ăn quả hơn 14.290 ha.

Ông Lê Quang Dần, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Nông cho biết, việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh rất quan trọng, mang tính cấp bách và lâu dài. Do đó, các địa phương trong tỉnh vừa khuyến khích nông dân đẩy mạnh sản xuất và từng bước thực hiện chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, cây trồng, vật nuôi. Trong đó, sản xuất cây công nghiệp lâu năm là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu. Vì đây là nguồn thu nhập chính của đa số người dân trong tỉnh.

Thực tế cho thấy, những năm qua, việc phát triển cây công nghiệp dài ngày, cây ăn quả theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng được các địa phương và người dân ở Đắk Nông đặc biệt quan tâm. Với cây cà phê, tỉnh này đã tái canh được 16.414 ha, tăng năng suất từ 2,4 tấn/ha lên từ 3 đến 3,5 tấn/ha/năm. Đến nay, có trên 30.000 ha cà phê liên kết sản xuất theo tiêu chuẩn trong nước và quốc tế, với khoảng 15.000 hộ tham gia.

Cùng với đó, cây ăn quả cũng đã trở thành thế mạnh tại Đắk Nông. Hiện diện tích cây ăn quả toàn tỉnh là 14.290 ha. Thu nhập từ cây ăn quả từ 250 đến 300 triệu đồng/ha/năm nếu xen canh với các loại cây khác. Có những địa phương trồng riêng một loại cây ăn quả, thu nhập đạt từ 250 đến 600 triệu đồng/ha/năm. Theo định hướng đến năm 2030, Đắk Nông sẽ quy hoạch phát triển diện tích cây ăn quả lên 18.500 ha, cho sản lượng hơn 288.000 tấn/năm.

Cũng theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Nông, địa phương đã và đang xây dựng quy hoạch, hình thành những vùng chuyên canh cây ăn quả tập trung, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất. Cụ thể, vùng trồng sầu riêng ở Đắk Mil, Gia Nghĩa; vùng trồng xoài ở Đắk Mil; vùng trồng cây ăn quả có múi ở Đắk Glong, Đắk Song, Gia Nghĩa; vùng trồng chanh dây ở Đắk R’lấp, Đắk Glong, Gia Nghĩa và vùng trồng bơ ở 6 địa phương Gia Nghĩa, Krông Nô, Đắk Song, Tuy Đức, Đắk Mil và Đắk R’lấp.

Để thúc đẩy tiến trình tái cơ cấu nông nghiệp, đạt hiệu quả như mong muốn, Đắk Nông cũng đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp, đây là xu thế tất yếu để nâng cao hiệu quả sản xuất, mang lại thu nhập cho nông dân. Chính vì vậy, thời gian qua, Đắk Nông đã chú trọng nhân rộng các mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ cao, góp phần thúc đẩy ngành nông nghiệp tỉnh này phát triển hiệu quả, bền vững.

Hoạt động ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp được triển khai ở nhiều khâu, lĩnh vực như giống cây trồng, vật nuôi, kỹ thuật nuôi, trồng, chế biến, tiêu thụ. Trong trồng trọt, một  số công nghệ, kỹ thuật được áp dụng hiệu quả gồm nhà màng, nhà lưới, màng phủ, giá thể... Nhiều nơi, nông dân, tổ hợp tác, hợp tác xã được chứng nhận đạt các tiêu chuẩn tốt trong sản xuất nông nghiệp như VietGAP, GlobalGAP, các tiêu chuẩn hữu cơ, oganic. Trong đó, có 60 cơ sở sản xuất nông nghiệp đạt chứng nhận VietGAP.

Theo ông Trương Thanh Tùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông, những năm tiếp theo, nông nghệp ứng dụng công nghệ cao tiếp tục được tỉnh chú trọng phát triển, nhân rộng, gắn với chuỗi liên kết, chuỗi giá trị. Trong đó, tỉnh tập trung giải quyết các hạn chế, bất cập, triển khai nhiều giải pháp cả về quy hoạch và quản lý quy hoạch, cơ chế chính sách khuyến khích, hỗ trợ các hộdân, doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác ứng dụng công nghệ cao vào tất cả các khâu từ sản xuất, đến chế biến, nhãn hiệu, phân phối, tiêu thụ. Tỉnh sẽ nhân rộng hoạt động ứng dụng công nghệ cao gắn với các chuỗi giá trị nông sản thế mạnh, đặc trưng…

Cùng với đẩy mạnh sản xuất ứng dụng công nghệ cao, ngành nông nghiệp và các địa phương trong tỉnh cần chủ động phòng chống dịch bệnh, khuyến khích thu hút đầu tư vào khâu bảo quản, chế biến để nâng cao giá trị nông sản và làm nền tảng cho các mối liên kết… Có như vậy, những nỗ lực của ngành nông nghiệp tỉnh Đắk Nông và người dân trong việc đẩy mạnh sản xuất, tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh này mới mau chóng đạt được thành quả. Từ đó giúp cho người dân các vùng nông thôn nâng cao thu nhập, góp phần thúc đẩy Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn đạt thêm nhiều kết quả mong đợi./..

 

K.V-Đỗ Khải

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực