Đảm bảo an toàn dịch bệnh hướng tới mục tiêu tăng trưởng ngành hàng thịt lợn

Thứ bảy, 27/02/2021 15:59
(ĐCSVN) - Hiện nay, đàn lợn đang tiếp tục đà phục hồi trên phạm vi cả nước. Để đảm bảo cho mục tiêu sản lượng thịt lợn 3,67 triệu tấn trong năm 2021, Cục Chăn nuôi cho biết, sẽ đẩy mạnh chỉ đạo xây dựng ngành hàng thịt lợn theo các chuỗi liên kết, đồng thời, triển khai áp dụng mô hình chăn nuôi lợn an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh. Bên cạnh đó, ngành sẽ tập trung vào giải pháp nghiên cứu vắc xin phòng dịch tả lợn châu Phi khi đây đang là công tác có nhiều tín hiệu khả quan.
 Chăn nuôi lợn theo mô hình an toàn sinh học là điều kiện quan trọng để góp phần phòng chống dịch bệnh cho đàn lợn. (Ảnh: GV)

Đàn lợn tiếp tục đà phục hồi trên cả nước

Cục Chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) cho biết, hiện nay đàn lợn tiếp tục đà hồi phục trên cả nước. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tổng số lợn của cả nước tháng 1/2021 tăng khoảng 16,2% so với cùng thời điểm năm 2020.

Bên cạnh đó, theo báo cáo của Sở NN&PTNT các tỉnh, thành phố, các địa phương, doanh nghiệp chăn nuôi lợn đã cơ bản thực hiện, triển khai các văn bản về công tác tái đàn lợn.

Tại thời điểm cuối tháng 12/2020 tổng đàn lợn của cả nước đạt khoảng 27,3 triệu con, tương đương 88,7% so với tổng đàn lợn trước khi có bệnh DTLCP (trên 31 triệu con tại thời điểm 1/1/2019). Đến cuối tháng 1, đầu tháng 2 năm 2021, do nhu cầu tiêu thụ thực phẩm phục vụ Tết Nguyên đán Tân Sửu tăng, số lượng lợn đưa vào thịt tăng nên đàn lợn giảm còn 26,67 triệu con (giảm 2,3% so với thời điểm cuối năm 2020).

Trong đó, với 16 doanh nghiệp và đơn vị chăn nuôi lợn lớn, đàn lợn thịt trong tháng 2/2021 đạt trên 5,46 triệu con, tăng tới 64,3% so với thời điểm 1/1/2020. Theo đó, Kế hoạch của 16 doanh nghiệp đến cuối Quý I/2021 đạt 5,5 triệu con (tăng 1,8% so với cuối năm 2020).

Bên cạnh đó, theo Cục Chăn nuôi, đến cuối tháng 1, đầu tháng 2 năm 2021, báo cáo của các địa phương cho thấy, tổng đàn nái của cả nước đạt trên 2,95 triệu con, tăng hơn 18,8% so với thời điểm 1/1/2020.

Ngoài ra, theo Cục Thú y, về tình hình dịch tả lợn châu Phi, từ đầu năm 2021 đến nay, cả nước xảy ra 207 ổ dịch tại 27 tỉnh, thành phố. Tổng số lợn tiêu hủy gồm 2.777 con. Hiện nay, cả nước có 73 ổ dịch tại 40 huyện của 21 tỉnh, thành phố có dịch chưa qua 21 ngày; số lợn tiêu hủy lũy kế tại các xã này là 1.388 con. Nặng nhất là tỉnh Quảng Nam còn 23 xã với tổng số 608 con lợn đã phải tiêu hủy.

Tín hiệu khả quan cho vắc xin phòng bệnh dịch tả lợn châu Phi

Cục Chăn nuôi cho biết, trong năm 2021, ngành phấn đấu đạt mục tiêu về sản lượng thịt lợn khoảng 3,67 triệu tấn (tăng 6,1% so với năm 2020).

Hướng tới mục tiêu này, theo Cục Chăn nuôi, ngành sẽ đẩy mạnh chỉ đạo xây dựng ngành hàng thịt lợn theo các chuỗi liên kết. Đồng thời, phối hợp, chỉ đạo triển khai áp dụng mô hình chăn nuôi lợn an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh để chủ động trong công tác phòng bệnh cho đàn lợn. Đi cùng với đó, ngành sẽ triển khai rà soát quy mô đàn lợn, đánh giá chất lượng, năng suất đàn lợn nái nhằm có giải pháp tổ chức chỉ đạo sản xuất phù hợp.

Đáng chú ý, theo Cục Chăn nuôi, công tác phòng chống dịch tả lợn châu Phi vẫn là một trong những “mũi giải pháp” quan trọng để đảm bảo cho mục tiêu tăng trưởng của đàn lợn. Trong đó, về công tác nghiên cứu vắc xin, Cục Thú y cho biết, ngay sau khi Hoa Kỳ công bố kết quả nghiên cứu, chọn lọc được chủng vi rút để sản xuất vắc xin, Bộ NN&PTNT đã chỉ đạo Cục Thú y cùng với các doanh nghiệp (Công ty Navetco) chủ động hợp tác chặt chẽ với đối tác Hoa Kỳ để tiếp nhận chủng giống, tổ chức nghiên cứu, đánh giá an toàn, hiệu lực của vắc xin.

Theo báo cáo của Công ty Navetco, sau 5 lần thí nghiệm, vắc xin có khả năng bảo hộ 100% số lợn được tiêm vắc xin và công cường độc trong phòng thí nghiệm. Trong điều kiện sản xuất cho thấy đã bảo hộ được 80% số lợn được tiêm vắc xin, công cường độc và hiện đang tiếp tục được theo dõi sau tiêm phòng.

Bên cạnh đó, Bộ NN&PTNT đã chỉ đạo Cục Thú y xây dựng kế hoạch chi tiết, phối hợp chặt chẽ, hướng dẫn cụ thể cho doanh nghiệp để đẩy nhanh tiến độ kiểm nghiệm, khảo nghiệm và đăng ký lưu hành vắc xin. Đồng thời, tổ chức đánh giá vắc xin dịch tả lợn châu Phi theo tinh thần khẩn trương và tích cực nhất để sớm có vắc xin phục vụ sản xuất, đi liền với đó vẫn phải đáp ứng yêu cầu khoa học, bảo đảm chất lượng, an toàn, hiệu quả và tuân thủ đúng theo quy định./.

BT

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực