Đẩy nhanh xác định đối tượng nhận chính sách hỗ trợ khó khăn do COVID-19

Thứ ba, 28/04/2020 21:17
(ĐCSVN) - Bộ Tài chính cho biết đang tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng, các địa phương đẩy nhanh quá trình xem xét, công nhận đối tượng và mức hỗ trợ từ ngân sách để khoản hỗ trợ của nhà nước đến với đối tượng thụ hưởng một cách sớm nhất có thể.
Bộ Tài chính đang đẩy nhanh xác định đối tượng nhận chính sách hỗ trợ khó khăn do COVID-19  (Ảnh: M.P)

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành quyết định 15/2020/QĐ-TTg về việc thực hiện chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch COVID-19, giải quyết khó khăn trước mắt cho hàng triệu người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh này.

Nhiều đối tượng sẽ được hưởng chính sách hỗ trợ theo Quyết định này gồm: Người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động hoặc nghỉ việc không hưởng lương từ 1 tháng liên tục kể từ ngày 1/4/2020 đến hết ngày 30/6/2020; Hộ kinh doanh có doanh thu do cơ quan thuế thực hiện quản lý thuế dưới 100 triệu đồng, được xác định tại thời điểm ngày 15/1/2020; tạm ngừng kinh doanh từ 1/4/2020; Người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp; Người lao động không có giao kết hợp đồng lao động bị mất việc làm; Người có công với cách mạng, người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo và đối tượng bảo trợ xã hội.

Trước đó, Chính phủ cũng đã có Nghị quyết 42/NQ-CP về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19  bao gồm, người lao động làm việc theo chế độ hợp đồng lao động phải thỏa thuận tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương từ 01 tháng trở lên do các doanh nghiệp gặp khó khăn bởi đại dịch COVID-19; Người sử dụng lao động có khó khăn về tài chính và đã trả trước tối thiểu 50% lương ngừng việc cho người lao động; Hộ kinh doanh cá thể có doanh thu khai thuế dưới 100 triệu đồng/năm tạm ngừng kinh doanh từ 1/4/2020; Người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp…; Người có công với cách mạng; Đối tượng bảo trợ xã hội đang hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng; Hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo quốc gia… với các mức và hình thưc hỗ trợ khác nhau.

Trong quá xây dựng Nghị quyết của Chính phủ, Bộ Tài chính đã tích cực, phối hợp chặt chẽ với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Văn phòng Chính phủ và các cơ quan liên quan xác định đối tượng, chế độ hỗ trợ, tính toán cân đối nguồn lực để thực hiện chính sách, cũng như cơ chế phân công thực hiện giữa Trung ương và địa phương. Đồng thời, dự kiến những nội dung hướng dẫn thực hiện thuộc phạm vi quản lý để có thể triển khai ngay sau khi Nghị quyết được ban hành.

Như vậy, Bộ Tài chính đã vào cuộc thực hiện chính sách ngay từ những ngày đầu và khẳng định sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Lao động -  Thương binh và Xã hội để có văn bản hướng dẫn thực hiện việc xác định đối tượng, chi trả chính sách và nguồn lực để triển khai trong thời gian sớm nhất; cũng như cải cách quy trình thanh toán để vừa kịp thời, đơn giản, thuận tiện, vừa đúng đối tượng, đúng chế độ quy định.

Do quy mô triển khai khá lớn, với khoảng 20 triệu người thụ hưởng, Bộ Tài chính cho biết đang nỗ lực phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội để có phương án thực hiện cụ thể. Việc quan trọng hàng đầu là phải có hướng dẫn chi tiết về phương pháp xác định đối tượng, đảm bảo không bỏ sót, nhưng cũng không được trùng lặp, tránh tình trạng lợi dụng chính sách để trục lợi. Bên cạnh đó, phân công công việc rõ ràng giữa các cơ quan có liên quan (Lao động - Thương binh và Xã hội, Tài chính, Bảo hiểm Xã hội, cơ quan quản lý doanh nghiệp, chủ doanh nghiệp...), giữa Trung ương và địa phương, thậm chí ngay cả giữa các cơ quan trọng một địa phương... đảm bảo công việc thông suốt, công khai, minh bạch.

Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng phối hợp với các cơ quan chức năng, các địa phương đẩy nhanh quá trình xem xét, công nhận đối tượng và mức hỗ trợ từ ngân sách để khoản hỗ trợ của nhà nước đến với đối tượng thụ hưởng một cách sớm nhất có thể./.

M.P

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực