Để kinh tế tư nhân tiếp tục là một động lực quan trọng phát triển đất nước

Chủ nhật, 31/01/2021 16:59
(ĐCSVN) – Để kinh tế tư nhân tiếp tục là một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN và là rường cột của nền kinh tế nước nhà, Đại hội lần thứ XIII của Đảng cần có những quyết sách phù hợp với yêu cầu của bối cảnh mới, với tình hình thực tiễn trong nước và quốc tế.

Sớm đưa Việt Nam trở thành một quốc gia thực sự giàu mạnh, hùng cường phát triển trên nền kinh tế - công nghiệp số

Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố Hà Nội Mạc Quốc Anh (Ảnh:KL) 

Trên cương vị là Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố Hà Nội, ông Mạc Quốc Anh tin tưởng và kỳ vọng, Đại hội lần thứ XIII của Đảng sẽ đưa ra nhiều chủ trương, quyết sách mới, mở ra hướng phát triển cho đất nước phù hợp trong bối cảnh tình hình quốc tế có nhiều biến động như hiện nay; phát huy các tiềm lực nội sinh và tranh thủ sự ủng hộ, hợp tác của bạn bè quốc tế để phát triển nhanh, bền vững, sánh vai với các cường quốc năm châu như mong muốn của Bác Hồ lúc sinh thời.

Ông Mạc Quốc Anh cũng kỳ vọng Đại hội lần thứ XIII của Đảng sẽ bầu ra đội ngũ lãnh đạo cao nhất của đất nước, là những người có đức, có tài, có tầm nhìn sâu rộng, thực sự tiêu biểu cho trí tuệ, tâm huyết để lãnh đạo đất nước tiếp tục bứt phá tạo ra một kỳ tích đổi mới sâu sắc và toàn diện, sớm đưa Việt Nam trở thành một quốc gia thực sự giàu mạnh, hùng cường phát triển trên nền kinh tế - công nghiệp số.

Nhấn mạnh, doanh nghiệp kỳ vọng Chương trình "Đổi mới sáng tạo là chìa khóa để thực hiện các chủ trương mới của Đảng về chuyển đổi mô hình tăng trưởng, chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, nâng cao năng lực khoa học công nghệ…", ông Mạc Quốc Anh cho rằng, vấn đề đổi mới sáng tạo rất cần được nêu thành một yêu cầu ngay trong đột phá thứ nhất về hoàn thiện thể chế, vì đổi mới sáng tạo là yêu cầu bao trùm lên mọi lĩnh vực, mà trước hết là đổi mới sáng tạo năng lực quản trị quốc gia bằng thể chế, bằng hệ thống pháp luật cởi mở, là "bà đỡ", là "bệ phóng" cho các ý tưởng sản xuất, kinh doanh có tính “vượt trước". Theo đó, cần tập trung ưu tiên hoàn thiện đồng bộ, có chất lượng và tổ chức thực hiện tốt hệ thống luật pháp, cơ chế, chính sách nhằm tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, lành mạnh, công bằng; tạo lập khuôn khổ pháp lý thuận lợi cho đổi mới sáng tạo; huy động, quản lý và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển, nhất là đất đai, tài chính; thực hiện phân cấp, phân quyền hợp lý, hiệu quả, đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực.

Theo ông Mạc Quốc Anh, trong năm 2021 và những năm đầu của giai đoạn 2021 - 2025, doanh nghiệp mong muốn thực hiện các giải pháp tài khóa, tiền tệ mở rộng phù hợp để kích thích tổng cầu, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, các ngành, lĩnh vực trọng yếu, thúc đẩy tăng trưởng, giảm thiểu tác động của dịch bệnh. Có giải pháp phù hợp vừa thúc đẩy xuất khẩu, vừa phát triển mạnh thị trường trong nước. Chú trọng kích cầu tiêu dùng, phát triển hệ thống phân phối trong nước và xây dựng thương hiệu hàng Việt Nam; đồng thời đẩy mạnh xúc tiến thương mại, mở rộng, đa dạng hóa thị trường xuất, nhập khẩu, không để phụ thuộc quá lớn vào một thị trường. Tận dụng tốt hơn, hiệu quả hơn các cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do, nhất là Hiệp định CPTPP và Hiệp định EVFTA; bảo vệ sản xuất và tiêu dùng trong nước phù hợp, hiệu quả.

“Doanh nghiệp kỳ vọng đến năm 2025, Việt Nam là có nền công nghiệp theo hướng hiện đại. Với nhiệm vụ này chúng tôi rất mong Chính phủ có những quyết sách xác đáng để đủ lực cho các doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất các ngành công nghiệp hỗ trợ và công nghệ nguồn, có như vậy chúng ta mới tham gia được vào chuỗi gia trị toàn cầu, đẩy mạnh thực hiện các đột phá chiến lược và cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, tăng cường ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh” - ông Mạc Quốc Anh nhấn mạnh.

Để kinh tế tư nhân tiếp tục là một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa

Đó là kỳ vọng của ông Nguyễn Hữu Thập, Ủy viên Ban Chấp hành Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) – Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Tuyên Quang.

Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Tuyên Quang Nguyễn Hữu Thập cho rằng, kể từ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI (1986) đến nay, Đảng ta luôn duy trì đường lối đổi mới, khuyến khích cho sự phát triển của doanh nghiệp, doanh nhân. Trong đó kinh tế tư nhân được xác định là một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Tuyên Quang Nguyễn Hữu Thập chủ trì Tọa đàm về thu hút đầu tư vào tỉnh Tuyên Quang 

 Theo Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Tuyên Quang, cộng đồng doanh nghiệp rất phấn khởi bởi Dự thảo Báo cáo Chính trị trình Đại hội XIII lần này tiếp tục có những đột phá mới về vai trò của kinh tế tư nhân: “Kinh tế tư nhân được khuyến khích phát triển ở tất cả các ngành, lĩnh vực mà pháp luật không cấm, nhất là trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh, dịch vụ, được hỗ trợ phát triển thành các công ty, tập đoàn kinh tế tư nhân mạnh, có sức cạnh tranh cao. Khuyến khích doanh nghiệp tư nhân hợp tác, liên kết với doanh nghiệp nhà nước, hợp tác xã, kinh tế hộ; phát triển các công ty cổ phần có sự tham gia rộng rãi của các chủ thể xã hội, nhất là người lao động”.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Hữu Thập cho rằng, trên thực tế, phần đông doanh nghiệp tư nhân hiện nay chủ yếu vẫn là nhỏ và siêu nhỏ, sức cạnh tranh và hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh vẫn còn thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu của Đảng đề ra. Vì vậy để Nghị quyết đi vào cuộc sống, cụ thể là kinh tế tư nhân tiếp tục được Đảng xác định là một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và là rường cột của nền kinh tế nước nhà. Đề nghị Đại hội có những quyết sách phù hợp với yêu cầu của bối cảnh mới, với tình hình thực tiễn trong nước và quốc tế, với nhu cầu và năng lực phát triển của cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là khối doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Những quyết định hoặc quy định ban hành sau này về khuyến khích phát triển kinh tế tư nhân cần đồng bộ, thống nhất từ trên xuống dưới. Đặc biệt tránh sự bất cập, chồng chéo, coi doanh nghiệp là đối tượng bị điều chỉnh nên thường gặp rất nhiều khó khăn làm ảnh hưởng đến kết quả sản xuất kinh doanh. Trong cải cách về thể chế, rất cần tăng cường sự tham gia của Bộ Tư pháp và các tổ chức như VCCI, hay cơ quan Mặt trận Tổ quốc, hướng tới việc đưa các nhiệm vụ lập pháp vào các cơ quan nhiệm vụ trực thuộc. Các bộ, ngành nên giao nhiệm vụ xây dựng quy phạm pháp luật cho các vụ tư pháp của các bộ, chứ không nên giao cho các vụ quản lý chuyên ngành trước đó.../.

Khánh Lan

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực