Để sản phẩm Việt ngày càng được người Việt ưa chuộng

Thứ tư, 28/11/2018 20:34
(ĐCSVN) - Cần quan tâm đến công tác tuyên truyền, quảng bá, đồng thời không ngừng đầu tư, đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng, cải thiện mẫu mã sản phẩm để cạnh tranh,… để sản phẩm Việt ngày càng đến gần hơn với người Việt.

Đó là ý kiến của các đại biểu đưa ra tại Tọa đàm trực tuyến “Nhân lên niềm tự hào hàng Việt” do Báo Hà Nội Mới tổ chức, diễn ra chiều 28/11, tại Hà Nội.


Quang cảnh Tọa đàm (Ảnh: BT)

Nhiều sản phẩm mới được giới thiệu đến người tiêu dùng

Theo Phó Tổng biên tập Báo Hà Nội Mới Mai Thị Kim Thoa, sau hơn 9 năm triển khai Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, với cách làm sáng tạo, sâu sát và sự vào cuộc của hệ thống chính trị toàn Thành phố, người tiêu dùng trên địa bàn Thủ đô ngày càng nhận thức rõ hơn mục đích, ý nghĩa Cuộc vận động và hướng tới lựa chọn, mua sắm hàng sản xuất trong nước có chất lượng tốt, mẫu mã đẹp thay cho việc mua sắm hàng ngoại cùng loại.

Năm 2018, chương trình đã bước sang một giai đoạn phát triển mới với nhiều hoạt động hỗ trợ xây dựng môi trường sinh thái để các doanh nghiệp lớn và nhỏ, các doanh nghiệp sản xuất cùng doanh nghiệp phân phối trở thành những đối tác của nhau, mở ra những không gian kết nối và chia sẻ, góp phần nâng cao tỷ lệ nội địa hóa của các sản phẩm Việt Nam.

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Trưởng ban Chỉ đạo Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” TP. Hà Nội cho biết thêm, trong năm 2018, các sở, ngành thành phố đã hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia ký kết trên 1.000 biên bản ghi nhớ. Kết quả đã có trên 350 sản phẩm mới của Hà Nội và các địa phương được các nhà phân phối của Hà Nội kết nối, tiêu thụ vào kênh phân phối trên địa bàn thành phố và triển khai vào hệ thống phân phối trên toàn quốc. Đồng thời, đã hỗ trợ 25 tỉnh, thành phố đưa sản phẩm trái cây đến 766 hộ kinh doanh trên 12 quận nội thành và các hộ kinh doanh tại chợ đầu mối; đẩy mạnh tiêu thụ các sản phẩm có thế mạnh của các địa phương, kết nối nhà sản xuất - nhà phân phối - người tiêu dùng trên địa bàn.

Cùng với đó, Ban Chỉ đạo Cuộc vận động đã triển khai nhiều hoạt động lớn, mang lại hiệu quả tích cực, như: Chương trình “Hành động vì quyền lợi người tiêu dùng”, “Tháng khuyến mại” thường niên, các chương trình “Bán hàng bình ổn giá”, Chương trình “Đưa hàng Việt đến tay người tiêu dùng”. Đặc biệt là Chương trình bình chọn “Hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích” trở thành điểm nhấn trong việc thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trên địa bàn thành phố, đang ngày càng thu hút sự quan tâm và hưởng ứng nhiệt tình của đông đảo người dân. 

Để sản phẩm Việt ngày càng được người Việt ưa chuộng

Theo đánh giá của Phó Trưởng ban Chỉ đạo Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” TP. Hà Nội Nguyễn Anh Tuấn, Cuộc vận động, đặc biệt là Chương trình bình chọn “Hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích” đã có sự lan tỏa rất lớn tới cộng đồng. Thời gian tới, để tiếp tục triển khai chương trình hiệu quả, Ban Chỉ đạo Cuộc vận động sẽ tiếp tục đẩy mạnh tổ chức triển khai Chương trình bình chọn, xác định đây là nhiệm vụ cần quan tâm. Đồng thời, tập trung đẩy mạnh hơn nữa công tác thông tin, tuyên truyền, nhất là với các sản phẩm được bình chọn thông qua Chương trình bình chọn hằng năm. 

“Hiện nay chúng tôi đang tập trung in những sản phẩm thông qua mục lục để quảng bá, làm cơ sở để người tiêu dùng có thông tin đầy đủ, chính xác và nhận biết về sản phẩm được bình chọn. Đây cũng được cho là giải pháp để doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm hàng hóa chất lượng cao của mình” – ông Nguyễn Anh Tuấn cho hay.

Theo ông Nguyễn Minh Vịnh, Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quận Bắc Từ Liêm, nhằm thúc đẩy người tiêu dùng trên địa bàn ưu tiên lựa chọn sử dụng chính sản phẩm của địa phương mình, đòi hỏi nhà sản xuất cần thực sự có tâm với sản phẩm của mình, đảm bảo chất lượng, mẫu mã, an toàn.

Song song với đó, cần quảng bá thương hiệu của sản phẩm trên các phương tiện thông tin đại chúng. Mặt khác, giá bán sản phẩm phải hợp lý so với cùng loại sản phẩm bán trên thị trường; nhà sản xuất phối hợp tham gia nhiều các hoạt động xã hội tại địa phương; có chính sách chăm sóc khách hàng.

Về phía địa phương, cần tuyên truyền quảng bá các mặt hàng truyền thống của địa phương bằng nhiều hình thức như: hội thi, trưng bày giới thiệu sản phẩm tại lễ hội truyền thống địa phương; tham gia trưng bày, giới thiệu quảng bá tại các hội chợ, triển lãm, tháng hàng Việt,…. Ông Nguyễn Minh Vịnh cũng cho rằng, để thực hiện tốt Cuộc vận động, cần có cơ chế phối hợp giữa Mặt trận Tổ quốc và các doanh nghiệp trên địa bàn.

Còn theo bà Trịnh Thị Ngân, đại diện Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội, các doanh nghiệp muốn tồn tại phải đầu tư, đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng, cải thiện mẫu mã sản phẩm để cạnh tranh. Đặc biệt, công tác tuyên truyền, quảng bá cần được quan tâm nhiều hơn để người dân tiếp cận các sản phẩm Việt ngày càng sâu rộng./.

BT

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực