Điểm tên các dự án giao thông lớn khởi công trong năm 2020

Chủ nhật, 25/10/2020 07:24
(ĐCSVN) - Tính đến hết tháng 9/2020, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đã khởi công 16 dự án giao thông. Dự kiến, trong 3 tháng cuối năm 2020 sẽ có thêm 4 dự án giao thông lớn tiếp tục được khởi công xây dựng.

Cầu Mỹ Thuận 2 vượt sông Tiền

Dự án quy mô lớn được Bộ GTVT khởi công đầu tiên vào cuối tháng 2/2020 là cầu Mỹ Thuận 2 thuộc dự án thành phần của dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông. Đây là công trình có tổng mức đầu tư lên tới hơn 5.000 tỷ đồng, được triển khai xây dựng trên địa bàn hai tỉnh Tiền Giang và Vĩnh Long, dự kiến hoàn thành vào năm 2023.

 Phối cảnh cầu Mỹ Thuận vượt sông Tiền.

Khi đưa vào khai thác, cầu Mỹ Thuận 2 vượt sông Tiền sẽ kết nối hai tuyến đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận và Mỹ Thuận - Cần Thơ để hoàn thiện tuyến cao tốc từ TP.HCM đi Cần Thơ. Đồng thời, cầu Mỹ Thuận 2 sẽ tạo ra mạng lưới giao thông hoàn chỉnh, kết nối các đường trục chính đã và đang được đầu tư xây dựng tại khu vực, giảm tải cho cầu Mỹ Thuận hiện hữu và tuyến QL1A,….

Ba dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam chuyển từ PPP sang đầu tư công

Ngày 30/9/2020, Bộ GTVT tổ chức khởi công đồng loạt 3 dự án thành phần  cao tốc Bắc - Nam, gồm: Mai Sơn - QL45, Vĩnh Hảo - Phan Thiết và Phan Thiết - Dầu Giây với tổng mức đầu tư lên tới gần 39.000 tỷ đồng. Sự kiện khởi công xây dựng 3 dự án này là kỳ tích chưa từng có  trong lịch sử ngành GTVT, bởi so với các dự án giao thông trọng điểm trước đây từ lúc dự án được thông qua chủ trương đến thời điểm khởi công xây dựng phải mất khoảng 7 - 8 tháng, thậm chí kéo dài hàng năm. Tuy nhiên, 3 dự án kể trên, thời gian chỉ mất khoảng 3 tháng từ khi Quốc hội ban hành Nghị quyết 117 ngày 19/6/2020 về chủ trương chuyển đổi hình thức đầu tư từ PPP sang đầu tư công.

Thủ tướng chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dự khởi công 3 dự án cao tốc Bắc - Nam ngày 30/9 vừa qua.

Dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam đoạn Phan Thiết - Dầu Giây dài 99km đi qua hai tỉnh Bình Thuận và Đồng Nai. Dự án được xây dựng theo tiêu chuẩn đường cao tốc loại A, vận tốc thiết kế 120km/h, giai đoạn hoàn chỉnh quy mô 6 làn xe, bề rộng nền đường 32,5m. Giai đoạn phân kỳ quy mô 4 làn xe hoàn chỉnh bề rộng nền đường 25m. Tổng mức đầu tư dự án cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây khoảng 12.577,5 tỷ đồng.

Dự án cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết dài 100,8km đi qua địa phận tỉnh Bình Thuận. Giai đoạn hoàn chỉnh, dự án được đầu tư xây dựng 6 làn xe, nền đường rộng 32,25m, vận tốc thiết kế 120km/h; giai đoạn phân kỳ đầu tư quy mô 4 làn xe, nền đường rộng 17m, vận tốc 80km/h. Tổng mức đầu tư của dự án khoảng 10.853,9 tỷ đồng.

Dự án cao tốc Mai Sơn - QL45 dài 63,37km, đi qua hai tỉnh Ninh Bình và Thanh Hóa. Giai đoạn hoàn chỉnh được xây dựng theo quy mô 6 làn xe, nền đường 32,25m, vận tốc thiết kế 120km/h; giai đoạn phân kỳ đầu tư xây dựng 4 làn xe hạn chế, nền đường 17m, vận tốc thiết kế 80km/h. Dự án có tổng mức đầu tư 12.111 tỷ đồng.

Hai dự án nâng cấp đường băng sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất

Ngày 29/6/2020, chỉ một tháng kể từ thời điểm Thủ tướng có văn bản đồng ý thực hiện dự án nâng cấp đường băng Nội Bài và Tân Sơn Nhất theo hình thức giao thầu (không thông qua lựa chọn nhà thầu), Bộ GTVT và các đơn vị liên quan đã dốc toàn lực hoàn thành các thủ tục cần thiết, đảm bảo đầy đủ các điều kiện để khởi công xây dựng hai dự án cải tạo, nâng cấp đường băng của hai sân bay lớn nhất nước.

 Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình phát lệnh khởi công dự án nâng ấp, sửa chữa đường băng sân bay Nội Bài và sân bay Tân Sơn Nhất.

Theo đó, dự án nâng cấp đường băng sân bay Nội Bài có tổng mức đầu tư được duyệt là 2.031,6 tỷ đồng. Dự án sẽ tiến hành cải tạo, nâng cấp đường cất/ hạ cánh 11L/29R (1A) và đường cất/ hạ cánh 11R/29L (1B); xây dựng mới các đường lăn thoát nhanh S3A, S5B, S6B; cải tạo, nâng cấp các đường lăn hiện hữu (S1, S1A, S2, S3, S4, S5, S5A, S6, S7); xây dựng các công trình phục vụ quản lý bay, đèn tín hiệu, sơn kẻ tín hiệu…

Tương tự, dự án nâng cấp đường băng sân bay Tân Sơn Nhất được phê duyệt với mục tiêu cải tạo, nâng cấp đường cất/ hạ cánh 25R/07L và vuốt dốc vào các đường lăn nối W6, W4, NS1, E1; xây dựng các đường lăn thoát nhanh (W2A, W4A), đường lăn song song (W11A); xây dựng, cải tạo, nâng cấp các đoạn đường lăn nối (N1, W3, W5, W5A, W7, W9); xây dựng các công trình phục vụ quản lý bay, đèn tín hiệu… tổng mức đầu tư dự án khoảng 2.015,3 tỷ đồng. Thời gian xây dựng của hai dự án thực hiện từ năm 2020 đến năm 2021.

Hàng loạt dự án đường bộ, đường sắt quan trọng cấp bách

Ngoài 6 dự án lớn trên, từ đầu năm 2020 đến nay, Bộ GTVT đã tiến hành khởi công 6 dự án giao thông khác, trong đó có nhiều công trình đường bộ, đường sắt quan trọng, cấp bách sử dụng nguồn vốn 15.000 tỷ đồng từ nguồn dự phòng của kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 – 2020, gồm: Dự án nâng cấp QL57 đoạn bến phà Đình Khao đến thị trận Mỏ Cày (tỉnh Bến Tre và Vĩnh Long); Dự án cải tạo, nâng cấp các cầu yếu và gia cố trụ chống va xô trên tuyến đường sắt Hà Nội - TP.Hồ Chí Minh; dự án gia cố các hầm yếu kết hợp mở mới các ga và cải tạo kiến trúc tầng trên đoạn Vinh - Nha Trang, tuyến đường sắt Hà Nội - TP. Hồ Chí Minh,…

Khởi công thêm 4 dự án lớn trong 3 tháng cuối năm

 Hệ thống đường vành đai 3 trên cao hoàn thiện đưa vào sử dụng giúp giao thông tại Hà Nội giảm ách tắc giờ cao điểm.

Ông Nguyễn Duy Lâm - Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông (QLXD&CLCTGT) cho biết, tính đến hết tháng 9/2020, Bộ GTVT đã khởi công xây dựng 16 dự án. Dự kiến trong 3 tháng cuối năm 2020, Bộ GTVT sẽ khởi công xây dựng thêm 4 dự án quy mô lớn khác, gồm: Dự án kênh nối Đáy - Ninh Cơ thuộc dự án Phát triển GTVT khu vực Đồng bằng Bắc bộ (TMĐT: 1.837 tỷ đồng); Dự án tăng cường kết nối giao thông khu vực Tây Nguyên (3.654 tỷ đồng); Dự án cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ giai đoạn 1 (4.826 tỷ đồng); Dự án đường Hồ Chí Minh đoạn tuyến tránh phía Đông TP.Buôn Ma Thuột (1.512 tỷ đồng).

Tin, ảnh: Kim Cương

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực