Điểm tiêu thụ nông sản sẽ kết nối nhà sản xuất với khách hàng

Thứ sáu, 31/12/2021 11:07
(ĐCSVN) - Điểm tiêu thụ nông sản an toàn thực phẩm sẽ trở thành địa chỉ thường xuyên tích hợp cả trực tiếp lẫn trực tuyến. Theo đó, các đơn vị sẽ gửi sản phẩm tại địa điểm trưng bày, giới thiệu trực tiếp cũng như rao bán trên sàn thương mại điện tử để người tiêu dùng tìm hiểu, đặt mua, giao dịch...

Triển khai điểm tiêu thụ nông sản an toàn thực phẩm tại Hà Nội

Thông tin này được ông Đào Văn Hồ, Giám đốc Trung tâm xúc tiến thương mại nhấn mạnh khi trao đổi với phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam về điểm tiêu thụ nông sản an toàn thực phẩm được đặt tại địa chỉ 489 Hoàng Quốc Việt, Cầu Giấy, Hà Nội.

 Giám đốc Trung tâm xúc tiến thương mại Đào Văn Hồ. 

Theo Giám đốc Đào Văn Hồ, hiện có hơn 2.000 sản phẩm đã được tích hợp lại cùng trưng bày, giới thiệu và bán. Trên cơ sở được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn giao thí điểm, nếu thành công thì sẽ mở rộng ra các điểm khác trên thành phố cũng như các địa phương khác, đưa những điểm bán như thế này trở thành nơi kết nối và tiêu thụ nông sản điển hình của vùng, của địa phương…

Phóng viên (PV): Xin ông cho biết lý do triển khai Điểm tiêu thụ nông sản an toàn thực phẩm?

Giám đốc Đào Văn Hồ: Điểm tiêu thụ nông sản an toàn thực phẩm được đưa vào hoạt động bắt đầu từ ngày 17/12 vừa mới đây. Theo yêu cầu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Điểm tiêu thụ này sẽ tạo ra điểm giới thiệu, bán trực tiếp và kết nối tiêu thụ nông sản an toàn thực phẩm vào các kênh tiêu thụ theo các chuỗi giá trị nông sản từ khâu sản xuất tới thị trường trong nước giữa các hợp tác xã, doanh nghiệp với siêu thị, cửa hàng thực phẩm tại Hà Nội và các tỉnh lân cận.

Ngoài ra, sẽ hỗ trợ các địa phương, hợp tác xã, doanh nghiệp quảng bá các sản phẩm nông đặc sản vùng miền, thực phẩm chất lượng cao và tư vấn trực tiếp cho khách hàng, người tiêu dùng về những lợi ích mang lại khi tiêu dùng các sản phẩm nông sản an toàn thực phẩm, từ đó giúp nông sản Việt Nam giữ vững thị trường, hướng nhiều hơn vào thị trường trong nước. Thêm nữa, tạo thành đầu mối giao thương tập trung giữa nhiều nhà sản xuất với khách hàng, qua đó giúp tiết kiệm thời gian, chị phí.

Đồng thời, tạo điểm giao lưu, học hỏi, chia sẻ thông tin trong sản xuất, kinh doanh sản phẩm làng nghề truyền thống, sản phẩm OCOP và các sản phẩm nông lâm thủy sản đặc trưng, các dịch vụ có lợi thế của các địa phương trong cả nước. Bên cạnh đó, tạo bước đột phá về vai trò cầu nối của Nhà nước trong việc hình thành các chuỗi giá trị nông sản. Song song là tuyên truyền, quảng bá thương hiệu, tôn vinh sản phẩm nông - lâm -  thủy sản sạch, an toàn nhằm tạo cầu nối bền vững giữa doanh nghiệp và người tiêu dùng, giữa sản xuất và tiêu thụ.           

PV: Vậy hình thức tổ chức của Điểm tiêu thụ và các nội dung liên quan cụ thể  ra sao, thưa ông?

Giám đốc Đào Văn Hồ: Điểm tiêu thụ nông sản an toàn thực phẩm được đặt tại khuôn viên 489 Hoàng Quốc Việt, Cầu Giấy, Hà Nội và sẽ triển khai duy trì thường xuyên.

Trung tâm sẽ tiến hành mở rộng thêm diện tích 300m2 kết nối với phần diện tích 700m2 đang duy trì hoạt động Điểm tiêu thụ nông sản tại tầng một Tòa nhà Triển lãm nông nghiệp tại số 489 Hoàng Quốc Việt, Cầu Giấy, Hà Nội để tạo thuận tiện cho khách tới thăm quan, mua sắm, giao dịch. Cụ thể, sẽ hỗ trợ hoạt động logistics sản phẩm, dịch vụ kho bãi xung quanh Tòa nhà Triển lãm nông nghiệp phục vụ lưu giữ, bảo quản hàng hóa cho những đơn vị tham Điểm tiêu thụ nông sản có nhu cầu; Tổ chức điểm giao dịch chung cho các đơn vị tham gia giới thiệu, bán sản phẩm trực tiếp tại Điểm tiêu thụ nông sản; Thu thập tín hiệu thị trường của từng mặt hàng, tổng hợp, phân tích để cung cấp cho các đơn vị tham gia Điểm tiêu thụ nông sản, từ đó giúp điều chỉnh sản xuất về số lượng, chất lượng, mẫu mã sản phẩm đáp ứng theo nhu cầu thị trường, giúp phát triển thương hiệu, nâng cao giá trị, mở rộng thị trường.

Các đơn vị, doanh nghiệp, HTX và các cá nhân tham gia Điểm tiêu thụ nông sản bằng các hình thức: Ký gửi hàng hóa trưng bày (Trung tâm bố trí cán bộ hỗ trợ giới thiệu sản phẩm, kết nối giao thương); Tham gia giới thiệu, bán sản phẩm trực tiếp tại Điểm tiêu thụ nông sản (căn cứ vào nhu cầu sử dụng mặt bằng thực tế để bố trí phù hợp theo tổng thể chung).

 Điểm tiêu thụ đã đi vào hoạt động từ ngày 17/12/2021.

PV: Theo ông, Điểm tiêu thụ nông sản này sẽ hoạt động với các điểm nhấn cơ bản nào?

Giám đốc Đào Văn Hồ: Như đã chia sẻ, từ việc triển khai thí điểm tại 489 Hoàng Quốc Việt, chúng tôi sẽ nhân rộng thêm các điểm tiêu thụ như thế này ra nhiều khu vực hơn nữa, dự kiến phủ sóng cả nước. Điểm tiêu thụ sẽ tập trung vào các hoạt động chính, trong đó, tập trung trưng bày, giới thiệu và bán sản phẩm, gồm có: Các sản phẩm OCOP được xếp hạng 3 - 5 sao, sản phẩm làng nghề truyền thống, nông sản chế biến ứng dụng công nghệ cao, hàng nông sản có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, được kiểm soát đảm bảo an toàn thực phẩm, tiêu chuẩn VietGap, Global Gap... của các địa phương trên cả nước.

Điểm tiêu thụ cũng sẽ giới thiệu, tư vấn sản phẩm (catalogue, thông tin sản phẩm, thông tin nhà cung ứng...) và hỗ trợ kết nối các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất có sản phẩm tham gia Điểm tiêu thụ nông sản trực tiếp giao dịch, đàm phán ký kết các hợp đồng tiêu thụ với các trung tâm thương mại, siêu thị, hệ thống bán lẻ tại Hà Nội và trên cả nước.

Đồng thời, tổ chức các hoạt động như: Phối hợp với các địa phương, doanh nghiệp, HTX tổ chức các hoạt động như: dùng thử sản phẩm, ra mắt sản phẩm mới, chương trình khuyến mại, tuần lễ tiêu thụ sản phẩm...

Ngoài ra, Điểm cũng tiến hành hỗ trợ kết nối cung cầu: Bố trí cán bộ trực, hỗ trợ thông tin tìm kiếm đối tác cung cấp/tiêu thụ nông sản phù hơp theo yêu cầu, dịch vụ logistics liên quan; Tổ chức Điểm hẹn kết nối các bên theo yêu cầu…

Đặc biệt, triển khai các hoạt động tuyên truyền, quảng bá bằng các hình thức: In ấn các ấn phẩm phục vụ Điểm tiêu thụ nông sản (catalogue, standee...); tuyên truyền trên các báo chí cùng các phương tiện thông tin khác; tuyên truyền, quảng bá trên các trang mạng xã hội, nền tảng đa phương tiện, các fanpages, các ứng dụng trực tuyến; tuyên truyền, quảng bá, kết nối tiêu thụ sản phẩm qua Điểm tiêu thụ nông sản cho các địa phương, đơn vị tham dự các phiên Diễn đàn kết nối nông sản 970. Đáng chú ý là, các địa phương, đơn vị, doanh nghiệp, HTX, cá nhân tham gia Điểm tiêu thụ nông sản cùng phối hợp thực hiện công tác tuyên truyền, quảng bá về các hoạt động tại Điểm tiêu thụ nông sản.

PV: Rõ ràng, các mục tiêu đặt ra với Điểm tiêu thụ hướng tới vừa tạo ra kênh phân phối hiệu quả, vừa kết nối giữa người bán với người mua với kênh trung gian uy tín, vậy các đối tượng có thể tham gia Điểm tiêu thụ nông sản sẽ có những tiêu chí cụ thể nào, thưa ông?

Giám đốc Đào Văn Hồ: Đúng vậy, chúng tôi muốn tạo nên một sự đảm bảo tối thượng và an toàn, uy tín cao; do đó, đối tượng tham gia là những tổ chức, cá nhân gồm: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trung tâm xúc tiến thương mại các tỉnh, thành phố trên cả nước; các địa phương tiêu biểu triển khai Chương trình OCOP; Hiệp hội ngành hàng, làng nghề, doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất sản phẩm đạt chuẩn GlobalGAP, VietGAP, hữu cơ; các viện, trung tâm nghiên cứu, trường, cơ quan xuất bản ấn phẩm liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn; các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, phân phối trong lĩnh vực nông nghiệp, ngành phụ trợ, dịch vụ phục vụ nông nghiệp công nghệ cao.

 Điểm tiêu thụ sẽ trở thành nơi kết nối  tiêu thụ các nông sản an toàn, OCOP... tới tận tay người tiêu dùng.

PV: Ông có nhắc tới việc duy trì hoạt động thường xuyên của Điểm tiêu thụ, sau đó có thể xem xét phương án nhân rộng khi phát huy hiệu quả thực sự.  Vậy kế hoạch duy trì, phát triển Điểm tiêu thụ nông sản tiếp theo sẽ như thế nào?

Giám đốc Đào Văn Hồ: Chúng tôi xây dựng một kế hoạch triển khai chi tiết và cụ thể, trong đó, tập trung tăng quy mô về diện tích và số lượng mặt hàng. Tiếp đó, tổ chức các chương trình, sự kiện xúc tiến thương mại: Phối hợp với các địa phương để nắm bắt tình hình sản xuất (loại sản phẩm, mùa vụ, sản lượng, tiêu chuẩn chất lượng...), từ đó xây dựng kế hoạch, kịch bản tiêu thụ sản phẩm thông qua các hoạt động như: Hội nghị kết nối tiêu thụ sản phẩm; tổ chức các điểm bán, giới thiệu và trải nghiệm sản phẩm; tổ chức tuần lễ tiêu thụ sản phẩm gắn với chủ đề mang nét văn hóa, bản sắc riêng và ấn tượng của từng địa phương, vùng miền, đồng thời kết hợp quảng bá các sản phẩm làng nghề truyền thống, dịch vụ du lịch công đồng, du lịch làng nghề, qua đó tạo cơ hội để đưa nông đặc sản vùng miền và sản phẩm làng nghề truyền thống vươn cao, vươn xa hơn, đồng thời nâng tầm du lịch của các địa phương.

Đồng thời với đó là tổng hợp thông tin định hướng thị trường và phản hồi của người tiêu dùng về sản phẩm để cung cấp cho các đơn vị sản xuất, từ đó giúp các đơn vị khắc phục nhược điểm, phát huy thế mạnh của sản phẩm và điều chỉnh kế hoạch sản xuất, phát triển sản phẩm theo nhu cầu thị trường và xu hướng thị hiếu người tiêu dùng.

Song song nữa là xây dựng trang thương mại điện tử, duy trì hoạt động, kịp thời cập nhật thông tin (mùa vụ, sản lượng, thời gian cung ứng, tiêu chuẩn chất lượng, thông tin liên hệ, hình ảnh sản phẩm....) lên trang tin và cung cấp trực tiếp cho khách hàng.

Bên cạnh đó, tổ chức các hoạt động tư vấn, tập huấn, sinh hoạt chuyên đề theo nhu cầu/nhóm thành viên, theo từng chuỗi sản phẩm.

Ngoài ra, tư vấn, hỗ trợ để tham gia sản xuất, cung ứng dịch vụ, kinh doanh trong các chuỗi sản phẩm, xây dựng cửa hàng bán lẻ, cửa hàng tiện ích, dịch vụ thương mại cho nông đặc sản và sản phẩm OCOP, sản phẩm làng nghề truyền thống.

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!

 

Lê Anh (thực hiện)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực