Định hướng phát triển hệ thống đô thị, nông thôn vùng Đồng bằng sông Cửu Long

Thứ năm, 10/12/2020 18:04
Ngày 10/12, tại thành phố Cần Thơ, Bộ Xây dựng phối hợp với Tổ chức Hợp tác quốc tế Đức tại Việt Nam (GIZ) tổ chức hội thảo "Định hướng phát triển hệ thống đô thị, nông thôn tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long". Tham dự hội thảo có đại diện các bộ, ban, ngành Trung ương, các chuyên gia, tổ chức quốc tế và lãnh đạo các tỉnh, thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Theo ông Nguyễn Thanh Nghị, Thứ trưởng Bộ Xây dựng, hội thảo nhằm tham vấn ý kiến của các chuyên gia, các nhà quản lý để thúc đẩy liên kết vùng và thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững vùng Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu.

Việc triển khai quy hoạch xây dựng vùng Đồng bằng sông Cửu Long thời gian qua vẫn còn chậm và gặp nhiều thách thức. Điều này thể hiện qua tỷ lệ đô thị hóa và tốc độ đô thị hóa của vùng vẫn thấp hơn nhiều so với trung bình toàn quốc; hệ thống cơ tầng kỹ thuật vùng còn yếu và thiếu đồng bộ; việc thu gom, xử lý chất thải rắn, xử lý nước thải chưa có nhiều biến chuyển, tỷ lệ xử lý thấp và hầu hết vẫn đang sử dụng các công nghệ lạc hậu…

Trong khi đó, tình hình biến đổi khí hậu đang diễn ra ngày càng phức tạp, các hiện tượng thời tiết cực đoan như lũ lụt, hạn hán diễn ra ngày một thường xuyên, kéo theo tình trạng nhiễm mặn, sụt lún nền đất... gây ảnh hưởng ngày một lớn, tác động tiêu cực đến đến cuộc sống người dân....

Toàn cảnh Hội thảo (Ảnh: Bộ Xây dựng) 

Để khắc phục các tồn tại, hạn chế và giải quyết các thách thức nêu trên, đồng thời đảm bảo tính đồng bộ của hệ thống quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng và quy hoạch tỉnh, định hướng phát triển hệ thống đô thị, nông thôn tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long là cơ sở và nội hàm để xây dựng mới quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long và Quy hoạch Hệ thống đô thị và nông thôn quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Ông Marcel Reymond, Trưởng Bộ phận hợp tác Phát triển, Đại sứ quán Thụy Sỹ tại Việt Nam, Giám đốc Quốc gia Cục Kinh tế Liên bang Thụy Sỹ (SECO) chia sẻ, ông đặc biệt quan ngại về những thách thức mà Đồng bằng sông Cửu Long đang phải đối mặt như: dòng chảy và lượng phù sa suy giảm, mực nước biển dâng, ngập lụt đô thị nghiêm trọng hơn, khai thác nước ngầm quá mức, sụt lún đất... và những điều này đều có những tác động tiềm tàng đối với 18 triệu người dân trong vùng, khiến họ có thể mất đi nhà cửa và đất đai.

Những thách thức này có mối liên hệ với nhau, do đó cần được giải quyết bằng một phương pháp tiếp cận tích hợp. Hệ thống lập kế hoạch và thực hiện hiện còn manh mún và chưa tạo điều kiện cho việc giải quyết tổng hợp những thách thức nói trên. Vì vậy, Chính phủ Thụy Sỹ vui mừng  khi thấy Chính phủ Việt Nam đã nhận rõ những thách thức to lớn này và muốn vượt qua thách thức bằng một quy hoạch theo phương thức tích hợp.

"Từ phía SECO, chúng tôi sẽ hỗ trợ sáng kiến của Chính phủ Việt Nam và tiếp tục tập trung vào lĩnh vực phát triển đo thị bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu...", ông Marcel Reymond nói

Theo ông Christoph Klinnert, Giám đốc Chương trình thích ứng với biến đổi khí hậu tại Đồng bằng sông Cửu Long, Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức (GIZ) cho biết, trên cơ sở các thành quả đã đạt được, GIZ và SECO sẽ hỗ trợ giai đoạn mới của Dự án Thích ứng với biến đổi khí hậu tại đô thị Đồng bằng sông Cửu Long được thực hiện từ năm 2021 đến năm 2025.

Dự án này là một phần trong chương trình do Bộ Hợp tác Kinh tế và Phát triển Cộng hòa liên bang Đức đồng tài trợ với mục tiêu tổng thể là tăng cường việc quản lý tài nguyên thiên nhiên ở cấp Trung ương và 13 tỉnh, thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Chương trình gồm 4 hợp phần là: phát triển đô thị, tích hợp đầu tư phát triển hạ tầng đô thị và nông thôn, liên kết vùng tại Đồng bằng sông Cửu Long và giảm thiểu rủi ro thiên tai. GIZ cũng đánh giá cao việc Bộ Xây dựng đã thành lập Tổ Điều phối vùng Đồng bằng sông Cửu Long để hỗ trợ Bộ Xây dựng thực hiện các nhiệm vụ trong Hội đồng Điều phối vùng Đồng bằng sông Cửu Long...

Tại hội thảo, các chuyên gia, các nhà khoa học và các nhà quản lý tập trung thảo luận các nội dung liên quan đến các vấn đề về chính sách trong quản lý phát triển hệ thống đô thị và nông thôn của vùng Đồng bằng sông Cửu Long; đảm bảo yêu cầu về kiểm soát, quản lý đô thị và nông thôn phù hợp với các định hướng, chính sách phát triển đất nước, của vùng trong thời gian tới.

Cùng đó, định hướng hình thành bộ khung, xác định mô hình phát triển, hình thái phát triển của hệ thống đô thị và nông thôn của vùng; tổ chức hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị và nông thôn vùng trong bối cảnh mới, đảm bảo hình thành cơ sở, nền tảng để phát triển bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu đảm bảo thúc đẩy liên kết vùng, kết nối đồng bộ, hữu cơ giữa đô thị và nông thôn trong vùng...

Ngoài ra, các nhà khoa học, các nhà quản lý cũng đưa ra các giải pháp nâng cao và phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế so sánh và lợi thế cạnh tranh của hệ thống đô thị và nông thôn vùng Đồng bằng sông Cửu Long; trong đó, xác định được mức độ ưu tiên và việc lựa chọn những vùng đô thị hóa làm động lực cho phát triển, những vùng, lãnh thổ hạn chế phát triển, lãnh thổ cần bảo tồn, bảo vệ, các điểm kết nối đối ngoại.

Vấn đề hỗ trợ tài chính cũng như việc huy động nguồn lực thực hiện Quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn vùng Đồng bằng sông Cửu Long, đặc biệt là những dự án phát triển đô thị trọng điểm, các khu vực nông thôn trọng điểm, hạ tầng trọng yếu như đường cao tốc, cảng biển.

Theo Bộ Xây dựng, hiện tại, vùng Đồng bằng sông Cửu Long có 174 đô thị bao gồm: 1 đô thị trực thuộc Trung ương, 2 đô thị loại I thuộc tỉnh, 12 đô thị loại II, 9 đô thị loại III, 23 đô thị loại IV và 127 đô thị loại V. Tỷ lệ đô thị hóa toàn vùng đạt 31,16%, tăng 4,6% so với năm 2015. Khu vực đô thị có sự tăng trưởng cả về số lượng và chất lượng; bộ mặt đô thị ngày càng khang trang, hiện đại và có bản sắc. Việc đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật đô thị được quan tâm, đẩy mạnh, đạt các kết quả cụ thể.

Các chương trình, dự án hỗ trợ kỹ thuật của Ngân hàng Thế giới, các tổ chức quốc tế khác về nâng cấp đô thị, cấp nước, thoát nước và xử lý nước thải được triển khai thực hiện có hiệu quả và đều phát huy những kết quả tích cực, góp phần cải thiện đời sống của người dân và thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội tại các địa phương trong vùng./.

Ngọc Thiện/TTXVN

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực