Doanh nghiệp nỗ lực vượt khó

Thứ hai, 14/09/2020 15:42
(ĐCSVN) - Dịch COVID-19 đã và đang tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của hầu hết doanh nghiệp. Theo dự báo của Tổng cục Thống kê, nếu dịch COVID-19 kéo dài đến hết quý III/2020, ước tính sẽ có hơn 160 nghìn doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động hoặc phá sản; và con số này tiếp tục tăng lên hơn 205 nghìn doanh nghiệp nếu dịch kéo dài đến hết quý IV.

 Ngày 11/9, lô hàng tôm đông lạnh đầu tiên xuất qua Hà Lan theo Hiệp định EVFTA.
(Nguồn: thanhnien.vn)

Gánh nặng của doanh nghiệp

Ngay từ những tháng đầu năm 2020, dịch COVID-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động thương mại, dịch vụ và xuất nhập khẩu, tác động rất lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Theo một kết quả khảo sát của Tổng cục Thống kê, các doanh nghiệp có quy mô càng lớn, tỷ lệ doanh nghiệp chịu tác động từ dịch COVID-19 càng cao. Trong nhóm doanh nghiệp lớn, tỷ lệ doanh nghiệp chịu tác động bởi dịch là 92,8%; trong khi đó, tỷ lệ này của nhóm doanh nghiệp vừa là 91,1%, nhóm doanh nghiệp nhỏ là 89,7%, và nhóm doanh nghiệp siêu nhỏ là 82,1%. Điều này có thể lý giải, các doanh nghiệp có quy mô lớn thường là những doanh nghiệp hoạt động kinh doanh đa ngành nghề, có chuỗi giá trị liên kết trong nước và quốc tế chặt chẽ, rộng hơn nhóm doanh nghiệp quy mô nhỏ nên sẽ chịu tác động lan tỏa nhiều hơn khi dịch bệnh bùng phát trên phạm vi toàn cầu.

Xét theo theo loại hình doanh nghiệp, doanh nghiệp FDI là đối tượng chịu nhiều tác động của dịch COVID-19 nhất, với 88,7%; tỷ lệ này đối với nhóm doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp ngoài nhà nước lần lượt là 87,3% và 85,5%. Còn xét theo khu vực kinh tế, thì khu vực công nghiệp - xây dựng và khu vực dịch vụ chịu nhiều tác động nhất từ dịch COVID-19, với tỷ lệ doanh nghiệp bị tác động lần lượt là 86,1% và 85,9%; trong khi đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chịu ảnh hưởng ít hơn, chiếm khoảng 78,7%.

Đáng chú ý, một số ngành kinh tế có tỷ lệ doanh nghiệp chịu tác động tiêu cực của dịch COVID-19 rất cao, điển hình như: ngành hàng không; ngành dịch vụ lưu trú; hoạt động của các đại lý du lịch; các ngành dệt, may,… đều có tỷ lệ trên 90%.

Dịch COVID-19 đã và đang ảnh hưởng sâu, rộng tới mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội, kéo theo hàng loạt những vấn đề mà doanh nghiệp đang phải đối mặt, như thiếu hụt nguồn vốn cho sản xuất, kinh doanh, thị trường cung - cầu trong nước bị thu hẹp, hoạt động xuất, nhập khẩu bị đình trệ. Những khó khăn này đã gây ra những gánh nặng cho doanh nghiệp; trong đó, chi trả tiền công lao động được đánh giá là gánh nặng lớn nhất đối với doanh nghiệp hiện nay, vì dịch COVID-19 làm cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp bị đình trệ, bên cạnh đó doanh nghiệp còn chịu áp lực từ các khoản chi phí rất lớn để duy trì hoạt động của doanh nghiệp, như: chi phí thuê mặt bằng, chi trả lãi vay ngân hàng, chi phí thường xuyên khác…

Trước gánh nặng về chi trả tiền công vì tình hình sản xuất, kinh doanh bị đình trệ do COVID-19, nhiều doanh nghiệp đã phải áp dụng nhiều giải pháp ứng phó, như: điều chỉnh nguồn nhân lực, cắt giảm chi phí hoạt động sản xuất, kinh doanh, thay đổi phương thức cũng như chiến lược sản xuất, kinh doanh... Nhìn chung, tuy nhiều doanh nghiệp đã có những giải pháp tác động tích cực đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhưng bên cạnh đó cũng có những giải pháp tiêu cực mà doanh nghiệp bắt buộc phải áp dụng để duy trì sự tồn tại trong thời kỳ dịch bệnh này, như: nhiều doanh nghiệp đã phải áp dụng các giải pháp tạm thời như cắt giảm lao động, cho lao động nghỉ việc không lương, giãn việc, nghỉ luân phiên, giảm lương lao động, thu hẹp quy mô hoặc tạm ngừng hoạt động.

Để thích ứng với tình hình dịch COVID-19, nhiều doanh nghiệp đã nhanh chóng chuyển hướng đi mới. Các giải pháp được doanh nghiệp thực hiện chủ yếu bao gồm: đẩy mạnh hoạt động thương mại điện tử, chuyển đổi mặt hàng sản phẩm chủ lực, tích cực tìm kiếm thị trường mới cho nguyên liệu đầu vào cũng như tìm kiếm thêm thị trường tiêu thụ sản phẩm đầu ra… Chẳng hạn, ngày 11/9 vừa qua, tại Ninh Thuận, Công ty TNHH Thông Thuận Group đã xuất khẩu lô tôm nước lợ đầu vào thị trường châu Âu theo Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA); lô tôm này đạt tiêu chuẩn ASC nghiêm ngặt theo yêu cầu của EU.

Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp cũng thực hiện những giải pháp tạm thời, như phối hợp với những doanh nghiệp khác để chuyển đổi nghề cho người lao động; chẳng hạn, có không ít doanh nghiệp khách sạn đã phối hợp với một số chuỗi siêu thị để giải quyết việc làm cho các nhân viên khách sạn không có việc làm. Những nhân viên khách sạn này được các chuỗi siêu thị tiếp nhận để sắp xếp vào vị trí nhân viên bán hàng, đi giao hàng và các bên cùng thống nhất cụ thể về lương, chế độ và thời gian làm việc…

Kỳ vọng của doanh nghiệp vào các giải pháp hỗ trợ

Để hỗ trợ doanh nghiệp ứng phó COVID-19, ngày 4/3/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 11/CT-TTg; trong đó, hai giải pháp là: không điều chỉnh tăng giá trong quý I và quý II năm 2020 đối với các mặt hàng là đầu vào cho sản xuất do Nhà nước kiểm soát giá; miễn, giãn, giảm lãi suất vay, phí ngân hàng được nhiều doanh nghiệp ủng hộ nhất. Ngoài hai giải pháp trên, những giải pháp về gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất; cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian xét duyệt hồ sơ vay vốn; cơ cấu lại thời hạn trả nợ và các khoản nợ; miễn, giảm phí dịch vụ thanh toán điện tử; tạm dừng đóng bảo hiểm xã hội và công đoàn phí; giảm thủ tục hành chính và chi phí logistics cũng được cộng đồng doanh nghiệp tích cực ủng hộ.

Thực tế cho thấy, cộng đồng doanh nghiệp đánh giá rất cao nỗ lực của Chính phủ đã kịp thời đưa ra các giải pháp hỗ trợ, giúp doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn. Các doanh nghiệp kỳ vọng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đẩy mạnh chỉ đạo các cấp, các ngành đẩy nhanh tiến độ, thủ tục giải ngân hỗ trợ khu vực doanh nghiệp, như nâng cao tính khả thi của các giải pháp hỗ trợ, nâng cao khả năng tiếp cận của doanh nghiệp tới gói hỗ trợ như cắt giảm thủ tục, giấy tờ chứng minh, xét duyệt, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong phổ biến kịp thời công văn hướng dẫn cụ thể về đối tượng áp dụng, mức độ áp dụng và quy trình thực hiện tới từng doanh nghiệp. Mở rộng phạm vi nhóm ngành và đối tượng được hưởng ưu đãi; hỗ trợ cho vay lãi suất ưu đãi để doanh nghiệp trả lương cho người lao động, giúp doanh nghiệp duy trì được nguồn lao động có tay nghề, trình độ chuyên môn cao.

Các cấp, các ngành, các địa phương cần đẩy mạnh tiến độ triển khai các giải pháp thúc đẩy nhanh việc tìm thị trường nguyên liệu, thị trường tiêu thụ mới cho doanh nghiệp ngoài thị trường tiềm năng. Theo đó, cần xác định các mặt hàng nguyên vật liệu bị thiếu hụt từ nhập khẩu và các mặt hàng doanh nghiệp sản xuất ra nhưng không thể tiến hành xuất khẩu, gặp khó khăn, vướng mắc trong quá trình xuất, nhập khẩu; tiếp cận, đánh giá các thị trường xuất nhập hiện có, tận dụng những thị trường truyền thống có thể chuyển hướng đẩy mạnh xuất nhập khẩu; tìm kiếm thông tin về các nhà cung cấp về những mặt hàng thị trường trong nước đang bị thiếu hụt cho các doanh nghiệp.

Các doanh nghiệp đã nhận được hỗ trợ của Nhà nước từ Chỉ thị số 11/CT-TTg cần nhanh chóng triển khai hoạt động để ổn định và phát triển sản xuất, kinh doanh. Đối với những doanh nghiệp chưa biết đến hoặc chưa nhận được hỗ trợ từ Chỉ thị số 11/CT-TTg cần nhanh chóng tiếp cận các cơ quan liên quan để hoàn thành thủ tục cần thiết, tiếp nhận hỗ trợ để ổn định và phát triển sản xuất kinh doanh.

Tuỳ theo tình hình thực tế, các doanh nghiệp tăng cường sự linh hoạt, sáng tạo chuyển đổi mô hình sản xuất, kinh doanh hiệu quả trong giai đoạn cả nước và toàn cầu vẫn đang phải gánh chịu tác động của dịch bệnh. Tăng cường đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến trong sản xuất kinh doanh, đặc biệt các công nghệ lõi có tính tiên phong.

Chủ động đổi mới tư duy kinh doanh, nâng cao năng lực quản trị, năng suất, chất lượng, khả năng cạnh tranh của sản phẩm, dịch vụ; chuẩn hóa sản xuất, kinh doanh để đáp ứng các yêu cầu, tiêu chí của các thị trường quốc tế. Tăng cường liên kết, hợp tác kinh doanh phát triển các chuỗi sản xuất, chuỗi giá trị, nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm, dịch vụ, tiến tới nấc thang cao hơn trong chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu…

Đặng Hiếu

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực