Doanh nhân và trách nhiệm xã hội nhìn từ đại dịch COVID-19

Thứ tư, 13/10/2021 01:53
(ĐCSVN) - Khi đất nước căng mình ứng phó với đại dịch COVID-19 và suy thoái kinh tế, doanh nhân Việt Nam cũng chính là những chiến sĩ trên mặt trận kinh tế, kiên cường đồng hành cùng đất nước vượt qua những giai đoạn khó khăn.

Chiều  12/010, Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam tổ chức Tọa đàm “Doanh nhân và trách nhiệm xã hội nhìn từ đại dịch COVID-19”, công bố phát hành ấn phẩm Doanh nhân đồng hành cùng Dân tộc và khởi động Dự án truyền thông mới giai đoạn 2021 - 2022.

leftcenterrightdel
 Các chuyên gia, các nhà quản lý tham dự Tọa đàm (Ảnh: PV)
 

Theo Nhà báo Phạm Nguyễn Toan, Tổng Biên tập Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam, cùng với sự chuyển mình của đất nước qua 35 năm Đổi mới, Việt Nam đang hình thành một đội ngũ doanh nhân mang khát vọng cống hiến và tinh thần phụng sự. Doanh nhân Việt Nam là những người luôn cháy trong mình khát vọng vì một Việt Nam hùng cường, vì một Việt Nam sánh vai với các cường quốc năm châu. Đó là khát vọng được trao truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác. Hiện nay, khi đất nước đang phải căng mình ứng phó với đại dịch COVID-19 và suy thoái kinh tế, doanh nhân Việt Nam là những chiến sỹ trên mặt trận kinh tế; kiên cường đồng hành cùng đất nước vượt qua những giai đoạn khó khăn. Họ cũng sẽ là những người tiên phong giải những bài toán hậu COVID-19, phục hồi và phát triển kinh tế khi chúng ta kiểm soát được dịch bệnh.

Tại Tọa đàm, các diễn giả đã cùng bàn luận, phân tích và nêu bật lên những đóng góp to lớn, thể hiện trách nhiệm xã hội, thể hiện tình dân tộc, nghĩa đồng bào của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong gần 2 năm xảy ra đại dịch COVID-19 vừa qua.

Nhận định về vai trò của khu vực doanh nghiệp, doanh nhân trong bối cảnh bình thường mới, GS TS Hoàng Văn Cường nhận định, sau khoảng 4 tháng “đóng cửa” để cách ly chống dịch, ở khu vực phía Nam, chúng ta nhìn thấy sự “rơi thẳng đứng” của nền kinh tế, GDP từ 6% quý II rơi xuống - 6%  vào quý III/2021. Sự “ra đi” của 10.000 doanh nghiệp đã dẫn đến số lượng lớn người lao động thất nghiệp.

Tuy nhiên, theo GS.TS. Hoàng Văn Cường, thời gian qua, chúng ta đã nhìn thấy năng lực rất lớn của doanh nhân, doanh nghiệp trong việc phòng chống dịch, tự chịu trách nhiệm và quản lý. Vấn đề là chúng ta phải làm sao để kéo được đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp cùng đồng hành chống dịch với cả nước nhiều hơn nữa.

Trong khi đó, TS Vũ Tiến Lộc trao đổi về giải pháp “5T” từ Chính phủ bao gồm: “trợ thở” bằng cách mở cửa, “tiếp máu” cho doanh nghiệp bằng các chính sách tài khoá; “tháo gỡ” khó khăn vướng mắc, cởi trói chính sách cho doanh nghiệp; “thúc đẩy nâng cao trình độ” của doanh nghiệp; “tiếp cận thị trường”, nhất là tăng cường xúc tiến qua mạng.

Nhìn từ đại dịch COVID-19, TS Lê Doãn Hợp, nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho hay: “Đã đến lúc cần hoạch định rõ ràng cho tương lai, để sống cho hiện tại và bền vững về sau. Và để làm được điều này, đầu tiên cần sửa là cơ chế. Cái gì Nhà nước không cấm thì cần mở ra cho doanh nghiệp làm. Cần cơ chế cho doanh nghiệp phát triển nhanh hơn, bền vững hơn. Cần dồn sức lo cho doanh nghiệp, khen chê cần rõ ràng thì doanh nghiệp mới phát triển đi lên được”.

Chia sẻ về những lực cản, nút thắt cản trở sự phát triển của doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay, TS Nguyễn Sĩ Dũng nhận định, vướng mắc lớn nhất là các doanh nghiệp đang “kẹt cứng” ở mô hình “Zero COVID” và cách sống chung an toàn với COVID. Theo TS Nguyễn Sĩ Dũng, các bộ, ngành cần đưa ra khuôn khổ rõ ràng, cụ thể về điều này.

“Việc phục hồi kinh tế là vấn đề lớn hơn phòng chống dịch COVID-19 nhiều lần. Cần phải gỡ từ các mục tiêu xung đột, mâu thuẫn. Nếu chúng ta muốn sạch bóng F0 và phát triển kinh tế thì cần phải chấp nhận có các ca COVID-19 nhưng phát bệnh khi năng lực y tế đáp ứng được. Tôi cho rằng cần áp đặt một chế độ trách nhiệm cân bằng. Nếu chỉ áp đặt cho cho lãnh đạo địa phương trách nhiệm về việc để xảy ra COVID-19 tràn lan thì họ sẽ không để tâm đến mục tiêu kinh tế. Do đó, cần phải áp đặt cân bằng hai mục tiêu vừa chống COVID-19, vừa phát triển kinh tế”, ông Dũng khẳng định. 

Nhân dịp này, ấn phẩm “Doanh nhân đồng hành cùng dân tộc” đã được biên soạn và phát hành. Đây cũng là một trong nhiều hoạt động thiết thực hưởng ứng chào mừng kỷ niệm Ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10 hàng năm.

Ban tổ chức cũng thông tin về khởi động dự án truyền thông giai đoạn 2021-2022, trong đó có tăng cường thông tin về cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân Việt thời kỳ mới./.

Hà Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực