“Đổi mới doanh nghiệp nhà nước và phát triển kinh tế tư nhân”

Thứ ba, 30/05/2017 20:53
(ĐCSVN) – Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành và lãnh đạo tổ chức thực hiện nhiều chủ trương, chính sách, biện pháp quan trọng về phát triển kinh tế trong đó chú trọng vấn đề cơ cấu lại, đổi mới, nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước và về khuyến khích và tạo điều kiện để kinh tế tư nhân phát triển.

Hội thảo thu hút sự quan tâm của đông đảo các nhà quản lý, các chuyên gia (Ảnh: HNV)

Thông tin trên được nêu lên tại Hội thảo “Đổi mới doanh nghiệp nhà nước và phát triển kinh tế tư nhân”diễn ra ngày 30/5, tại Hà Nội, dưới sự chỉ đạo của Ban Kinh tế Trung ương, do Trung tâm Thông tin kinh tế phối hợp với Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh tổ chức. Hội thảo đã thu hút sự tham gia của đại diện các ban, bộ, ngành; các viện nghiên cứu, các trường đại học; các hiệp hội và doanh nghiệp.

Hội thảo đã đánh giá về cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước, năm 2001, tại Hội nghị lần thứ ba Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá IX, Ban Chấp hành Trung ương đã ban hành Nghị quyết số 05-NQ/TW “Về tiếp tục sắp xếp, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước”. Tiếp đó, qua các kỳ Đại hội, Đảng đã có nhiều nghị quyết, kết luận bổ sung và đã đạt được nhiều kết quả quan trọng: Từ chỗ cả nước có hơn 12.000 doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, đến năm 2001 giảm xuống còn 5.655 doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, và đến thời điểm tháng 10 năm 2016 chỉ còn 718 doanh nghiệp 100% vốn nhà nước. Tuy nhiên, đến nay doanh nghiệp nhà nước vẫn chưa thực hiện được vai trò là lực lượng nòng cốt của kinh tế nhà nước; chưa thực hiện được nhiệm vụ dẫn dắt, tạo động lực phát triển đối với nền kinh tế. Nhìn chung, hiệu quả kinh doanh và đóng góp của phần lớn doanh nghiệp nhà nước còn thấp, chưa tương xứng với nguồn lực Nhà nước đầu tư. Không ít  doanh nghiệp nhà nước làm ăn thua lỗ, thất thoát…

Về khuyến khích phát triển kinh tế tư nhân, năm 2002, tại Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá IX,  Ban Chấp hành Trung ương đã ban hành Nghị quyết số 14-NQ/TW “Về tiếp tục đổi mới cơ chế, chính sách, khuyến khích và tạo điều kiện phát triển kinh tế tư nhân”. Tiếp đó Đảng và Nhà nước ta đã ban hành và lãnh đạo tổ chức thực hiện nhiều chủ trương, chính sách, biện pháp quan trọng về khuyến khích và tạo điều kiện để kinh tế tư nhân phát triển. Kết quả là: Kinh tế tư nhân ngày càng đóng góp lớn hơn trong cơ cấu lại nền kinh tế, tăng thu ngân sách nhà nước (Tỷ trọng trong GDP của khu vực kinh tế tư nhân, bao gồm cả kinh tế cá thể duy trì ổn định khoảng 39 - 40%), tạo việc làm, bảo đảm an sinh xã hội. Đội ngũ doanh nhân ngày càng lớn mạnh, số lượng doanh nghiệp của tư nhân tăng nhanh với nhiều loại hình đa dạng; phong trào khởi nghiệp được đẩy mạnh.Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng của kinh tế tư nhân có xu hướng giảm trong những năm gần đây; năng lực nội tại của kinh tế tư nhân nhìn chung còn thấp,chủ yếu vẫn là kinh tế hộ, cá thể, trình độ công nghệ thấp và chậm đổi mới; trình độ quản trị, năng lực tài chính, năng suất lao động, hiệu quả kinh doanh, chất lượng sản phẩm và sức cạnh tranh còn yếu. Khả năng liên kết với các thành phần kinh tế khác và tham gia chuỗi giá trị sản xuất trong nước, khu vực và toàn cầu còn nhiều hạn chế. Tình trạng gian lận thương mại, cạnh tranh không lành mạnh, gây ô nhiễm môi trường, không bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm… còn diễn biến phức tạp.

Tại Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII (diễn ra tại Hà Nội từ ngày 05 đến 11 tháng 5 năm 2017), Ban Chấp hành Trung ương đã thống nhất và nhất trí cao ban hành ba Nghị quyết quan trọng về kinh tế, trong đó có Nghị quyết về: “Tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước”; Nghị quyết về “Phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”.

Trong khuôn khổ Hội thảo này, các đại biểu đã thảo luận, trao đổi tích cực các nội dung xung quanh: những đổi mới tư duy lý luận quan trọng về cơ cấu lại, đổi mới, nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước và về khuyến khích kinh tế tư nhân phát triển trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta; những đổi mới tư duy đó đã được nhận thức và đưa vào thực tiễn ở nước ta như thế nào. Lộ trình cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước, cũng như việc khuyến khích phát triển kinh tế tư nhân trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN hiện nay của nước ta cần có lộ trình và những giải pháp đột phá để góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu mà các Nghị quyết tại Hội nghị Trung ương 5 khóa XII đã đặt ra. Đặc biệt, làm rõ hơn vị trí, vai trò, chức năng và mối quan hệ của Nhà nước, thị trường và xã hội phù hợp với kinh tế thị trường; những vấn đề cần tiếp tục làm rõ thêm về mối quan hệ giữa các chủ thể kinh tế trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN; cùng nhau trả lời các câu hỏi “Làm thế nào để làm tốt vai trò dẫn dắt phát triển các doanh nghiệp thuộc thành phần kinh tế khác, bảo đảm doanh nghiệp Việt Nam thật sự trở thành lực lượng nòng cốt trong phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện công nghiệp hoá, hiện đại hoá, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ trong bối cảnh toàn cầu hoá và hội nhập quốc tế thì một yêu cầu cấp thiết là phải nâng cao chất lượng, hiệu quả, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp nhà nước?”, “Làm thế nào phát triển kinh tế tư nhân nhanh, bền vững, đa dạng với tốc độ tăng trưởng cao cả về số lượng, quy mô, chất lượng và tăng trưởng trong GDP để kinh tế tư nhân thực sự là một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, góp phần không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội?’…

Hội thảo “Đổi mới doanh nghiệp nhà nước và phát triển kinh tế tư nhân” đã thu hút được nhiều tham luận của đại biểu, đóng góp được những ý kiến, kiến nghị thật sự có giá trị, tập trung làm rõ những căn cứ lý luận và thực tiễn về cơ cấu lại, đổi mới, nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước và phát triển kinh tế tư nhân phù hợp với điều kiện cụ thể của Việt Nam, trên cơ sở nền tảng khoa học và bắt kịp những xu thế phát triển khách quan của thời đại ngày nay để giải quyết những yêu cầu cấp thiết trước mắt cũng như định ra đường hướng phát triển kinh tế dài hạn cho đất nước./.

 

Hà Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực