Đối thoại hạ nhiệt tranh chấp thương mại Mỹ - EU

Thứ ba, 18/05/2021 15:51
(ĐCSVN) – Ngày 17/5, Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ đã nhất trí tiến hành các cuộc đàm phán nhằm giải quyết những tranh chấp thương mại vốn đang kéo dài giữa hai bên liên quan đến chính sách thuế nhập khẩu nhôm và thép cũng như việc trợ cấp cho các hãng sản xuất máy bay Boeing và Airbus.
EU và Mỹ khởi động đối thoại nhằm hạ nhiệt căng thẳng kéo dài suốt gần 2 thập kỷ.
(Ảnh: ajot.com) 

Trong một tuyên bố, Phó Chủ tịch điều hành Ủy ban châu Âu (EC) Valdis Dombrovskis, Đại diện Thương mại Mỹ Katherine Tai và Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina M. Raimondo thông báo khởi động các cuộc thảo luận nhằm giải quyết các tranh chấp, dẫn đến tình trạng dư thừa nguồn cung nhôm và thép trên toàn cầu.

“Chúng tôi đang tiến hành các cuộc đàm phán trong những nỗ lực nhằm khởi động lại mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương”, ông Valdis Dombrovskis nói và cho biết,  EU gồm 27 quốc gia thành viên sẽ không tự động tăng một số khoản thuế đánh vào các sản phẩm nhập khẩu nhôm và thép từ Mỹ.

Việc đình chỉ các biện pháp trả đũa tạm thời nhấn mạnh cam kết tăng cường đàm phán giữa 2 bên nhằm giải quyết tình trạng dư thừa nguồn cung nhôm và thép trên phạm vi toàn cầu. “Chúng tôi hi vọng sẽ giải quyết các bất đồng này trước cuối năm nay”, ông Dombrovskis nhấn mạnh.

Trong một tuyên bố được đưa ra, Đại diện Thương mại Mỹ Katherine Tai và người đồng cấp EU Valdis Dombrovskis tuyên bố hai bên bắt đầu các cuộc thảo luận để giải quyết vấn đề dư thừa thép và nhôm trên toàn cầu. Ngoài ra, đại diện 2 bên cũng thừa nhận sự cần thiết phải có các giải pháp hiệu quả nhằm bảo vệ các ngành công nghiệp quan trọng của cả Mỹ và EU, đồng thời nhất trí vạch rõ lộ trình nhằm chấm dứt các tranh chấp thương mại sau khi Mỹ áp dụng các biện pháp thuế quan đối với hàng nhập khẩu từ EU.

Bà Katherine Tai và bà Gina M. Raimondo thừa nhận các tác động đối với ngành công nghiệp của Mỹ xuất phát từ tình trạng dư thừa nguồn cung toàn cầu mà chủ yếu do ảnh hưởng từ các bên thứ ba. Việc dư thừa nguồn cung này gây ra mối đe dọa nghiêm trọng đối với các ngành công nghiệp thép và nhôm của EU và Mỹ cũng như ảnh hưởng tới người lao động trong các ngành công nghiệp này.

Trước đó, EU đã có kế hoạch tăng các mức thuế đối với hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ vào ngày 1/6. Nhưng nhờ sự "hạ nhiệt" trong quan hệ với chính quyền Tổng thống Joe Biden, Brussels đã thông báo sẽ ngừng kế hoạch này.

Những đề xuất mang tính hòa giải trên là động thái mới nhất sau những tranh cãi thương mại căng thẳng kể từ tháng 6/2018, thời điểm mà cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đã quyết định áp thuế 25% đối với sản phẩm sắt và 10% đối với sản phẩm nhôm nhập khẩu từ các nước EU, Canada và Mexico. Đáp trả động thái này, EU đã quyết định tăng thuế đối với lượng hàng hóa trị giá 2,8 tỷ USD nhập khẩu của Mỹ.

Tạm ngừng áp thuế trả đũa lẫn nhau

Tháng 3 vừa qua, Brussels và Washington đã nhất trí tạm ngừng áp thuế trả đũa trong vòng 4 tháng tới liên quan đến cuộc tranh cãi về vấn đề trợ cấp cho 2 hãng sản xuất máy bay Airbus và Boeing.

Quyết định trên được Mỹ và EU đưa ra sau cuộc điện đàm giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch EC Ursula von der Leyen. Thông cáo của EC cho biết, 2 chính trị gia nhất trí tạm ngừng mọi khoản thuế đã áp đặt liên quan đến cuộc tranh cãi về việc trợ cấp cho các hãng Boeing và Airbus, trong thời gian ban đầu là 4 tháng.

“Tổng thống Joe Biden và tôi đã nhất trí tạm ngừng mọi khoản thuế mà chúng ta áp đặt trong bối cảnh của cuộc tranh cãi Airbus-Boeing, kể cả các mặt hàng máy bay và không phải là máy bay, trong thời gian ban đầu là 4 tháng”, Chủ tịch EC cho hay.

Bộ trưởng Thương mại Pháp Franck Riester nêu rõ, thỏa thuận này là "tin tốt lành" cho ngành công nghiệp Pháp cũng như lĩnh vực sản xuất rượu của nước này (một số loại rượu vang không sủi bọt của Pháp và Đức từng nằm trong danh mục đánh thuế của Mỹ đối với các sản phẩm của EU). Theo ông Franck Riester, thỏa thuận tạm ngừng việc áp thuế lên các sản phẩm của nhau nằm trong tiến trình giảm leo thang tranh chấp thương mại giữa Mỹ và EU. 

Đánh giá về triển vọng hạ nhiệt căng thẳng giữa hai bên, Thủ tướng Đức Angela Merkel nhấn mạnh, bà ủng hộ việc tiến tới một Hiệp định thương mại giữa EU và Mỹ. Tất nhiên còn có rất nhiều việc phải làm để đạt được hiệp định này, nhất là trong thời điểm khó khăn hiện nay, nhưng thế giới luôn cần những mối quan hệ đối tác.

Ngày 13/5, Đại diện Thương mại Mỹ Katherine Tai cho rằng, Mỹ và EU có khả năng giải quyết được những tranh chấp giữa hai bên liên quan tới trợ cấp cho các nhà sản xuất máy bay Boeing và Airbus cũng như thuế nhôm và thép. Phát biểu tại buổi điều trần trước Ủy ban Tài chính và Thuế vụ Hạ viện Mỹ, về chính sách thương mại của chính quyền Tổng thống Joe Biden, bà Katherine Tai nói: "Chúng tôi cũng đang nỗ lực giải quyết tranh chấp đang diễn ra giữa Boeing và Airbus và giải quyết vấn đề về tình trạng dư thừa công suất trong lĩnh vực thép và nhôm... Giải pháp cho cả hai đều nằm trong tầm tay".

Cuộc chiến thương mại giữa Mỹ với EU do cựu Tổng thống Donald Trump phát động nằm trong chiến lược áp đặt thuế quan nhằm thay đổi chính sách và giảm thâm hụt thương mại của Mỹ.

Căn thẳng kéo dài suốt gần 2 thập kỷ

Đã 16 năm trôi qua, các mâu thuẫn giữa Mỹ và EU vẫn tồn tại liên quan đến vấn đề trợ cấp Chính phủ cho các hãng sản xuất máy bay Airbus và Boeing. Cuộc chiến pháp lý về Airbus và Boeing tại Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) bắt đầu từ năm 2004, khi Mỹ cáo buộc Đức, Pháp, Anh và Tây Ban Nha đã cung cấp các khoản trợ cấp bất hợp pháp và hỗ trợ dự án sản xuất một loạt máy bay của Airbus, vi phạm quy định của WTO.

Mỹ và Tập đoàn chế tạo và sản xuất máy bay Boeing lập luận rằng nếu không có sự hỗ trợ tài chính đáng kể mà các nước châu Âu đã dành cho Airbus dưới dạng các khoản vay ưu đãi và dưới lãi suất thị trường, Airbus sẽ không bao giờ có thể trở thành đối thủ của Boeing. Tuy nhiên, chỉ 1 năm sau đó, EU cũng cáo buộc Boeing của Mỹ đã nhận 19 tỷ USD tiền trợ cấp từ Chính phủ Mỹ trong giai đoạn 1989 - 2006. Những cuộc tranh cãi vẫn tiếp tục kéo dài cho tới nay.

Cuộc tranh chấp kéo dài khiến hai bên phải đưa vụ việc này lên WTO. Sau đó, WTO đứng ra giúp hòa giải tranh chấp bằng cách cho phép 2 bên áp thuế với các sản phẩm của nhau để bù vào các khoản trợ cấp.

Năm 2019, WTO cho phép Washington áp thuế lên tới 100% đối với các mặt hàng của EU với tổng trị giá 7,5 tỷ USD. Cụ thể, Mỹ đã áp mức thuế suất 25% đối với các sản phẩm nhập khẩu từ EU, trong đó có rượu, pho mát và dầu ôliu, đồng thời tăng mức thuế từ 10% lên 15% đối với các dòng máy bay do Airbus sản xuất. Đổi lại, tháng 10/2020, EU áp thuế đối với gần 4 tỷ USD hàng hóa và dịch vụ của Mỹ vì trợ cấp của Washington đối với hãng sản xuất máy bay Boeing.

Tuy nhiên, việc tạm ngừng áp thuế diễn ra sau cuộc điện đàm giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch EC Ursula von der Leyen đã mở ra hi vọng về tiến trình hòa giải căng thẳng giữa hai bên. Nhà Trắng cho biết, Tổng thống Joe Biden nhấn mạnh sự ủng hộ cũng như cam kết khôi phục quan hệ đối tác giữa Mỹ và EU./.

 

Hoài Hà (Theo AP, AFP, ABC News)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực