Đối thoại về thể chế kinh tế thị trường Việt Nam

Thứ tư, 29/07/2020 21:53
(ĐCSVN) - Trong bối cảnh Việt Nam đang chuẩn bị xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2030 và tầm nhìn đến 2045, việc đánh giá nền kinh tế thị trường Việt Nam là một trong những nội dung quan trọng và có ý nghĩa.

Tuy nhiên, để theo dõi và đánh giá thường kỳ mức độ phát triển của nền kinh tế thị trường Việt Nam, chúng ta cần dựa trên một bộ chỉ số có tính quốc tế để so sánh với các nước trên thế giới. Điều này tương tự như việc cải thiện môi trường kinh doanh hiện nay, Chính phủ đã dựa nhiều vào các chỉ số Môi trường kinh doanh của Ngân hàng thế giới, Năng lực cạnh tranh của Diễn đàn kinh tế thế giới, Đổi mới sáng tạo của WIPO...

Tọa đàm đối thoại chính sách về thể chế kinh tế thị trường Việt Nam (Ảnh: HNV) 

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra, khi nền kinh tế càng phát triển, mối quan hệ giữa tự do kinh tế và tăng trưởng kinh tế ngày càng chặt chẽ hơn. Điều này có hàm ý rất rõ ràng với Việt Nam hiện nay do nền kinh tế của Việt Nam sắp vượt qua ngưỡng phát triển trung bình thấp. Vì thế, đã đến lúc chúng ta phải quan tâm đến các chỉ số về tự do kinh tế như là thước đo cho sự phát triển nền kinh tế thị trường đầy đủ của Việt Nam. Đứng trước vấn đề trên, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân (ĐH KTQD) tổ chức Tọa đàm đối thoại chính sách: "Đối thoại về thể chế kinh tế thị trường Việt Nam".

Buổi tọa đàm có sự tham gia chia sẻ của các diễn giả: TS Fred McMahon - The Fraser Institute, Canada; TS Nguyễn Đình Cung - nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế TƯ; TS Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh; bà Phạm Chi Lan - nguyên Phó Chủ tịch VCCI; PGS.TS Tô Trung Thành - Trưởng phòng Quản lý Khoa học, ĐH KTQD; ông Đinh Tuấn Minh – Giám đốc nghiên cứu MASSEI và PGS.TS Phạm Thế Anh - Trưởng Bộ môn Kinh tế Vĩ mô, ĐH KTQD.

Theo tinh thần đó, các đại biểu tham gia Tọa đàm đã cùng nhau trao đổi, thảo luận, phân tích các chiều kích phát triển nền kinh tế thị trường Việt Nam trong mối tương quan với các quốc gia khác dựa trên bộ chỉ số Economic Freedom of the World (EFW) do Fraser Institute của Canada xây dựng. Đồng thời, tìm hiểu và phân tích sâu hơn về các yếu tố ảnh hưởng đến các chỉ số thành phần cũng như chỉ số tổng hợp EFW. Bên cạnh đó, để xuất, khuyến nghị chính sách để cải thiện bộ chỉ số EFW, qua đó đẩy nhanh quá trình phát triển nền kinh tế thị trường Việt Nam.

GS.TS Trần Thọ Đạt, Chủ tịch Hội đồng Trường ĐH KTQD đã bày tỏ hy vọng thông qua tọa đàm này, một sự kiểm định toàn diện về sự phát triển của nền kinh tế thị trường của Việt Nam thông qua chỉ số EFW sẽ giúp chúng ta chẩn đoán những thách thức và cơ hội hội cho sự phát triển của kinh tế thị trường ở Việt Nam trong thời gian tới.

Tại Tọa đàm, PGS.TS Tô Trung Thành, ĐH KTQD đã chỉ rõ, cần phải đánh giá hiệu quả hoạt động của thị trường và năng lực của nhà nước trong vai trò thúc đẩy kinh tế thị trường ở Việt Nam thông qua tính toán chỉ số EFW, trong đó đề nghị, xem xét điều chỉnh luật quy định về lao động của Việt Nam, nhất là một số quy định về sa thải lao động, cải thiện thủ tục hành chính, giảm bớt các chi phí không chính thức, đơn giản hóa việc chấp hành thuế, khởi nghiệp cho doanh nghiệp và xóa bỏ các rào cản giấy phép…

Trong khi đó, TS Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) nhấn mạnh rằng, để xây dựng nền kinh tế thị trường Việt Nam đầy đủ, hiện đại trong giai đoạn tới cần chú ý, nhận diện được các đặc điểm của nền kinh tế thị trường đầy đủ, hiện đại; thay đổi nhận thức về vai trò của nhà nước trong nền kinh tế thị trường hiện đại và xây dựng các giải pháp cải cách gắn với các con số cụ thể thay vì chỉ dừng lại ở cấp độ lý luận.

Các chuyên gia cho rằng, cần mở rộng hơn nữa tự do kinh tế (Ảnh: HNV)

Từ điểm cầu Canada, TS Fred McMahon, Viện nghiên cứu Fraser, Canada chia sẻ về mối quan hệ giữa tự do kinh tế và khả năng vượt bẫy trung bình của các nước đang phát triển, kinh nghiệm quốc tế và bài học cho Việt Nam. Theo TS Fred, Việt Nam có thành tích tăng trưởng kinh tế đáng nể với tốc độ trung bình 6% trong 10 năm qua, trong khi nhìn sang một số nước trong khu vực tăng trưởng và phát triển cao như Singapore, Hàn Quốc thì kinh nghiệm là có tự do kinh tế cao, do đó, cần thiết phải mở rộng tự do kinh tế…

Nhìn từ góc độ quản trị công, TS Nguyễn Văn Đáng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng, thể chế kinh tế thị trường hiện đại thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, chế độ công hữu tư liệu sản xuất và kinh tế nhà nước không nhất thiết giúp giải quyết các khuyết tật thị trường và bất bình đẳng xã hội, cơ chế thị trường giúp giảm nguy cơ trục lợi chính sách. Do đó, trong thời gian tới, cần hiện đại hóa hệ thống quản trị công theo hướng tăng cường vai trò và củng cố mối quan hệ giữa Đảng – Nhà nước; chính quyền, doanh nghiệp và người dân. Song song là xử lý mối quan hệ giữa chính trị, hành chính và chính sách trong quy trình chính sách công; xây dựng một hệ thống pháp luật hoàn chỉnh, bảo vệ tự do kinh tế và có một thể chế thị trường hoàn chỉnh. 

ThS Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh, CIEM phân tích, đăng ký kinh doanh ở Việt Nam vẫn còn dư địa cải cách nhưng vẫn còn chồng chéo, mâu thuẫn trong một số quy định gây cản trở đầu tư. Bởi thế, việc cải cách môi trường kinh doanh cần thúc đẩy tự do kinh doanh, đảm bảo an toàn kinh doanh, trong đó, tăng cường thanh toán không dùng tiền mặt là giải pháp nâng cao tính minh bạch của môi trường kinh doanh…

Lê Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực