Đồng Nai: Các doanh nghiệp chủ động sản xuất an toàn trong mùa dịch

Thứ hai, 13/09/2021 11:25
(ĐCSVN)- Trước tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến rất phức tạp, nhiều tháng qua, Đồng Nai là địa phương có công nghiệp phát triển của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đã chịu tác động nặng nề từ dịch bệnh. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp ở Đồng Nai đã áp dụng phương án “3 tại chỗ” để giữ vững sản xuất, cùng với chính quyền địa phương kiểm soát dịch bệnh.
Chế biến cao su xuất khẩu trong mùa dịch. (Ảnh: Báo Đồng Nai) 

Theo đó, trong tình hình hiện nay, doanh nghiệp tại Đồng Nai thực hiện “3 tại chỗ” để duy trì sản xuất, thực hiện nghiêm các quy định của chính quyền địa phương để vừa cách ly, vừa sản xuất đảm bảo an toàn. Chủ động hoàn thiện kế hoạch và phương án phòng, chống dịch theo các chỉ thị của Chính phủ, Bộ Y tế. Đồng thời, địa phương phối hợp với các doanh nghiệp kịp thời hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Doanh nghiệp “3 tại chỗ” đã bố trí khu vực lưu trú tập trung, khu vực làm việc riêng biệt với từng nhóm lao động hiện có trong công ty để hạn chế thấp nhất nguy cơ khi dịch bệnh xuất hiện.

Việc bố trí riêng từng nhóm lao động làm việc, ăn uống, nghỉ ngơi và theo những ca khác nhau sẽ hạn chế được rất nhiều nguy cơ về dịch bệnh. Như vậy, nếu không may xảy ra ca F0, doanh nghiệp có thể khoanh vùng đưa người nhiễm bệnh và các trường hợp tiếp xúc gần đi cách ly kịp thời. Sau thời gian khử khuẩn 3-4 ngày, công ty có nhóm lao động khác thay thế để tiếp tục sản xuất.

Ông Trần Anh Dũng, Tổng giám đốc Công ty CP Dịch vụ Sonadezi cho biết, để đảm bảo sản xuất, Công ty đã bố trí cho hơn 200 lao động lưu trú tại nhà máy, chuẩn bị đầy đủ lương thực, nhu yếu phẩm cho người lao động ở lại. Đồng thời, chuẩn bị nguồn nguyên liệu, công cụ, vật tư để có thể duy trì sản xuất ổn định trong một thời gian. Người lao động lưu trú tại công ty sẽ được chia nhóm để làm việc riêng biệt và nhóm làm, nhóm nghỉ. Mục tiêu phòng trường hợp có ca nhiễm bệnh COVID-19, cả nhóm làm việc chung phải cách ly sẽ có nhóm khác thế vào, sản xuất không bị đình trệ.

Hiện Đồng Nai cũng đang tiến hành xét nghiệm diện rộng trên toàn tỉnh nhằm bóc tách những ca nhiễm COVID-19 và người tiếp xúc gần ra khỏi cộng đồng để kiểm soát được dịch bệnh theo mục tiêu đề ra. Các doanh nghiệp thực hiện “3 tại chỗ” trên địa bàn tỉnh đa số nằm trong các khu công nghiệp nên Ban Quản lý các khu công nghiệp Đồng Nai đã có văn bản yêu cầu các doanh nghiệp xét nghiệm 100% cho người lao động đang lưu trú ở công ty. Bên cạnh đó, đề nghị các doanh nghiệp vận động người lao động đang lưu trú trong nhà máy ổn định tâm lý, tiếp tục ở lại công ty thực hiện đúng chủ trương “ai ở đâu, ở yên đó” để chung tay cùng với các địa phương hoàn thành việc phát hiện và đưa các ca nghi nhiễm ra khỏi cộng đồng.

Kiểm soát được dịch bệnh sớm, sẽ giúp các doanh nghiệp nhanh chóng khôi phục được hoạt động sản xuất, kinh doanh, kịp thời hoàn thành các đơn hàng của đối tác nước ngoài và chuẩn bị cho mùa sản xuất cuối năm.

Ngoài ra, đến cuối tháng 8, trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đã có trên 150 doanh nghiệp ở ngoài khu công nghiệp đang thực hiện phương án “3 tại chỗ”, “1 cung đường- 2 địa điểm” và thực hiện cùng lúc cả hai phương án trên.Đồng thời, trên địa bàn tỉnh này có gần 44 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập trên Hệ thống thông tin Quốc gia. Riêng số lao động đang làm việc tại hơn 1.881 doanh nghiệp thứ cấp trong 32 khu công nghiệp là hơn 610 nghìn người. Tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp nhìn chung không gặp nhiều khó khăn về đơn hàng, nguyên vật liệu như năm 2020 nhưng đang gặp nhiều khó khăn vì diễn biến dịch ngày càng phức tạp, chi phí cho công tác phòng chống dịch tăng cao, thiếu hụt lao động, do nhiều khu vực bị phong tỏa, cách ly y tế và khó khăn trong việc vận chuyển nguyên vật liệu, hàng hóa.

Ông Lê Văn Danh, Phó trưởng ban Quản lý các khu công nghiệp Đồng Nai cho biết, hiện nay, có 57 doanh nghiệp trong các khu công nghiệp có nhu cầu đăng ký mới và bổ sung lao động để thực hiện phương án “3 tại chỗ” nhằm tiếp tục duy trì sản xuất kinh doanh. Từ ngày 13/9/2021, Ban Quản lý các khu công nghiệp Đồng Nai cử đoàn kiểm tra xuống từng doanh nghiệp đã đăng ký để xem xét điều kiện bố trí làm việc, ăn ở, tạm trú tại doanh nghiệp có đáp ứng được yêu cầu về phòng chống dịch bệnh COVID-19, an toàn vệ sinh thực phẩm, an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, phòng chống cháy nổ...

Trong đó, yêu cầu doanh nghiệp muốn thực hiện phương án “3 tại chỗ”, thì chỗ tạm trú phải tách biệt với khu vực sản xuất, khu vực nguy hiểm, phải có phòng cách ly tạm thời riêng biệt giữa F0, F1 tại doanh nghiệp và tách riêng với khu vực tạm trú và sản xuất. Đồng thời, doanh nghiệp có phương án kịp thời ứng phó khi phát hiện người lao động có một trong các biểu hiện bệnh hoặc có xét nghiệm dương tính với  Sars- Cov-2 hoặc có tiếp xúc gần trường hợp bệnh...Các doanh nghiệp trên nếu đáp ứng được đầy đủ các quy định trong phòng chống dịch bệnh Covid-19 và duy trì sản xuất sẽ được Ban Quản lý các khu công nghiệp Đồng Nai chấp thuận cho thực hiện phương án “3 tại chỗ”.

Trước đó, Ban Quản lý các khu công nghiệp Đồng Nai đã có văn bản gửi các doanh nghiệp trong khu công nghiệp về việc ký cam kết thực hiện các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 tại doanh nghiệp. Cụ thể, các doanh nghiệp phải thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo yêu cầu của Ban Quản lý các khu công nghiệp Đồng Nai, chính quyền địa phương và ngành y tế. Xây dựng kế hoạch phòng chống dịch bệnh COVID-19 và các biện pháp xử trí khi có các trường hợp nghi ngờ nhiễm bệnh. Bố trí phòng cách ly y tế tạm thời đối với trường hợp người lao động có một trong những biểu hiện là sốt, ho, khó thở trong quá trình làm việc.

Doanh nghiệp tự đánh giá nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh COVID-19 tại cơ sở sản xuất kinh doanh theo hướng dẫn số 2194/QĐ-BCĐQG và cập nhật trên bản đồ an toàn COVID-19. Bên cạnh đó, thường xuyên vệ sinh khử khuẩn, thực hiện an toàn vệ sinh thực phẩm, quản lý chặt chẽ người lao động theo lịch trình, thời gian làm việc. Định kỳ xét nghiệm sàng lọc COVID-19 cho người lao động theo quy định... Được biết, hiện trong các khu công nghiệp của  tỉnh Đồng Nai có hơn 1,1 nghìn doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài và vốn đầu tư trong nước được chấp thuận cho thực hiện phương án “3 tại chỗ” và “1 cung đường, 2 địa điểm” để duy trì sản xuất./..

B.Châu (T/h)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực