Đồng Nai: Chú trọng xây dựng chuỗi liên kết nông sản

Thứ tư, 16/02/2022 14:44
(ĐCSVN) – Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Nai, hiện toàn tỉnh có trên 73,4 nghìn ha cây ăn trái, tăng trên 3,5 nghìn ha so với năm 2020. Nhiều vùng chuyên canh cây ăn trái đã hình thành chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ với sự tham gia của doanh nghiệp chế biến.

Các cây ăn trái có diện tích lớn trên địa bàn tỉnh Đồng Nai gồm xoài với hơn 12,5 nghìn ha, chuối gần 11,9 nghìn ha, chôm chôm trên 10,1 nghìn ha, bưởi gần 10 nghìn ha, sầu riêng gần 7 nghìn ha.v.v.. Trên địa bàn Đồng Nai cũng đã hình thành được 152 vùng sản xuất tập trung, chuyên canh cây ăn trái. Trong đó cây bưởi có 38 vùng, cây mít có 26 vùng, cây sầu riêng có 24 vùng, cây chuối có 17 vùng… Nhiều vùng chuyên canh cây ăn trái của Đồng Nai đã hình thành chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ với sự tham gia của doanh nghiệp chế biến.

leftcenterrightdel
Vùng trồng bưởi huyện Vĩnh Cửu. (Ảnh: Báo Đồng Nai) 

Theo lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Nai, việc xây dựng chuỗi liên kết nông sản phải thực hiện từ thực tế, nông sản của địa phương không chỉ đặt mục tiêu xuất khẩu mà cần coi trọng cả thị trường tiêu thụ trong nước. Tuy là tỉnh công nghiệp nhưng Đồng Nai nằm trong tốp đầu phát triển nông nghiệp của cả nước. Trong phát triển nông nghiệp, nông thôn giai đoạn mới, tỉnh cũng chủ động định hướng cơ cấu lại ngành Nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới theo hướng hiện đại, hiệu quả, phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của địa phương.

Trong giai đoạn tới Đồng Nai phấn đấu giảm mạnh cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động nông thôn theo hướng công nghiệp, dịch vụ nông thôn, giảm mạnh tỉ trọng nông nghiệp là phù hợp với xu thế phát triển. Tuy tỉ trọng nông nghiệp giảm nhưng giá trị sản xuất trên 1ha và thu nhập nông dân phải tăng so với giai đoạn trước.

Về mục tiêu phát triển nông nghiệp, Đồng Nai đã chủ động thực hiện chương trình phát triển nông nghiệp bền vững giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Quan điểm phát triển là tôn trọng quy luật tự nhiên, tránh can thiệp quá mức vào tự nhiên; sử dụng hiệu quả, hợp lý tài nguyên thiên nhiên, thích ứng với biến đổi khí hậu. Phát triển tích hợp, đa ngành, có điều phối liên kết vùng, liên kết ngành gắn với cơ cấu lại ngành Nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới theo hướng hiện đại, hiệu quả, phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của vùng; tận dụng tối đa các cơ hội và lợi thế trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế để thúc đẩy phát triển sản xuất, mở rộng thị trường nông sản.

Trong giai đoạn mới, mục tiêu của tỉnh Đồng Nai là phát triển nông nghiệp bền vững trên cơ sở ứng dụng mạnh mẽ khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và tăng năng suất lao động; phát triển hài hòa giữa kinh tế với xã hội, bảo vệ môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu. Cơ cấu lại ngành Nông nghiệp gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và xây dựng nông thôn mới theo hướng hiện đại; phát triển vùng sản xuất hàng hóa tập trung, chất lượng cao, đạt tiêu chuẩn an toàn thực phẩm. Tập trung phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với thị trường; công nghiệp chế biến sâu và dịch vụ nông nghiệp để nâng cao giá trị gia tăng.

Mục tiêu của Đồng Nai phù hợp với định hướng của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là cơ cấu lại sản xuất gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo chiều sâu, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh dựa trên nền tảng khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo; tạo nền tảng phát triển nông nghiệp số. Ngành Nông nghiệp cũng chuyển nhanh tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp ở tất cả các cấp từ Trung ương đến địa phương. Chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, thủy sản phù hợp theo hướng sản xuất hàng hóa, hiện đại, trên cơ sở phát huy các lợi thế từng vùng, miền, thích ứng với biến đổi khí hậu và nhu cầu thị trường trên cơ sở đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia trong mọi tình huống.

Dự báo trước tình hình khó khăn trong năm 2022, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Nai đã đề ra 10 giải pháp thực hiện để ngành Nông nghiệp vượt khó tiếp tục giữ tốc độ tăng trưởng ổn định. Trong đó, việc hỗ trợ, tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn cản trở sản xuất, kinh doanh; thúc đẩy sản xuất, lưu thông, tiêu thụ và xuất khẩu nông sản, tránh đứt gãy chuỗi sản xuất gắn với đảm bảo an toàn phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Điều chỉnh kế hoạch sản xuất nông, lâm, thủy sản cần phải phù hợp với trạng thái “bình thường mới” được đặc biệt quan tâm.

Theo Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Nai Trần Lâm Sinh, trong sản xuất, ngành Nông nghiệp quan tâm đến nhóm giải pháp chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, cơ cấu lại các vùng sản xuất theo hướng phát triển những cây, con có lợi thế cạnh tranh, nhu cầu thị trường cần và hình thành các vùng nguyên liệu phục vụ cho chế biến. Việc xây dựng chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ được đặc biệt chú trọng để nông sản có đầu ra bền vững hơn trong giai đoạn thị trường tiêu thụ còn nhiều khó khăn và bấp bênh do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19./.

K.V

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực