Đồng Nai phân vùng, diện tích sản xuất nông nghiệp hữu cơ đến năm 2030

Thứ ba, 04/05/2021 15:34
(ĐCSVN) – Những năm qua, sản xuất hữu cơ đã trở thành xu hướng phát triển của ngành nông nghiệp tỉnh Đồng Nai, địa phương này đã coi đây là hướng đi bền vững để góp phần giải quyết những vấn đề còn tồn tại như tiêu chuẩn chất lượng, quy trình sản xuất..., tiến tới đưa nông sản Đồng Nai đến các thị trường lớn, giàu tiềm năng trong và ngoài nước…
leftcenterrightdel
Vùng cây có múi được quy hoạch tại huyện Vĩnh Cửu- Đồng Nai. (Ảnh: K.V) 

Để lĩnh vực này đạt hiệu quả cao và mang lại thực chất cho người nông dân, tỉnh Đồng Nai cũng đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện sản xuất nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh giai đoạn từ 2020 đến năm 2030.

Theo đó, kế hoạch đưa ra 5 nhiệm vụ cụ thể, đó là phát triển các vùng sản xuất hữu cơ đối với một số sản phẩm hữu cơ chủ lực của tỉnh và thế mạnh của địa phương; phát triển đa dạng các hình thức tổ chức sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm hữu cơ; đồng thời nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ trong nông nghiệp hữu cơ, cùng với đó là đào tạo, tập huấn phát triển nguồn nhân lực. Ngoài ra, Đồng Nai còn phát triển các vật tư đầu vào phục vụ phát triển nông nghiệp hữu cơ.

Kèm theo các nhiệm vụ đề ra nói trên là các giải pháp trọng tâm để thực hiện mục thực hiện kế hoạch là hình thành các vùng sản xuất hữu cơ như vùng trồng trọt hữu cơ, vùng chăn nuôi hữu cơ, vùng nuôi trồng thủy sản hữu cơ.

Đối với vùng trồng trọt hữu cơ, tỉnh Đồng Nai chia ra thành các khu vực cụ thể như vùng lúa hữu cơ, với diện tích gieo trồng khoảng 500 ha vào năm 2025 và khoảng 1.000 ha đến năm 2030; vùng rau đậu hữu cơ có diện tích gieo trồng đạt khoảng 200 ha vào năm 2025 và khoảng 500 ha đến năm 2030; vùng sản xuất cây ăn quả hữu cơ có diện tích trồng đạt khoảng 500 ha vào năm 2025 và khoảng 1.000 ha đến năm 2030; vùng sản xuất hồ tiêu hữu cơ diện tích trồng đạt khoảng 200 ha vào năm 2025 và khoảng 500 ha đến năm 2030;  vùng sản xuất điều hữu cơ được bố trí diện tích trồng khoảng 400 ha vào năm 2025 và khoảng 700 ha đến năm 2030; và vùng ca cao hữu cơ với diện tích trồng đạt khoảng 30 ha vào năm 2025 và khoảng 50 ha đến năm 2030.

Đối với lĩnh vực chăn nuôi xây dựng các vùng chăn nuôi hữu cơ với các sản phẩm chủ lực như sản phẩm mật ong, sản phẩm yến, thịt gia súc gia cầm, ...; riêng vùng chăn nuôi bò hữu cơ gắn với vùng đồng cỏ, vùng trồng trọt sản xuất thức ăn thô xanh hữu cơ. Trong đó, vùng chăn nuôi lợn hữu cơ có đàn lợn đạt khoảng 5.000 con năm 2025 và khoảng 10.000 con vào năm 2030; vùng chăn nuôi gia cầm hữu cơ có đàn gia cầm đạt khoảng 200.000 con đến năm 2025 và khoảng 500.000 con vào năm 2030; vùng chăn nuôi bò hữu cơ phấn đấu đưa đàn bò đến năm 2025 đạt khoảng 800 con và đến năm 2030 đạt khoảng 1.500 con; vùng nuôi ong hữu cơ cho sản lượng mật ong hữu cơ khoảng 100 tấn đến năm 2025 và khoảng 300 tấn vào năm 2030; vùng nuôi yến hữu cơ cho sản phẩm yến hữu cơ khoảng 300 kg đến năm 2025 và khoảng 500 kg vào năm 2030.

Vùng nuôi trồng thủy sản hữu cơ được phát triển với những sản phẩm chủ lực như tôm nước lợ, tôm càng xanh, các loài thủy sản bản địa, ... với diện tích mặt nước nuôi trồng thủy sản hữu cơ đạt khoảng 200 ha vào năm 2025 và khoảng 500 ha đến năm 2030.

Tỉnh Đồng Nai cũng phát triển các vùng sản xuất sản phẩm dược liệu và lâm sản ngoài gỗ từ tự nhiên, tỷ lệ sản lượng hữu cơ trên tổng sản lượng đạt khoảng 90% đến 95% vào năm 2025 và từ 95% đến 98% vào năm 2030; đối với hình thức thâm canh (sử dụng môi trường rừng để sản xuất) tỷ lệ sản lượng hữu cơ trên tổng sản lượng đạt khoảng từ 75% đến 80% vào năm 2025 và từ 80% đến 85% vào năm 2030.

Được biết, ngành nông nghiệp tỉnh Đồng Nai xác định chuyển dịch theo hướng nâng cao giá trị, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất để tăng khả năng cạnh tranh tại thị trường nội địa lẫn quốc tế. Theo Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai Cao Tiến Dũng, điều quan trọng nhất của những ứng dụng này là có tính khả thi, đưa vào đời sống./.

K.V

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực