Dù gặp khó do COVID-19 nhưng kinh tế vẫn có tăng trưởng

Thứ bảy, 31/10/2020 21:04
(ĐCSVN) - Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng 10 và 10 tháng năm 2020 của Tổng cục Thống kê cho thấy một số tín hiệu sáng, lạc quan trong tăng trưởng kinh tế của Việt Nam thời gian qua mặc dù chịu ảnh hưởng khó khăn do dịch bệnh COVID-19.

Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản dần khôi phục

 Chỉ số sản xuất nông nghiệp và công nghiệp (Ảnh: TCTK)

Theo Tổng cục Thống kê, sản xuất nông nghiệp trong tháng tập trung vào chăm sóc, thu hoạch lúa mùa, lúa thu đông trên cả nước và gieo trồng cây màu vụ đông ở phía Bắc. Điều kiện thời tiết không thuận lợi đã gây ngập lụt làm một số diện tích lúa và hoa màu bị mất trắng hoặc không thể gieo trồng; nhiều gia súc, gia cầm bị chết, cuốn trôi; hoạt động nuôi trồng và khai thác thủy sản bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, giá cá tra trong tháng đã tăng sau 9 tháng liên tiếp ở mức thấp, giá tôm ổn định trở lại do thị trường xuất khẩu đang dần được khôi phục.

Vụ lúa mùa năm 2020 cả nước gieo cấy được 1.585,2 nghìn ha, bằng 98,4% vụ mùa năm trước. Tính đến trung tuần tháng 10, cả nước thu hoạch được 990,7 nghìn ha, chiếm 62,5% diện tích gieo cấy và bằng 97,2% cùng kỳ năm trước. Năng suất lúa mùa năm nay đạt 50,7 tạ/ha, tăng 0,3 tạ/ha so với năm trước; sản lượng ước tính đạt 8,04 triệu tấn, giảm 59,5 nghìn tấn so với vụ mùa trước.

Cùng với chăm sóc và thu hoạch lúa mùa, các địa phương trên cả nước đã cơ bản kết thúc sản xuất lúa hè thu với diện tích gieo trồng đạt 1.944,8 nghìn ha, giảm 64,8 nghìn ha so với vụ hè thu năm 2019. Tính đến giữa tháng 10, cả nước đã thu hoạch được 1.920,4 nghìn ha, bằng 96,5% so với cùng kỳ năm trước; năng suất ước tính đạt 55,7 tạ/ha, tăng 0,9 tạ/ha; sản lượng đạt 10,83 triệu tấn, giảm 119,3 nghìn tấn.

Đến giữa tháng 10, vùng Đồng bằng sông Cửu Long gieo cấy được 684,9 nghìn ha lúa thu đông, bằng 95,9% cùng kỳ năm trước. Toàn vùng đã thu hoạch 283,7 nghìn ha, chiếm 41,4% diện tích gieo cấy và bằng 103,2% cùng kỳ năm trước; năng suất ước tính đạt 52,2 tạ/hạ, tăng 0,4 tạ/ha.

Tính đến thời điểm 15/10/2020, cả nước gieo trồng được 66,5 nghìn ha ngô, bằng 91,5% cùng kỳ năm trước; 10,8 nghìn ha khoai lang, bằng 92,3%; 2,5 nghìn ha đậu tương, bằng 59,5%; 4 nghìn ha lạc, bằng 83,3%; 78,9 nghìn ha rau, đậu, tương đương cùng kỳ năm trước.

Chăn nuôi lợn đang dần được khôi phục, tổng số lợn trong tháng tăng 7,6% so với cùng thời điểm năm trước; tổng số bò tăng 2,5%; tổng số gia cầm tăng 4,3%; tổng số trâu giảm 2%. Tính đến ngày 25/10/2020, một số loại dịch bệnh chưa qua 21 ngày còn ở các địa phương: dịch tai xanh còn ở Hà Nam; dịch cúm gia cầm còn ở Thái Bình; dịch lở mồm long móng ở Quảng Nam, Kon Tum; dịch tả lợn châu Phi còn ở 377 xã của 31 địa phương.

Trong tháng 10, diện tích rừng trồng mới tập trung của cả nước ước tính đạt 28,6 nghìn ha, giảm 3,1% so với cùng kỳ 2019. Tính chung 10 tháng, diện tích rừng trồng mới tập trung ước tính đạt 198,1 nghìn ha, giảm 2,7% so với cùng kỳ 2019. Diện tích rừng bị thiệt hại trong tháng 10 là 66,1 ha, giảm 45,6% so với cùng kỳ 2019. Tính chung 10 tháng, diện tích rừng bị thiệt hại là 1.357,1 ha, giảm 59,7% so với cùng kỳ 2019.

Sản lượng thủy sản cả nước tháng 10/2020 ước tính đạt 786,9 nghìn tấn, giảm 1,1% so với cùng kỳ 2019. Tính chung 10 tháng năm 2020, sản lượng thủy sản ước tính đạt 6.914,6 nghìn tấn, tăng 1,3% so với cùng kỳ 2019.

Sản xuất công nghiệp tiếp tục khởi sắc

Trước tình hình dịch COVID-19 được kiểm soát tốt, các lĩnh vực của nền kinh tế đang bước vào trạng thái hoạt động trong điều kiện bình thường mới, sản xuất công nghiệp tháng 10/2020 tiếp tục khởi sắc, đặc biệt là ngành chế biến, chế tạo với mức tăng 8,3% so với cùng kỳ 2019.

Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 10/2020 ước tính tăng 3,6% so với tháng trước và tăng 5,4% so với cùng kỳ 2019. Tính chung 10 tháng năm 2020, IIP ước tính tăng 2,7% so với cùng kỳ 2019, thấp hơn nhiều so với mức tăng 9,5% của cùng kỳ năm 2019. Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 4,2% (cùng kỳ năm 2019 tăng 10,8%), đóng góp 3,6 điểm phần trăm vào mức tăng chung; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 3,2%, đóng góp 0,3 điểm phần trăm; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 4,1%, đóng góp 0,1 điểm phần trăm; riêng ngành khai khoáng giảm 8,1%, làm giảm 1,3 điểm phần trăm trong mức tăng chung.

 

Chỉ số thương mại và dịch vụ (Ảnh: TCTK)

Số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới trong tháng 10/2020 tăng 18,4% so với tháng 9/2020

Tình hình đăng ký doanh nghiệp tháng 10/2020 khởi sắc so với tháng trước. Số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới trong tháng 10/2020 tăng 18,4% so với tháng 9/2020, số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tăng 10,4%. Tính chung 10 tháng năm 2020, cả nước có gần 111,2 nghìn doanh nghiệp thành lập mới, giảm 2,9% so với cùng kỳ 2019, quy mô vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới đạt 14,3 tỷ đồng, tăng 14,4%.

Trong tháng 10/2020, cả nước có 12,2 nghìn doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 165,6 nghìn tỷ đồng và số lao động đăng ký là 72,4 nghìn lao động, tăng 18,4% về số doanh nghiệp, giảm 18,5% về vốn đăng ký và giảm 12,7% về số lao động so với tháng 9/2020.

Tính chung 10 tháng, cả nước có gần 111,2 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 1.594,1 nghìn tỷ đồng và tổng số lao động đăng ký là 850,3 nghìn lao động, giảm 2,9% về số doanh nghiệp, tăng 11,1% về vốn đăng ký và giảm 17% về số lao động so với cùng kỳ 2019.

Nếu tính cả 2.298 nghìn tỷ đồng vốn đăng ký tăng thêm của 32,6 nghìn doanh nghiệp thay đổi tăng vốn thì tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong 10 tháng năm nay là 3.892,1 nghìn tỷ đồng, tăng 17% so với cùng kỳ 2019.

Bên cạnh đó, còn có 37,7 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 8,2% so với 10 tháng năm 2019, nâng tổng số doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong 10 tháng lên 148,9 nghìn doanh nghiệp, giảm 0,3% so với cùng kỳ 2019. Trung bình mỗi tháng có gần 14,9 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động.

Trong 10 tháng có gần 85,6 nghìn doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 15,1% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm: 41,8 nghìn doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 58,7%; gần 30,3 nghìn doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, giảm 12,4%; 13,5 nghìn doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 0,1%. Trung bình mỗi tháng có 8,6 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.

 

Chỉ số tình hình đăng ký kinh doanh và vốn đầu tư (Ảnh: TCTK)

Đầu tư nước ngoài và xuất nhập khẩu vẫn tăng

Tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam tính đến ngày 20/10/2020 bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 23,5 tỷ USD, giảm 19,4% so với cùng kỳ 2019. Trong đó có 2.100 dự án được cấp phép mới với số vốn đăng ký đạt 11,7 tỷ USD, giảm 32,1% về số dự án và giảm 9,1% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước; có 907 lượt dự án đã cấp phép từ các năm trước đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với số vốn tăng thêm đạt 5,7 tỷ USD, tăng 4,4%; có 5.451 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị góp vốn đạt 6,1 tỷ USD, giảm 43,5%.

Đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài trong 10 tháng năm 2020 có 107 dự án được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mới với tổng số vốn đầu tư của phía Việt Nam là 314,5 triệu USD; có 28 lượt dự án điều chỉnh vốn với số vốn tăng thêm đạt 163,8 triệu USD. Tính chung tổng vốn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài (vốn cấp mới và tăng thêm) 10 tháng đạt 478,3 triệu USD, tăng 16,1% so với cùng kỳ 2019.

Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa thực hiện tháng 9/2020 đạt 27.163 triệu USD, thấp hơn 337 triệu USD so với số ước tính. Ước tính tháng 10/2020, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 26,7 tỷ USD, giảm 1,7% so với tháng trước và tăng 9,9% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 10 tháng năm 2020, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước tính đạt 229,27 tỷ USD, tăng 4,7% so với cùng kỳ 2019. Trong 10 tháng có 31 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 91,8% tổng kim ngạch xuất khẩu (trong đó có 5 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 59,9%).

Về cơ cấu nhóm hàng xuất khẩu 10 tháng, nhóm hàng công nghiệp nặng và khoáng sản ước tính đạt 123,8 tỷ USD, tăng 8,4% so với cùng kỳ 2019. Nhóm hàng công nghiệp nhẹ và tiểu thủ công nghiệp ước tính đạt 81,8 tỷ USD, tăng 1,5%.

Về thị trường hàng hóa xuất khẩu, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam trong 10 tháng với kim ngạch đạt 62,3 tỷ USD. Tiếp đến là Trung Quốc đạt 37,6 tỷ USD; Thị trường EU đạt 28,9 tỷ USD; Thị trường ASEAN đạt 18,9 tỷ USD; Hàn Quốc đạt 16,3 tỷ USD và Nhật Bản đạt 15,6 tỷ USD.

Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa thực hiện tháng 9/2020 đạt 24.204 triệu USD, cao hơn 204 triệu USD so với số ước tính. Ước tính tháng 10/2020, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa đạt 24,5 tỷ USD, tăng 1,2% so với tháng trước và tăng 10,1% so với cùng kỳ 2019. Tính chung 10 tháng năm 2020, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước tính đạt 210,55 tỷ USD, tăng 0,4% so với cùng kỳ 2019. Trong 10 tháng năm 2020 có 34 mặt hàng đạt kim ngạch nhập khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 89,4% tổng kim ngạch nhập khẩu.

Về thị trường hàng hóa nhập khẩu trong 10 tháng, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước tính đạt 65,8 tỷ USD; Hàn Quốc đạt 37,4 tỷ USD; thị trường ASEAN đạt 24,4 tỷ USD; Nhật Bản đạt 16,5 tỷ USD; thị trường EU đạt 11,8 tỷ USD; Hoa Kỳ đạt 11,6 tỷ USD...

Cán cân thương mại hàng hóa thực hiện tháng 9/2020 xuất siêu 3 tỷ USD; 9 tháng xuất siêu 16,52 tỷ USD; tháng 10 ước tính xuất siêu 2,2 tỷ USD. Tính chung 10 tháng năm 2020, cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu kỷ lục 18,72 tỷ USD.

Có thể thấy, những chỉ số kinh tế vĩ mô cơ bản của Việt Nam vẫn duy trì đà tăng trưởng dù không cao, tuy nhiên, trong bối cảnh tác động sâu sắc của dịch bệnh COVID-19, đây cũng là thành công bước đầu trong điều hành và nỗ lực thực hiện nhiệm vụ kép của Chính phủ, vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế.

 

HA.NV

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực