Gắn sản xuất với tiêu thụ nông sản khu vực kinh tế tập thể

Thứ bảy, 27/11/2021 20:08
(ĐCSVN) - Ông Lê Đức Thịnh - Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển Nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho rằng, HTX có thể yêu cầu doanh nghiệp đầu tư về công nghệ, chia sẻ vốn, máy móc. Đồng thời, HTX cần tập trung vào công đoạn sơ chế, hoàn thiện nguyên liệu cho doanh nghiệp thu mua đầu vào.

Ngày 27/11, Tổ điều hành Diễn đàn kết nối nông sản 970 phối hợp Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn, Trung tâm Xúc tiến thương mại Nông nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) tổ chức Diễn đàn trực tuyến với chủ đề "Kết nối gắn sản xuất với tiêu thụ nông sản khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã trong điều kiện bình thường mới".

 Quang cảnh Diễn đàn (Ảnh: N.H)

Thông tin tại Diễn đàn cho biết, trong thời gian vừa qua, đã có những hợp tác xã (HTX) có quy mô lớn, doanh thu cao, thu hút được nhiều lao động; nhiều HTX tổ chức sản xuất, kinh doanh theo chuỗi giá trị và dần khẳng định phương thức sản xuất phổ biến để phát triển bền vững,...Trong bối cảnh hiện nay, cách mạng công nghiệp 4.0 và thời kỳ công nghệ đang mở ra nhiều cơ hội và thách thức cho phát triển kinh tế tập thể và HTX. Bên cạnh đó, đại dịch COVID-19 cũng có những tác động sâu sắc đến sự phát triển của nền kinh tế, trong đó có hoạt động của kinh tế tập thể. Chính vì vậy, khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã cũng cần có những thích ứng mới để phù hợp với tình hình.

Tại Diễn đàn, ông Đặng Bình Minh, đại diện HTX Chiến Thắng, Hà Tĩnh cho biết, HTX có nhiều sản phẩm đạt chứng nhận OCOP, trong đó có nước mắm, ruốc. Trên diện tích 1.200m2, HTX có hơn 600 chum sành để muối nước mắm thủ công và 6 bồn muối theo hệ thống năng lượng mặt trời do Sở Khoa học và Công nghệ Hà Tĩnh chuyển giao. Mỗi năm, cơ sở thu mua khoảng 200 tấn cá cơm để chế biến nước mắm. Ngoài nước mắm, HTX Chiến Thắng còn chế biến ruốc mặn, sứa muối,... và thu mua hàng chục tấn cá tươi, cá khô giúp ngư dân trên địa bàn. Qua Diễn đàn, ông Minh bày tỏ mong muốn được các cơ quan quản lý Nhà nước, hiệp hội, ngành hàng hướng dẫn quy trình, thủ tục xuất khẩu sang những thị trường như: Mỹ, Nhật Bản, EU.

Đại diện HTX Nông nghiệp hữu cơ an toàn FAOS (Gia Lai) chia sẻ, trong thời gian qua, HTX đã đẩy mạnh phát triển liên kết theo chuỗi giá trị với bà con nông dân ở địa phương theo cách thức HTX đứng ra thu mua, sơ chế, chế biến… Trong 3 tháng vừa qua, HTX đã tiêu thụ được 50 tấn bơ, 100 tấn nông sản các loại. Đại diện HTX Nông nghiệp hữu cơ an toàn FAOS cũng cho rằng, hiện nay, xu thế chung của tất cả các thị trường là minh bạch thông tin nguồn gốc sản phẩm.

Chính vì vậy, theo kinh nghiệm HTX đang triển khai khi tham gia chuỗi liên kết, việc xây dựng nhật ký điện tử, truy xuất nguồn gốc sẽ giúp khả năng kết nối, tiêu thụ sản phẩm sẽ thuận lợi hơn. Bên cạnh đó, các HTX nên tích cực tham gia vào chuỗi liên kết. Tuy nhiên, việc đầu tiên các HTX cần làm là đảm bảo chất lượng sản phẩm, sau đó trong chuỗi sẽ được các doanh nghiệp, đối tác hỗ trợ công tác tiêu thụ…

Nhấn mạnh đến vai trò của tính minh bạch sản phẩm, tại Diễn đàn, ông Mai Quang Vinh, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc Liên hiệp Hợp tác xã Kinh tế số Việt Nam (VDECA) cho rằng, để nông sản tạo dựng được uy tín, bán được giá, bà con nông dân, HTX cần phải đảm bảo được tính minh bạch thông qua Chứng nhận Tiêu chuẩn Việt Nam, tiêu chuẩn quốc gia, tiêu chuẩn quốc tế; Chứng nhận tiêu chuẩn cơ sở; Quy chuẩn sản xuất,…Bên cạnh đó, thông qua các giải pháp công nghệ, sổ ghi chép thủ công sẽ được thay thế bằng nhật kí điện tử, sau đó trích xuất ra tem truy xuất thông minh.

“Chúng ta có thể theo dõi lô sản phẩm ngay từ ban đầu. Tem truy xuất thông minh có thể truy xuất đến từng công đoạn sản xuất thay cho tem bình thường chỉ truy xuất được nguồn gốc xuất xứ. Các cấp quản lý nhà nước sẽ có trách nhiệm giám sát khi tem truy xuất thông minh được xuất ra”, Giám đốc Liên hiệp Hợp tác xã Kinh tế số Việt Nam chia sẻ.

Theo ông Lê Đức Thịnh – Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển Nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), HTX không nên đi vào công đoạn lớn, nhiều rủi ro như thương mại hay chế biến sâu. Điều cần làm là tập trung sơ chế, hoàn thiện nguyên liệu cho doanh nghiệp thu mua đầu vào.

Với những khó khăn về vốn và công nghệ của hợp tác xã, ông Lê Đức Thịnh cho rằng, cần xác định, HTX có nguyên liệu cung cấp cho doanh nghiệp, do vậy, HTX có thể yêu cầu doanh nghiệp đầu tư về công nghệ, có thể được chia sẻ vốn, máy móc.

Bên cạnh đó, có nghịch lý về giá khi HTX bắt buộc phải tăng chất lượng nông sản, tuân thủ quy trình an toàn, nhưng sản phẩm đầu ra phải bán tương tự giá của các mặt hàng trôi nổi trên thị trường. Về vấn đề này, theo ông Thịnh, rất khó để duy trì chuỗi giá trị. Chính vì vậy, HTX và doanh nghiệp phải ngồi lại với nhau để tính đường lâu dài,.../.

BT

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực