Từ năm 2016 đến nay, tỉnh Gia Lai đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách lớn nhằm tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất lao động, sức cạnh tranh, cải thiện môi trường kinh doanh và đầu tư của tỉnh; tập trung thực hiện ba giải pháp đột phá nhằm đưa tỉnh phát triển nhanh, bền vững.
|
Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh - một trong những vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh Gia Lai |
Trước hết, sẽ tâp trung đẩy mạnh hơn nữa việc cải cách hành chính, nhằm tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng, thực hiện tốt chính sách phát triển các thành phần kinh tế. Trong đó, đã thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn tại 5 doanh nghiệp nhà nước thuộc tỉnh quản lý; sắp xếp, củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động của 11 công ty lâm nghiệp theo phương án tổng thể được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Từ năm 2019, tỉnh đã hoàn thành việc sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn cho các doanh nghiệp nhà nước theo kế hoạch đề ra; hiện còn 13 doanh nghiệp nhà nước thuộc UBND tỉnh quản lý. Rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính có liên quan đến việc thực hiện các dự án đầu tư, môi trường đầu tư được cải thiện; đa dạng lĩnh vực đầu tư, đặc biệt tập trung nhiều vào lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, các dự án chế biến sâu từ các sản phẩm nông nghiệp, các dự án điện năng lượng mặt trời... Tiếp tục chuyển đổi mô hình hoạt động Hợp tác xã theo luật định với tiêu chí tăng quy mô, mở rộng sản xuất, kinh doanh, từng bước đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng, nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống của thành viên, đẩy mạnh xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất với quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, liên kết với doanh nghiệp trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.
Đồng thời, tỉnh Gia Lai xác định sẽ tạo dựng đột phá về đầu tư xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội, phát triển đô thị, nông thôn, trong đó có những nội dung trọng điểm như quy hoạch tổng thể, toàn diện trong đầu tư xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, hiện đại nhằm đẩy nhanh phát triển kinh tế - xã hội, phát triển đô thị, nông thôn, kể cả vùng xa, vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; ưu tiên cho mạng lưới giao thông đường bộ được thông suốt; quan tâm đầu tư hạ tầng về thủy lợi, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu; đẩy mạnh đầu tư, gia tăng xây dựng kết cấu hạ tầng về giáo dục, y tế, văn hóa, các dịch vụ tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, vận tải, bưu chính viễn thông, thông tin...
Đặc biệt, một trong những đột phá trọng điểm nhằm sớm đưa Gia Lai trở thành vùng kinh tế động lực trong Khu vực Tam giác phát triển ba nước Việt Nam – Campuchia - Lào là đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Điểm nổi bật trong thời gian qua là Gia Lai đã ban hành và triển khai nhiều chủ trương, chính sách phát triển nguồn nhân lực, thu hút nguồn nhân lực có trình độ cao, ưu tiên đào tạo và đào tạo lại đội ngũ cán bộ, đào tạo kỹ sư công nghệ thông tin, công nhân kỹ thuật bậc cao… đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa của tỉnh..
Cùng với việc tiếp tục đẩy mạnh thực hiện 3 đột phá trên, Gia Lai sẽ tiếp tục kế thừa và phát huy những thành tựu đã đạt được, những kinh nghiệm từ thực tiễn, nhằm tranh thủ tối đa tiềm năng và lợi thế, trong đó, tập trung khai thác có hiệu quả Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh và các tuyến đường Hồ Chí Minh, Đông Trường Sơn, các Quốc lộ 14, 19, phát triển mạnh du lịch gắn với khai thác tiềm năng, lợi thế về rừng, các di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh; phối hợp, liên kết với các tỉnh Tây Nguyên, các tỉnh vùng Duyên hải Miền Trung, với cả nước và quốc tế nhằm đẩy nhanh phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới./.