Gia tăng hàm lượng xuất xứ Việt Nam xuất khẩu sang EU trong EVFTA

Thứ sáu, 09/12/2022 22:17
(ĐCSVN) - Sau hai năm thực thi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA), xuất khẩu hàng hóa sang EU đã tăng trưởng mạnh mẽ, đi cùng với đó là số lượng những doanh nghiệp sử dụng chứng nhận xuất xứ ưu đãi theo EVFTA cũng tăng và cao hơn so với các hiệp định khác mà chúng ta đã ký kết.
 Bà Trịnh Thị Thu Hiền-Trưởng phòng Xuất xứ hàng hoá, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương)

Ngày 9/12, Tạp chí Công Thương tổ chức Tọa đàm “Gia tăng hàm lượng xuất xứ Việt Nam xuất khẩu sang EU theo Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và liên minh châu Âu (EVFTA)”.

Bà Trịnh Thị Thu Hiền, Trưởng phòng Xuất xứ hàng hóa, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, EVFTA đã phát huy hiệu quả bước đầu của một hiệp định có thực chất và rất được kỳ vọng. Tuy nhiên, từ ngày 1/1/2023, cơ chế chứng nhận xuất xứ đối với hàng đi EU sẽ theo quy định và theo cơ chế chứng nhận xuất xứ trong khuôn khổ hiệp định này.

Cụ thể, với những lô hàng có trị giá từ 6.000 euro trở xuống, doanh nghiệp sẽ thực hiện tự chứng nhận xuất xứ với những lô hàng đó, không cần phải có văn bản chấp thuận của Bộ Công Thương, được phép tự chứng nhận xuất xứ cũng không cần phải có những mã số tương tự. Còn với những lô hàng trên 6.000 euro, doanh nghiệp sẽ thực hiện nộp bộ hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận xuất xứ mẫu EUR.1 một trong khuôn khổ EVFTA đối với các lô hàng xuất khẩu đi EU.

Thế nhưng, không phải cứ hàng từ 6.000 euro trở xuống bắt buộc phải tự chứng nhận xuất xứ mà doanh nghiệp hoàn toàn có quyền. Trong trường hợp nếu doanh nghiệp vẫn muốn có chứng từ C/O EUR.1 vẫn nộp một bộ hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận xuất xứ đối với những lô hàng dưới 6.000 euro trở xuống, tương tự như hồ sơ mà đề nghị cấp đối với lô hàng trên 6.000 euro.

Bộ Công Thương lưu ý doanh nghiệp cần có hệ thống lưu trữ chứng từ, hồ sơ rất cẩn thận để đề phòng trường hợp sau này nếu như có xác minh xuất xứ, hậu kiểm vẫn hoàn toàn có đầy đủ khả năng để chứng minh xuất xứ cho những lô hàng đã xuất khẩu.

Bà Đặng Thị Hải Bình, Phó Trưởng phòng Xuất xứ hàng hoá và Sở hữu trí tuệ, Cục Giám sát quản lý về hải quan, Tổng cục Hải quan cũng cho rằng, doanh nghiệp cần lưu ý đáp ứng đúng quy định của cả Việt Nam và quy định của EU.

Liên quan đến hình thức mới sẽ áp dụng từ ngày 1/1/2023 mà khi GSP chấm dứt về khía cạnh hải quan để tận dụng bất cứ một hiệp định ưu đãi thuế quan nào trong khuôn khổ FTA, doanh nghiệp cần xác định rõ hàng hóa có đáp ứng quy tắc xuất xứ trong khuôn khổ này hay không và phải lưu ý với chứng từ.

Hiện tại, doanh nghiệp cần lưu ý hàng xuất khẩu yêu cầu về chứng từ chữ khác với hàng nhập khẩu. Trong trường hợp doanh nghiệp nhập khẩu muốn áp dụng C/O đặc biệt có nhận được C/O được cấp bởi cơ quan thẩm quyền châu Âu, đó không phải chứng từ hợp lệ. Bởi châu Âu đã thông báo là chỉ áp dụng hình thức tự chứng nhận, hoàn toàn ngược lại với hàng xuất khẩu.

 Tọa đàm “Gia tăng hàm lượng xuất xứ Việt Nam xuất khẩu sang EU theo Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và liên minh châu Âu (EVFTA)”

Về mặt quản lý hải quan, tất các các quy định mới hoặc những kiến nghị mà bất cập trong quá trình thực hiện văn bản pháp quy đều được hải quan ghi nhận và kiểm tra xem chính xác có vướng mắc gì để kiến nghị đến các phòng thẩm quyền. Trong trường hợp không thuộc thẩm quyền của Bộ Tài chính sẽ kiến nghị các cấp thẩm quyền để xử lý.

Nói riêng về Hiệp định thương mại tự do và EVFTA, sắp tới Bộ Tài chính cũng đang trong giai đoạn ban hành thông tư thay thế một số thông tư về xuất xứ hàng hóa; trong đó, dự thảo đã lấy kiến rộng rãi có rất nhiều quy định theo hướng tạo thuận lợi và rất cụ thể. Đặc biệt, có sự khác biệt giữa Hiệp định EVFTA với các hiệp định khác mà doanh nghiệp cần lưu ý và đã được hướng dẫn rất cụ thể trong thông tư hướng dẫn mới đang được dự kiến ban hành để thay thế một số thông tư của Bộ Tài chính về xuất xứ hàng hóa.

Theo bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam, quý IV năm 2022, những ngành xuất khẩu; trong đó, có ngành da giày chịu tác động rất là lớn của thị trường thế giới.

Cụ thể như là các thị trường xuất khẩu chính như thị trường Mỹ, EU, Nhật Bản có mức suy giảm do tình hình lạm phát cũng như sức tiêu dùng cũng suy giảm và đặc biệt tồn kho khá lớn với mặt hàng thời trang, ảnh hưởng tới tình hình đơn hàng của ngành da giày.

Dự kiến hết quý II/2023 mới có thể có tín hiệu khả quan và điều này cũng tác động khá là lớn tới đơn hàng cũng như là lao động của ngành da giày và đây là một trong những thách thức rất lớn đối với ngành. Tuy nhiên, các giải pháp ngành da giày đang hướng tới là phải mở rộng tìm kiếm thêm các nguồn cung mới, các thị trường mới và nhất là cố gắng tận dụng tốt các thị trường mà đã có FTA đã ký kết. Đây là một lợi thế và đặc biệt là sản phẩm giày dép Việt Nam đứng thứ hai thế giới về xuất khẩu chỉ sau Trung Quốc và cũng đã có một thương hiệu Made in Việt Nam khá tốt. Hơn nữa, Việt Nam cũng là một nước mà khá uy tín trong việc sản xuất các dòng sản phẩm, đặc biệt là giày thể thao theo các nhãn hàng lớn. Chính vì thế, hy vọng trong lượng tổng cầu suy giảm nhưng các đơn hàng với Việt Nam sẽ vẫn được duy trì.

Bà Phan Thị Thanh Xuân cho rằng, có hai mảng cần phải hỗ trợ. Bởi muốn phát triển những dòng giày có hàm lượng giá trị gia tăng cao cần phải tập trung thu hút đầu tư phát triển vùng nguyên liệu, đặc biệt là nguyên liệu về da thuộc. Vì vậy, nên có những địa phương có thể mở rộng phát triển vùng nguyên liệu này với những công nghệ mới, công nghệ thân thiện với môi trường và đáp ứng được các tiêu chí.

Mặt khác, cần hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực về thiết kế vì với EU, hiện nay doanh nghiệp vẫn chủ yếu gia công, chưa có được hàm lượng giá trị gia tăng tốt và cũng chưa chủ động trong đổi mới sáng tạo để tạo ra được giá trị gia tăng cao hơn.

Đối với doanh nghiệp đã xuất khẩu thành công vào thị trường EU nếu muốn mở rộng dư địa này, doanh nghiệp vừa và nhỏ cần trang bị những kiến thức, nâng cao năng lực để đáp ứng yêu cầu của thị trường EU.

Ngành da giày mong muốn phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước như là Bộ Công Thương, Hải quan để có các hoạt động đào tạo, đối thoại vừa đánh giá và vừa tạo ra được những giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao được thị phần tại thị trường EU./.

Tin, ảnh: K.D

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực