“Giải mã” sức hút của nông sản sạch Tây Bắc

Thứ hai, 02/11/2020 22:32
(ĐCSVN) – Dù có giá bán cao hơn so với mức giá của thị trường nhưng nhiều mặt hàng nông sản sạch đến từ các tỉnh Tây Bắc vẫn được người dân Hà Nội lựa chọn. Điều này không chỉ cho thấy giá trị của nông sản sạch mà còn phản ánh xu hướng mới của người tiêu dùng Thủ đô...
leftcenterrightdel
Người tiêu dùng Thủ đô tham quan, lựa chọn những mặt hàng nông sản sạch của các tỉnh Tây Bắc. (Ảnh: Châu Dương).

Mới đây, một chương trình được tổ chức tại khu vực nhà Bát Giác (Hoàn Kiếm, Hà Nội) với sự xuất hiện hơn 30 gian hàng nông sản, thực phẩm sạch đã thu hút sự quan tâm của hàng nghìn người dân Thủ đô. Nhiều mặt hàng nông sản sạch đặc trưng của các tỉnh Tây Bắc như Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên... đã được đưa đến với người tiêu dùng Thủ đô. Nổi bật là cam canh, mật ong, gạo nếp nương, măng khô, thịt chua, thịt trâu gác bếp... Điểm chung của các gian hàng này là các mặt hàng đều có xác nhận đạt tiêu chuẩn quy định về an toàn thực phẩm. Phần lớn hàng hóa đều mà những nông sản đã chọn lọc kỹ lưỡng trước khi mang tới hội chợ bày bán.

Theo ghi nhận của phóng viên, do chỉ bán số lượng có hạn, quá trình vận chuyển tốn nhiều chi phí nên các mặt hàng nông sản sạch Tây Bắc được bán với giá cao hơn khoảng 20% giá thị trường. Cụ thể: Cam Canh 70.000 đồng/kg; na Hoàng Hậu Sơn La 150.000 đồng/quả; chanh leo ngọt 80.000 đồng/kg; thịt trâu gác bếp khoảng 500.000 đồng/kg… Ngoài ra còn có các sản phẩm đồ khô như: Miến; cà phê; mật ong; chè khô; thịt chua Phú Thọ… Tuy có sự chênh lệch về giá bán nhưng các sản phẩm này vẫn thu hút hàng nghìn người dân tới tham quan, mua sắm. Chị Nguyễn Thị Thu Vân ở quận Đống Đa (Hà Nội) chia sẻ: Do đặc thù công việc, trước đây tôi đã có gần 2 năm công tác ở Điện Biên. Tôi rất yên tâm với các sản phẩm do đồng bào vùng cao sản xuất như miến dong, hoa quả, măng khô... Dịp này, các sản phẩm nói trên được bán ở Hà Nội, tôi cũng mua một số mặt hàng để tặng người thân cùng thưởng thức.

Cùng quan điểm nói trên, chị Nguyễn Thị Anh Thư ở quận Cầu Giấy cho biết, trước tình trạng thực phẩm “bẩn” không bảo đảm chất lượng có chiều hướng gia tăng như hiện nay, người tiêu dùng luôn mong muốn tìm được những địa chỉ cung cấp thực phẩm tin cậy. Tôi đã dừng thử một số sản phẩm của các tỉnh Tây Bắc và rất yên tâm về vấn đề an toàn thực phẩm. Mong sao có thêm nhiều hoạt động như này để mọi người có cơ hội được tiếp cận, chọn lựa, mua sắm những món đặc sản vùng miền chất lượng.

Tìm hiểu được biết, lựa chọn các mặt hàng nông sản sạch, có nguồn gốc rõ ràng đang dần trở thành xu hướng của người tiêu dùng Thủ đô. Đời sống xã hội phát triển, khách hàng ngày càng quan tâm đến nguồn gốc, mức độ an toàn của các sản phẩm lương thực, thực phẩm. Để có nguồn thực phẩm sạch, an toàn, các cửa hàng phải đi đến tận cơ sở sản xuất để kiểm chứng chất lượng cũng như nhập các loại thực phẩm rõ nguồn gốc, xuất xứ rồi sơ chế, đóng gói bảo quản đúng quy trình... Nhiều sản phẩm được các địa phương hỗ trợ người dân sản xuất theo mô hình an toàn VietGap; mô hình sản xuất rau sạch bằng phương pháp thủy canh. Việc cung cấp nông sản rõ nguồn gốc xuất xứ sẽ đẩy các mặt hàng thực phẩm có giá bán cao hơn giá thị trường nhưng nhiều người tiêu dùng vẫn lựa chọn với mong muốn những mặt hàng này sẽ góp phần bảo đảm sức khỏe cho gia đình.

Thực tế cho thấy, không phải ngẫu nhiên nhiều mặt hàng nông sản sạch đến từ các tỉnh Tây Bắc lại thu hút sự quan tâm của khách hàng Thủ đô. Sức hút của các sản phẩm này trước hết được tạo bởi chất lượng sản phẩm. Theo đó, thời gian qua, một số tỉnh vùng cao như Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình... đã chú trọng việc phát triển các sản phẩm thế mạnh của địa phương. Trong sản xuất, tiêu chí an toàn thực phẩm đã được các tỉnh đặc biệt coi trọng. Mặt khác, việc phát triển các mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap được đẩy mạnh cũng giúp nhiều mặt hàng nông sản tìm được chỗ đứng trên thị trường.

Đặc biệt, với việc đẩy mạnh các hoạt động quảng bá, kết nối tiêu thụ, nhiều mặt hàng nông sản của các tỉnh Tây Bắc đã được xuất khẩu sang một số thị trường nước ngoài; trong đó có những thị trường “khó tính” như Mỹ, Anh, Pháp, Australia, Nga... Điển hình là các mặt hàng như xoài, nhãn Sơn La; gạo Điện Biên... Đây vừa là những tín hiệu tích cực đối với sản xuất nông nghiệp của các địa phương; vừa là cơ sở để người tiêu dùng tiếp tục tin tưởng, lựa chọn các mặt hàng thực phẩm sạch của các tỉnh Tây Bắc.

Tuy nhiên, bên cạnh thuận lợi, việc đẩy mạnh phát triển sản xuất các mặt hàng nông sản sạch ở Tây Bắc hiện nay đang gặp không ít khó khăn. Trong đó, đáng kể nhất là chênh lệch giá bán giữa nông sản sạch với các mặt hàng nông sản trên thị trường. Cùng với đó, việc kết nối “4 nhà” (Nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp,  nhà nông) còn chưa mang lại hiệu quả như mong muốn; còn có tình trạng “núp bóng” nông sản sạch gây ảnh hưởng đến niềm tin của người tiêu dùng... Chị Lò Thị Xuân ở xã Nà Nghịu, huyện Sông Mã (Sơn La) chia sẻ: “Việc sản xuất theo các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm thường làm cho năng suất, sản lượng không cao như việc sử dụng các loại thuốc kích thích, thuốc phòng trừ sâu bệnh. Do đó, giá thành sản phẩm cũng sẽ tăng lên. Chúng tôi luôn mong người tiêu dùng hiểu và chia sẻ với người nông dân như một sự đồng hành để chúng tôi tiếp tục sản xuất ra những mặt hàng nông sản sạch, phục vụ cho thị trường”.

Trong bối cảnh thực phẩm “bẩn”, thực phẩm không rõ nguồn gốc đã và đang khiến người tiêu dùng lo lắng, việc tăng cường các hoạt động xúc tiến, kết nối đưa những loại nông sản sạch nói chung, nông sản sạch Tây Bắc nói riêng đến với người tiêu dùng là hướng đi đúng, hiệu quả. Thực tế cho thấy, điều quan trọng nhất tạo lên “sức hút” của các loại nông sản sạch chính là chất lượng sản phẩm, là niềm tin của người tiêu dùng dành cho người sản xuất. Vì vậy, bên cạnh sự đồng hành của các nhà cung cấp, người tiêu dùng trong việc mua và sử dụng thực phẩm có nguồn gốc rõ ràng, thì trách nhiệm của người nông dân trong thực hiện đúng quy trình sản xuất bảo đảm an toàn thực phẩm cũng là vấn đề có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Đồng thời, đây cũng là những điều kiện cơ bản góp phần ngăn chặn, đẩy lùi những thực phẩm “bẩn”, thực phẩm không an toàn ra khỏi thị trường hàng hóa nông sản hiện nay./.

Phạm Như Quỳnh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực