Giải ngân vốn đầu tư công ngành NN&PTNT 6 tháng đầu năm ước đạt 35,83%

Thứ tư, 23/06/2021 00:17
(ĐCSVN) - Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) cho biết, trong 5 tháng đầu năm 2021, kết quả giải ngân vốn đầu tư công của Bộ đạt 28,2%; ước 6 tháng đầu năm đạt tỷ lệ 35,83%.
 Ảnh minh họa (Nguồn: TTXVN)

 Theo Bộ NN&PTNT, kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2021 giao cho Bộ NN&PTNT tại quyết định số 2185/QĐ-TTg ngày 21/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ là 9.846 tỷ đồng, gồm vốn trong nước 7.001 tỷ đồng, vốn ODA 2.845 tỷ đồng.

Trong 5 tháng đầu năm 2021, kết quả giải ngân vốn đầu tư công của Bộ đạt 28,2%, ước 6 tháng đầu năm 2021 đạt tỷ lệ 35,83%.

Để có được kết quả này, Bộ đã tập trung chỉ đạo, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để giải ngân nhanh các công trình, dự án góp phần tác động đến tăng trưởng và phục vụ cho sản xuất cũng như phòng chống thiên tai, đặc biệt các dự án quan trọng, quy mô lớn. Bên cạnh đó, tổ chức định kỳ, đột xuất các hội nghị trực tuyến giao ban xây dựng cơ bản, kiểm tra, giám sát để kịp thời nhận diện vướng mắc của từng dự án để có giải pháp cụ thể để tháo gỡ, đặc biệt là công tác đền bù giải phóng mặt bằng.

Cũng theo Bộ NN&PTNT, với kết quả đến thời điểm hiện nay, Bộ đã rà soát và dự kiến giải ngân phần vốn trong nước đạt 100% kế hoạch được giao. Với phần vốn nước ngoài phấn đấu giải ngân đến mức tối đa do gặp một số vướng mắc về quy định xuất xứ nguyên vật liệu theo Hiệp định đã ký với nhà tài trợ, quy định của Nghị định 56/2020/NĐ-CP ngày 25/5/2020 không cho sử dụng vốn nước ngoài để thanh toán thuế và một số khoản chi khác.

Để tiếp tục triển khai giải ngân vốn đầu tư công trong thời gian tới, Bộ NN&PTNT đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo cấp có thẩm quyền giải quyết vướng mắc về thanh toán thuế VAT (quy định tại Nghị định số 56/2020/NĐ-CP) theo hướng tiếp tục cho phép sử dụng vốn nước ngoài để thanh toán thuế đối với các dự án có Hiệp định ký trước thời điểm Nghị định 56/2020/NĐ-CP có hiệu lực. Bởi nếu chuyển sang thanh toán từ nguồn vốn đối ứng trong nước phải thực hiện trình tự, thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư của dự án theo quy định của pháp luật rất mất thời gian (khoảng 4-6 tháng).

Bộ NN&PTNT đề nghị Bộ Xây dựng có giải pháp tháo gỡ về việc tăng giá đột biến vật liệu xây dựng (đặc biệt là thép xây dựng) trong thời gian vừa qua để thể điều chỉnh hợp đồng, bù giá vật liệu theo giá thời điểm hiện hành.

Về riêng phía Bộ NN&PTNT, Bộ sẽ thường xuyên họp giao ban (bằng nhiều hình thức, đảm bảo yêu cầu phòng chống dịch COVID -19) do lãnh đạo Bộ chủ trì để xử lý kịp thời các vướng mắc tại hiện trường, đặc biệt công tác giải phóng mặt bằng ở các địa phương.

Đặc biệt, hệ thống chính trị các cấp phải vào cuộc một cách đồng bộ, quyết liệt trong công tác chỉ đạo, tổ chức thực hiện bồi thường hỗ trợ tái định cư, nhất là công tác tuyên truyền, vận động, giải thích, đối thoại về chế độ chính sách bồi thường của Nhà nước để tạo sự đồng thuận, ủng hộ của nhân dân trong quá trình thực hiện.

Ngoài ra, tăng cường kỷ luật, kỷ cương tổ chức thực hiện kế hoạch đầu tư công, Theo đó, khen thưởng đơn vị giải ngân hết hoặc vượt kế hoạch được giao, xử lý tốt các vướng mắc, khó khăn và quyết liệt triển khai dự án; đồng thời phê bình các đơn vị yếu kém, không đạt tiến độ giải ngân được giao khi đã được hỗ trợ./.

BT

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực