Giảm thiểu tác động tiêu cực từ việc giá xăng dầu tăng cao

Thứ tư, 09/03/2022 14:54
(ĐCSVN) – Là mặt hàng nhiên liệu đầu vào quan trọng của cả nền kinh tế nhưng trong các kỳ điều hành gần đây, giá xăng dầu đã tăng liên tục làm gia tăng ấp lực về các vấn đề lạm phát, đời sống người dân. Cụ thể, giá bán lẻ xăng dầu trong nước hiện đang ở mức cao nhất trong vòng hơn tám năm trở lại đây, kể từ tháng 7/2014. Người dân gặp nhiều khó khăn vì giá cả sinh hoạt tăng cao, còn cộng đồng doanh nghiệp thì lao đao vì tăng chi phí đầu vào.
leftcenterrightdel
 Ảnh minh hoạ (Ảnh: M.P)

Thực tế, trong bảy lần điều chỉnh gần đây (tính từ ngày 10/12/2021 đến 1/3/2022), giá xăng dầu đã tăng liên tiếp. Cụ thể, xăng RON95 tăng từ 22.801 đồng/lít lên 26.834 đồng/lít (mức tăng 4.033 đồng/lít); xăng E5 RON92 tăng từ 22.082 đồng/lít lên 26.070 đồng/lít (mức tăng 3.988 đồng/lít); dầu diesel 0.05S tăng từ 17.334 đồng/kg lên 21.310 đồng/kg (mức tăng 3.976 đồng/kg)…

Mới đây, tại kỳ điều chỉnh ngày 1/3/2022, Bộ Công Thương cho biết, thị trường xăng dầu thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, đặc biệt xung đột giữa Nga và Ukraine khiến nguồn cung xăng dầu bị ảnh hưởng trong khi nhu cầu tăng (do các nước triển khai các biện pháp phục hồi kinh tế), giá dầu thô đã vượt mốc 105 USD/thùng, và đang trong chiều hướng tăng cao. 

Hệ quả tất yếu là mặt hàng nào cũng đã tăng giá vì lý do xăng, dầu tăng. Cuộc sống của người dân đã khó khăn vì dịch bệnh, nay lại càng khó khăn hơn. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê công bố mới đây cho thấy, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 2/2022 tăng 1,42% so tháng 2/2021; bình quân hai tháng đầu năm, CPI tăng 1,68% so cùng kỳ năm 2021; lạm phát cơ bản tăng 0,67%. Nhóm giao thông tăng cao nhất với 15,46%, làm CPI chung tăng 1,49 điểm phần trăm, trong đó giá xăng dầu tăng 47,07%.

Trong thông cáo báo chí phát đi chiều 3/3, Bộ Tài chính cũng nhận định, mặt bằng giá cả thị trường trong hai tháng đầu năm 2022 biến động tăng, trong đó ngoài những tác động theo quy luật hằng năm do trùng với thời điểm diễn ra Tết Nguyên đán, thị trường còn chịu áp lực bởi biến động tăng giá các mặt hàng năng lượng trên thị trường thế giới, trong đó có mặt hàng xăng dầu và gas. Nhóm mặt hàng năng lượng, nhiên liệu có mức tác động lớn nhất đến CPI hai tháng đầu năm. Căn cứ diễn biến giá cả thị trường hai tháng đầu năm và các dự báo cho năm 2022 cho thấy vẫn có nhiều rủi ro cho việc thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát cả năm 2022.

Đơn cử, với nhóm ngành chịu ảnh hưởng trực tiếp và nặng nề nhất khi xăng dầu tăng là ngành vận tải, thông thường khi giá xăng dầu điều chỉnh 10-20%, doanh nghiệp sẽ điều chỉnh giá cước khoảng 3,5-10%. Nhưng nay mức tăng đã quá cao (từ đầu năm 2021 đến nay, giá xăng đã hơn 50%), doanh nghiệp rơi vào tình thế khó chồng khó. Trước Tết Nguyên đán, các doanh nghiệp vận tải đã tăng giá cước, nếu tiếp tục tăng sẽ bị rủi ro mất khách hàng, mà không tăng thì cứ ngày ngày chịu lỗ.   Bởi sau đại dịch, nhu cầu đi lại của hành khách chưa tăng, nếu giá cước vận tải tăng sẽ làm doanh nghiệp giảm sức cạnh tranh, mà không tăng thì càng chạy càng lỗ.

Theo cộng đồng doanh nghiệp, giờ ngoài việc cố gắng tiết kiệm và cắt giảm chi phí, doanh nghiệp chỉ còn biết trông chờ cơ quan quản lý có giải pháp hợp lý để giảm bớt gánh nặng, khó khăn. Hiện, xăng dầu đang “cõng” đến bốn loại thuế, phí: Thuế bảo vệ môi trường, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng. Nhà nước nên xem xét giảm cả bốn loại thuế phí này để gỡ khó cho doanh nghiệp.

Trong khi đó, theo nhận định của PGS, TS Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế dự báo, giá xăng dầu chưa dừng lại ở mức như hiện nay mà sẽ tiếp tục tăng. Ngoài nguyên nhân xung đột Nga - Ukraine thì còn có nguyên nhân do chúng ta đang phải nhập khẩu xăng dầu, vì thế giá xăng dầu trong nước phụ thuộc vào giá dầu thế giới. 

Thực tế, hiện nhu cầu xăng dầu trong nước chủ yếu được cung cấp bởi Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn và Nhà máy lọc hóa dầu Bình Sơn. Thời gian qua, Nhà máy Nghi Sơn báo cáo phải giảm công suất do gặp khó khăn về tài chính và một số khó khăn nội tại. Kế hoạch thực hiện của Nghi Sơn là 680.000 m3 nhưng thực tế tháng 2/2022 chỉ giao được 390.000 m3 (đạt 43%) và dự kiến tháng 3/2022 cũng chỉ giao được 540.000 m3 (đạt 80%). Sau khi Nhà máy Nghi Sơn giảm công suất, Nhà máy Bình Sơn đã nâng công suất lên thêm 5%, song công suất tăng thêm chỉ tương đương 28.000 m3, chưa đủ bù đắp lượng thiếu hụt do Nhà máy Nghi Sơn giảm công suất. Để tránh thiếu hụt nguồn cung, Bộ Công thương đã giao cho 10 doanh nghiệp đầu mối có thị phần lớn nhất nhập khẩu thêm 2,4 triệu m3 xăng dầu cho quý II/2022, trong đó có 840.000 m3 xăng và hơn 1,5 triệu m3 dầu.

Không chỉ vậy, theo ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Quản lý giá (Bộ Tài chính), gía xăng dầu liên tục lập “đỉnh” mới trong thời gian qua đã khiến cho nhiều mặt hàng tăng giá, gây áp lực lên lạm phát. Bởi theo quy định của Luật Giá, xăng, dầu thành phẩm nằm trong danh mục hàng hóa, dịch vụ thực hiện bình ổn giá. Giá xăng dầu tăng làm gia tăng áp lực cũng như tăng kỳ vọng về lạm phát. Theo đó, tác động đến chỉ số giá tiêu dung (CPI), mặt hàng xăng dầu thành phẩm chiếm quyền số khoảng 3,6%, giả định giá xăng dầu tăng 5% sẽ làm cho chỉ số CPI tăng khoảng 0,18%, tăng 10% làm CPI tăng 0,36% tùy thuộc vào mức tăng của giá xăng dầu.

Ông Nguyễn Anh Tuấn cho rằng, thời gian qua, giá xăng dầu thành phẩm thế giới tiếp tục xu hướng tăng là nguyên nhân chính tác động làm tăng chi phí đầu vào, qua đó tác động tăng giá xăng dầu trong nước và gây áp lực lên điều hành giá xăng dầu nói riêng, điều hành giá nói chung. Trước áp lực như vậy, đi đôi với việc đánh giá bảo đảm nguồn cung, kiểm soát thị trường và tăng cường dự báo, thì công tác điều hành giá xăng dầu đã cố gắng bám sát diễn biến thị trường. Đồng thời linh hoạt sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu, để giảm tác động tăng giá mặt hàng xăng dầu trong nước. Nếu không sử dụng công cụ Quỹ Bình ổn giá thì biến động trong nước còn phức tạp hơn.

Tuy nhiên, hiện nay, dư địa của Quỹ bình ổn xăng dầu không còn nhiều, phần lớn các ý kiến cho rằng Nhà nước cần giảm thuế. Ngày 22/2, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã yêu cầu liên Bộ Tài chính - Công Thương nghiên cứu, đề xuất phương án điều chỉnh thuế bảo vệ môi trường với xăng, dầu và trình Chính phủ trước 28/2.

Tại buổi họp báo Chính phủ chiều 3/3, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi thông tin, Bộ này đã gửi văn bản đến các cơ quan của Chính phủ và các đơn vị liên quan để xin ý kiến về dự thảo Nghị quyết giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu. Bộ Tài chính tham mưu cho Chính phủ để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nghị quyết điều chỉnh thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu và mỡ nhờn cho thời điểm từ nay đến hết năm 2022. Nếu áp dụng từ ngày 1/4/2022 thì thu ngân sách năm 2022 sẽ giảm khoảng 11.982 tỷ đồng, CPI giảm 0,6 - 0,7%. Từ tháng 1/2023, chính sách giảm thuế này kết thúc và quay về áp dụng như quy định cũ.

Mặt khác, trước áp lực tăng giá xăng dầu thì đã có nhiều kiến nghị điều chỉnh chi phí kinh doanh định mức trong giá cơ sở xăng dầu và linh hoạt thời gian điều hành giá. Về vấn đề này, ông Nguyễn Anh Tuấn phân tích, mức chi phí kinh doanh định mức hiện nay đối với các mặt hàng xăng RON95, E5RON92 lần lượt là 1.050 đồng/lít và 1.250 đồng/lít; đối với các mặt hàng dầu Điêzen 0,05s, dầu hỏa, dầu madut lần lượt là 1.000 đồng/lít; 950 đồng/lít và 561 đồng/lít (công văn số 5837 ngày 3/6/2021 của Bộ Tài chính). Việc rà soát, đánh giá điều chỉnh chi phí trong kinh doanh xăng dầu đã và đang được Bộ Tài chính rà soát hàng năm theo quy định và cần phải dựa trên báo cáo chuyên đề chi phí kinh doanh được kiểm toán gửi về Bộ Tài chính (kỳ báo cáo: chậm nhất 31/3 hàng năm). 

Hiện nay, với xu hướng giá thế giới tăng cao, thì việc tăng chi phí kinh doanh định mức trong giá cơ sở sẽ tác động thêm làm tăng giá xăng dầu trong nước và qua đó tác động đến người tiêu dùng. Thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành, để tiếp tục triển khai cho năm 2022 theo quy định, Bộ Tài chính đã có công văn số 95/QLG-TLSX đề nghị các thương nhân đầu mối báo cáo chi phí kinh doanh theo quy định, trên cơ sở đó sẽ tổng hợp, rà soát và đánh giá.

Đối với kiến nghị linh hoạt thời gian điều hành giá, thì theo quy định tại Nghị định số 95/2021/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu thì thời gian điều hành giá xăng dầu vào các ngày mùng 1, ngày 11 và ngày 21 hàng tháng. Đối với các kỳ điều hành trùng vào ngày nghỉ, ngày nghỉ lễ theo quy định của nhà nước, thời gian điều hành được lùi sang ngày làm việc tiếp theo sau ngày nghỉ, ngày nghỉ lễ. Đối với kỳ điều hành trùng vào dịp Tết Nguyên đán, thời gian điều hành được lùi sang kỳ điều hành tiếp theo. Trường hợp giá các mặt hàng xăng dầu có biến động bất thường, ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân, Bộ Công Thương có trách nhiệm báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định thời gian điều hành giá xăng dầu cho phù hợp.

Trên thực tế, việc tăng giá xăng dầu có thể điều tiết bằng một số giải pháp. Nghị định số 95/2021/NĐ-CP quy định, giá bán xăng dầu trong nước được thực hiện theo cơ chế thị trường và phù hợp với giá xăng dầu thế giới. Trước diễn biến phức tạp của thị trường xăng dầu thế giới, việc điều hành giá xăng dầu thời gian qua tiếp tục được thực hiện công khai, minh bạch và nhất quán theo cơ chế giá thị trường có sự quản lý của Nhà nước theo đúng quy định. Bên cạnh đó, công cụ Quỹ bình ổn giá xăng dầu đã được sử dụng linh hoạt, hiệu quả, góp phần giảm mức tăng giá xăng dầu trong nước. Đồng thời, Bộ Công Thương cũng đã và đang triển khai một số giải pháp cần thiết, như bảo đảm nguồn cung; tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường kinh doanh xăng dầu; xử lý nghiêm các trường hợp đầu cơ, găm hàng hoặc tăng giá bán bất hợp lý. Nếu trường hợp giảm thuế môi trường thì giá trong nước sẽ thấp hơn các nước trong khu vực do đó cần phải kiểm soát tốt vấn đề buôn lậu xăng dầu.

Về điều hành giá, ông Nguyễn Anh Tuấn khẳng định, Liên Bộ Công Thương – Tài chính sẽ tiếp tục theo dõi sát diễn biến giá xăng dầu thế giới và làm tốt dự báo; tiếp tục cân đối sử dụng công cụ tài chính là Quỹ Bình ổn giá một cách linh hoạt, hiệu quả để hạn chế trường hợp tăng đột biến về giá. Ngoài ra, tiếp tục chú trọng thông tin, tuyên truyền về điều hành giá xăng dầu để bảo đảm tính công khai, minh bạch; hạn chế những thông tin thất thiệt gây hoang mang cho người tiêu dùng gây bất ổn thị trường. Nghị định 95/2021/NĐ-CP đã giảm chu kỳ điều hành xuống còn 10 ngày so trước đây (15 ngày). Thời gian điều hành giá như trên là phù hợp thực tế mua bán xăng dầu của đa số các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu và giúp giá trong nước phản ánh sát với giá xăng dầu trên thị trường thế giới; đồng thời cũng góp phần bảo đảm được tính công khai, minh bạch trong việc điều hành giá. Đối với giá một số mặt hàng thuộc danh mục Nhà nước định giá, Bộ Tài chính cũng đề nghị các bộ quản lý ngành chủ động phối hợp Bộ Tài chính, Tổng cục Thống kê trong rà soát, tính toán các phương án giá, đánh giá tác động đối với kinh tế xã hội, mặt bằng giá, chuẩn bị đầy đủ các điều kiện về chính sách, văn bản quy phạm pháp luật để chủ động có phương án điều hành phù hợp khi có dư địa.

Như vậy, đến thời điểm hiện nay, trước diễn biến bất định của thị trường xăng dầu thế giới do cuộc xung đột Nga – Ukraine, có thể thấy, dù không thể loại bỏ những ảnh hưởng từ việc giá xăng dầu tăng cao, song Liên Bộ Công Thương - Tài chính và các đơn vị liên quan trong nước đã và đang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp kiểm soát có hiệu quả giá nguyên liệu đầu vào quan trọng này để giúp doanh nghiệp giảm bớt việc tăng giá hàng hóa làm giảm khả năng cạnh tranh của sản phẩm Việt Nam trên thị trường quốc tế, nhất là đối với những nước có cùng sản phẩm nhưng giá thành thấp hơn. Đặc biệt, góp phần giảm thiểu những tác động tiêu cực đến đời sống, sinh hoạt của người dân, đến hoạt động sản xuất kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp, cũng như nhiệm vụ kiềm chế lạm phát theo mục tiêu mà Quốc hội đã cân nhắc đề ra./.

Minh Phương

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực