Gỡ khó cho hoạt động kiểm dịch thực vật

Thứ bảy, 25/09/2021 10:40
(ĐCSVN) - Trong 8 tháng năm 2021, hoạt động kiểm dịch thực vật gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19 và việc nâng cao hàng rào kỹ thuật của các nước nhập khẩu. Để gỡ khó cho hoạt động này, Cục Bảo vệ Thực vật đề nghị các địa phương tạo điều kiện cho cán bộ kiểm dịch thực vật được tiêm đủ 2 mũi vắc xin. Đồng thời, hướng dẫn địa phương, vườn trồng, cơ sở đóng gói làm sạch các loài sinh vật gây hại ngay từ quá trình sản xuất để giảm thời gian kiểm tra tại cửa khẩu, giúp thông quan nhanh.
 Ảnh minh họa (Nguồn: BT)

Kiểm dịch thực vật gặp nhiều khó khăn do COVID-19

Theo Cục Bảo vệ Thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), 8 tháng năm 2021, lượng hàng nông sản xuất khẩu qua kiểm dịch thực vật đạt trên 200 nghìn lô hàng với khối lượng xấp xỉ 29 triệu tấn, tăng 24,1% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, trái cây tươi gần 42 nghìn lô với khối lượng trên 3,5 triệu tấn; gạo hơn 10 nghìn lô với khối lượng 3,7 triệu tấn,…

Để không bị gián đoạn do dịch bệnh, đặc biệt là trong thời gian nhiều địa phương áp dụng giãn cách theo chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, Cục Bảo vệ thực vật đã bố trí cán bộ làm việc theo ca, thực hiện “3 tại chỗ” đồng thời chuẩn bị sẵn lực lượng cán bộ sẵn sàng chi viện cho các cửa khẩu nếu xảy ra vấn đề bất khả kháng. Bên cạnh đó, bố trí đủ các nguồn lực về tài chính và trang thiết bị, đặc biệt nâng cấp hệ thống giám định từ xa để phục vụ công tác kỹ thuật.

Tuy nhiên, theo Cục Bảo vệ Thực vật, trong 8 tháng năm 2021, công tác kiểm dịch thực vật gặp nhiều khó khăn, vướng mắc do ảnh hưởng của dịch COVID-19 và việc nâng cao hàng rào kỹ thuật của các nước nhập khẩu.

Cụ thể, việc di chuyển, vận chuyển hàng hóa gặp khó khi thực hiện giãn cách. Ngoài việc hạn chế đi lại, nhiều địa phương yêu cầu phải có giấy chứng nhận xét nghiệm âm tính với COVID-19 đối với các người và phương tiên đến từ các địa phương khác. Điều này gây nhiều khó khăn cho việc vận chuyển hàng hóa cũng như bố trí nhân lực của doanh nghiệp và cơ quan kiểm dịch thực vật đi, đến địa điểm thực hiện giám sát hoạt động xử lý và kiểm tra kiểm dịch thực vật đối với hàng hóa trước khi xuất khẩu.

Về lao động, thiếu hụt mạnh do thực hiện giãn cách, nhiều doanh nghiệp không có nhân công dẫn đến hoạt động sản xuất đình trệ. Hơn nữa, việc xuất hiện các ca F0 tại cơ sở sản xuất, chế biến khiến nhiều doanh nghiệp phải dừng hoạt động để đảm bảo chống dịch do đó gây đứt gãy chuỗi sản xuất, cung ứng. Đối với các đơn vị kiểm dịch thực vật, chỉ được 10-20% tổng số cán bộ đi làm nên rất khó khăn để bố trí lực lượng.

Bên cạnh đó, đối với các mặt hàng xuất khẩu theo chương trình kiểm tra tại gốc, đòi hỏi phải có chuyên gia kiểm dịch thực vật nước nhập khẩu giám sát tại các nhà máy, nhưng do tình hình dịch bệnh, các nước đều có chính sách bảo hộ công dân và chuyên gia trở về nước ngay từ khi dịch bắt đầu bùng phát năm 2020. Thủ tục để đưa chuyên gia trở lại Việt Nam làm việc tại các cơ sở này gặp nhiều khó khăn.

Trong khi đó, các nước nhập khẩu có xu hướng nâng cao và áp dụng các biện pháp nghiêm ngặt để phòng chống COVID-19 như: tạm thời đóng cửa nhiều cửa khẩu và tăng cường các biện pháp kiểm tra, kiểm soát, phòng chống COVID- 19 nên tốc độ thông quan chậm và chi phí tăng. Doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc nhận và chuyển các giấy chứng nhận kiểm dịch cho phía đối tác do hạn chế di chuyển. Trong khi đó, việc đàm phán mở cửa thị trường đối với một số sản phẩm như sầu riêng, khoai lang bị gián đoạn do chuyên gia Trung Quốc không thể đến Việt Nam kiểm tra thực tế và hoàn thành dự thảo Nghị định thư xuất khẩu.

Cùng với những khó khăn trên là xu hướng gia tăng bảo hộ sản xuất nông nghiệp đã được áp dụng ở nhiều quốc gia trong những năm gần đây, dẫn đến các nước nâng cao rào cản kỹ thuật, các quy định về kiểm dịch thực vật nhập khẩu và an toàn thực phẩm ngày càng trở nên khắt khe. Do đó, việc đàm phán để thống nhất biện pháp kiểm dịch thực vật, phát triển và mở cửa thị trường đối với hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam càng gặp nhiều khó khăn.

Tạo điều kiện cho cán bộ kiểm dịch thực vật được tiêm đủ 2 mũi vắc xin

Để tháo gỡ cho những khó khăn của hoạt động kiểm dịch thực vật hiện nay, Cục Bảo vệ Thực vật đề nghị các địa phương tạo điều kiện cho cán bộ kiểm dịch thực vật được tiêm đủ 2 mũi vắc xin và các điều kiện thuận lợi khác để thực hiện nhiệm vụ. Xem xét cho phép cán bộ kiểm dịch thực vật đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin được miễn yêu cầu xét nghiệm COVID-19.

Các đơn vị kiểm dịch thực vật chủ động bố trí cán bộ luân phiên thực hiện “3 tại chỗ” tại các đơn vị cửa khẩu, các địa điểm kiểm tra tại gốc để tránh gián đoạn công tác kiểm tra kiểm dịch thực vật, tạo điều kiện cho việc xuất khẩu thuận lợi.

Đồng thời, áp dụng biện pháp linh động như giám sát trực tuyến; vận chuyển hàng hóa đến tập kết tại địa điểm thuận lợi cho đơn vị xuất khẩu và cơ quan kiểm dịch thực vật thực hiện nhiệm vụ. Cho phép việc giám sát xử lý xuất khẩu tại cảng đối với một số mặt hàng nông sản; bố trí cán bộ làm việc “3 tại chỗ” trong vùng hạn chế đi lại và gửi kết quả để hoàn thành thủ tục kiểm dịch vật.

Với riêng Cục Bảo vệ thực vật, sẽ chủ động làm việc với cơ quan kiểm dịch thực vật các nước để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình xuất khẩu. Trong đó có nội dung đàm phán để chấp nhận phương án sử dụng giấy chứng nhận điện tử.

Ngoài ra, tiếp tục đàm phán để mở cửa các thị trường cho các sản phẩm nông sản của Việt Nam và kịp thời trao đổi với các nước nhập khẩu để giải quyết các khó khăn vướng mắc, đặc biệt là đối với trường hợp các cửa khẩu với phía Trung Quốc bị tạm thời ngừng hoạt động được hoạt động trở lại.

Cùng với các biện pháp trên, để tạo thuận lợi cho hoạt động kiểm dịch thực vật, Cục Bảo vệ Thực vật cho rằng, cần hướng dẫn địa phương, vườn trồng, cơ sở đóng gói chọn lọc hàng hóa, làm sạch các loài sinh vật gây hại ngay từ quá trình sản xuất để giảm thời gian kiểm tra tại cửa khẩu, giúp thông quan nhanh hơn.

Đồng thời, thực hiện việc đàm phán để khắc phục những trường hợp mã số số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói bị thông báo vi phạm. Tiếp tục phối hợp và hướng dẫn các địa phương mở rộng mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói. Ngoài ra, thúc đẩy sản xuất theo chuỗi, phối hợp các chuỗi phân phối trong nước, các nhà bán lẻ để đẩy mạnh tiêu thụ trong nước, tháo gỡ những khó khăn trước mắt./.

BT

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực