Gỡ vướng những tranh chấp pháp lý hợp đồng tín dụng

Thứ tư, 22/06/2022 19:46
0:00/ 0:00
Giọng nữ
  • Giọng nữ
(ĐCSVN) – Thời gian qua, nhiều tổ chức tín dụng phản ánh quá trình giải quyết tranh chấp kinh doanh thương mại, tín dụng, ngân hàng tại Tòa án hiện nay, trong đó có Tòa án Nhân dân TP Hà Nội và các Tòa án Nhân dân các quận, huyện trên địa bàn TP Hà Nội còn phát sinh nhiều vướng mắc, bất cập.
Hình ảnh tại Hội thảo (Ảnh: M.P)  

 Ngày 22/6 tại Hà Nội, Hiệp hội Ngân hàng (VNBA) phối hợp với Tòa án Nhân dân Thành phố Hà Nội tổ chức Hội thảo với chủ đề: “Thực trạng giải quyết các tranh chấp kinh doanh thương mại, tín dụng, ngân hàng tại Tòa án và các vấn đề pháp lý các TCTD cần lưu ý liên quan đến Hợp đồng tín dụng, Hợp đồng thế chấp”.

Theo ông Nguyễn Quốc Hùng, Chủ tịch VNBA cho rằng, việc xử lý nợ xấu và tài sản bảo đảm tại các Tổ chức tín dụng (TCTD) thời gian qua đã đạt được những kết quả tích cực, đặc biệt là kể từ khi Nghị quyết số 42/2017/QH14 ngày 21/6/2017 của Quốc hội ra đời, Chính phủ và các Bộ, ngành đã ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện, trong đó Hội đồng thẩm phán Tòa án Nhân dân tối cao đã ban hành Nghị quyết số 03/2018/NQ-HĐTP nhằm hướng dẫn áp dụng một số quy định của pháp luật trong giải quyết tranh chấp về xử lý nợ xấu; gần đây nhất, ngày 18/4/2022, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao đã ban hành Hướng dẫn số 25/HD-VKSTC ngày 18/4/2022 về một số nội dung kiểm sát việc giải quyết vụ án kinh doanh, thương mại về “Tranh chấp hợp đồng tín dụng”… đã tạo cơ chế xử lý đồng bộ, hiệu quả nhằm giải quyết nhanh, dứt điểm nợ xấu tại các TCTD.

Tuy nhiên, thực tế các TCTD hội viên phản ánh quá trình giải quyết tranh chấp kinh doanh thương mại, tín dụng, ngân hàng tại Tòa án hiện nay, trong đó có Tòa án Nhân dân TP Hà Nội và các Tòa án Nhân dân các quận, huyện trên địa bàn TP Hà Nội còn phát sinh nhiều vướng mắc, bất cập. Ông Hùng cho biết,  Hiệp hội Ngân hàng cũng đã nhận được nhiều đơn phản ánh từ các TCTD hội viên đề nghị can thiệp bảo vệ quyền lợi từ các vụ án tranh chấp kinh doanh thương mại, tín dụng, ngân hàng. 

Theo nghiên cứu và rà soát từ Hiệp hội Ngân hàng cho thấy, ngoài nguyên nhân do những hạn chế, bấp cập trong các quy định của pháp luật, sự sai sót của một số cán bộ ngân hàng trong quá trình thẩm định cho vay, thì cũng phát sinh nhiều vướng mắc do quan điểm giải quyết tranh chấp của các cơ quan tố tụng từ khâu thụ lý đến quá trình giải quyết tại Tòa án các cấp còn rất khác nhau và chưa có sự thống nhất.

Cụ thể như, xác định người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan, xác định địa chỉ của người bị kiện; việc xem xét, thẩm định tại chỗ đối với tài sản bảo đảm; việc áp dụng quy định về lãi suất, về thẩm quyền giải quyết tranh chấp của Tòa án, về giải quyết tranh chấp liên quan đến tài sản bảo đảm theo thủ tục rút gọn, về việc hoàn trả tài sản bảo đảm là vật chứng trong vụ án hình sự, đặc biệt liên quan đến bảo vệ người thứ ba ngay tình - đây là vướng mắc mà các TCTD đề nghị Hiệp hội Ngân hàng hỗ trợ có ý kiến bảo vệ quyền lợi hợp pháp nhiều nhất.

Ông Nguyễn Ngọc Thành, Chánh tòa Kinh tế, Tòa án Nhân dân TP Hà Nội cũng đưa ra có một số vấn đề khó khăn qua thực tiễn giải quyết các tranh chấp về hợp đồng tín dụng (HĐTD) tại Tòa án nhân dân (TAND) thành phố Hà Nội.

Ông Thành cho biết,  qua quá trình giải quyết các tranh chấp HĐTD tại TAND rất nhiều vụ tranh chấp bên vay tài sản đã vi phạm nghĩa vụ ngay từ khi ký kết hợp đồng, qua đó có thể thấy phần lớn các vụ tranh chấp là do quá trình xem xét và cấp tín dụng của cán bộ tín dụng và Ngân hàng chưa tốt, thẩm định và giám sát các khoản tiền vay còn lỏng lẻo dẫn đến việc bên vay không trả được tiền cho Ngân hàng.

“Đây là vấn đề đặc biệt quan trọng quyết định đến việc giảm nợ xấu cho Ngân hàng.” Ông Thành  nhấn mạnh.

Bên cạnh đó,  các tranh chấp HĐTD liên quan đến khoản nợ gốc và lãi cũng được ông Thành đề cập đến. Theo ông,  trên thực tế giải quyết các tranh chấp HĐTD, các bên trong quan hệ tín dụng ít khi tranh chấp về khoản nợ gốc vì việc giải ngân của Ngân hàng thường chặt chẽ và có ký nhận hoặc chuyển khoản một cách rõ ràng. Tuy nhiên, các Ngân hàng khi thu nợ gốc và lãi phải rõ ràng trong các giấy tờ về nghiệp vụ Ngân hàng, tranh việc sau này khi xảy ra tranh chấp, bên vay tiền thường cho rằng Ngân hàng thu tiền không đúng, đáng lẽ phải thu vào nợ gốc lại thu vào lãi trước là không đúng thỏa thuận trong HĐTD mà hai bên đã ký kết.

Ngoài ra, đối với các cách xác định lãi suất trong HĐTD  trước khi có hướng dẫn tại Nghị quyết số 01/2019/NQ-HĐTP ngày 11/01/2019 của Hội đồng thẩm phán, TAND tối cao đã có án lệ hướng dẫn thống nhất áp dụng một số quy định của pháp luật về lãi, lãi suất, phạt vi phạm trong HĐTD tại Án lệ số 08/2016/AL. 

Mặc dù vậy, đại diện TAND thành phố Hà Nội cũng lưu ý, về việc lãi suất được áp dụng trong HĐTD hai bên có thể thỏa thuận là lãi suất cố định hoặc lãi suất thay đổi (hay còn được gọi là lãi suất thả nổi). Nếu các bên thoả thuận áp dụng lãi suất cố định, thì lãi suất sẽ không thay đổi trong suốt thời hạn vay, bất kể lãi suất thị trường có tăng lên hay giảm xuống thì không điều chỉnh lãi suất. Nếu các bên thoả thuận trong HĐTD là áp dụng lãi suất thay đổi thì sẽ điều chỉnh lãi suất lên, xuống dựa vào lãi suất thị trường thì các Ngân hàng phải xuất trình các quyết định tăng giảm lãi làm căn cứ cho Tòa án xem xét về lãi suất tính đúng hay sai.

“Hiện nay có một số Ngân hàng cho rằng khi bên vay đã bị chuyển sang nợ quá hạn, thì Ngân hàng có quyền không điều chỉnh lãi, quan điểm này của Ngân hàng không đúng với thỏa thuận trong HĐTD dẫn đến một số Bản án của TAND TP Hà Nội đã tuyên chỉ chấp nhận nợ gốc, còn lãi sẽ tách ra trong một vụ án khác khi Ngân hàng có đầy đủ các tài liệu điều chỉnh lãi suất cho Tòa án làm cơ sở cho việc tính lãi.”, ông Thành cho biết thêm.

Với những vướng mắc liên quan đến lãi suất trong hợp đồng tín dụng, VNBA kiến nghị cần có quy định hướng dẫn về việc xác định lãi suất trong trường hợp HĐTD các bên thỏa thuận thay đổi/điều chỉnh lãi suất (03 tháng thay đổi một lần/thay đổi khác). Nếu không có sự thống nhất thay đổi về lãi suất hoặc TCTD không có thông báo thay đổi lãi suất thì đề nghị Tòa án xem xét, chấp thuận áp dụng lãi suất tại thời điểm vay vốn hoặc tại thời điểm điều chỉnh/thay đổi lãi suất gần nhất.

Bên cạnh đó, TAND tối cao cần có Nghị quyết hướng dẫn về việc áp dụng mức lãi suất theo thỏa thuận giữa ngân hàng với khách hàng khi giải quyết các vụ án liên quan đến khoản vay nói chung và thẻ tín dụng nói riêng. Xem xét về việc Nghị quyết hướng dẫn áp dụng một số quy định pháp luật về lãi suất trong hợp đồng cấp tín dụng nói chung, trong đó các phát hành thẻ tín dụng để việc áp dụng pháp luật xét xử các vụ án liên quan đến hoạt động cấp tín dụng ngân hàng được thống nhất, đồng bộ.

Ngoài ra, tòa án cần có hướng dẫn chi tiết trong các trường hợp liên quan đến việc xác định mức lãi suất đối với khoản vay ngắn hạn của doanh nghiệp vừa và nhỏ để xác định văn bản áp dụng và mức lãi suất cho các khoản vay cụ thể. 

Minh Phương

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực