Hà Giang phát triển bền vững các loại cây ăn quả có múi

Thứ tư, 22/04/2020 16:09
(ĐCSVN) – Xác định cây ăn quả có múi là thế mạnh của ngành nông nghiệp nói riêng, phát triển kinh tế nói chung, tỉnh Hà Giang đang tiếp tục triển khai nhiều giải pháp nhằm thực hiện hiệu quả hơn nữa việc phát triển mô hình cây có múi trên địa bàn.

Trong niên vụ cam 2019 - 2020, tổng diện tích cam toàn tỉnh của Hà Giang đạt 9.117,7 ha; trong đó, diện tích cam sành là 7.133 ha chiếm 78,24%, cam Vinh và một số giống cam khác 1.984 ha, chiếm 21,76%.  Diện tích cam cho thu hoạch đạt trên 6.200 ha. Các giống cam của Hà Giang được trồng tập trung tại 3 huyện Bắc Quang, Quang Bình và Vị Xuyên. Tổng số hộ tham gia trồng cam là 7.700 hộ, trong đó có trên 2.700 hộ sản xuất cam theo tiêu chuẩn VietGAP.

Lớp tập huấn tại hiện trường về nâng cao chất lượng cam sành theo tiêu chuẩn VietGAP cho các hộ trồng cam tại huyện Bắc Quang

Đến thời điểm tháng 3/2020, Hà Giang đã cấp Giấy chứng nhận VietGAP cho 72 HTX, Tổ sản xuất cam sành theo tiêu chuẩn VietGAP với trên 3.250ha. Sản lượng cam niên vụ 2019 – 2020 ước đạt trên 70.000 tấn. Trong niên vụ cam 2019 – 2020, Hà Giang đã hỗ trợ cho  35 doanh nghiệp, HTX, hộ sản xuất kinh doanh của 3 huyện trồng cam trên 1.4 triệu tem nhãn; các ngành chuyên môn đã phối hợp với các huyện, thành phố tổ chức Tuần lễ cam và các đặc sản của Hà Giang tại TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh; trưng bày, quảng bá cam tại một số hoạt động trong khuôn khổ hội nghị APEC và tại Trung Quốc; hỗ trợ các điểm bán cam tại 3 huyện dọc tuyến Quốc lộ 2 (tuyến quốc lộ Hà Giang – Hà Nội)… Đồng thời thường xuyên tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng. Đặc biệt, trong năm 2017, sản phẩm cam sành Hà Giang đã được chứng nhận Chỉ dẫn địa lý.

Nhằm phát triển bền vững các loại cây ăn quả có múi, trong những năm qua, UBND tỉnh Hà Giang đã có nhiều chính sách nhằm ưu tiên mở rộng diện tích và không ngừng nâng cao giá trị của sản phẩm các nhóm cây ăn quả có múi. Có thể kể đến một số chương trình đã được UBND tỉnh Hà Giang triển khai hiệu quả như:  "Chương trình Phục hồi và phát triển cây cam sành", Chương trình "Đẩy mạnh phát triển cây cam sành theo tiêu chuẩn VietGAP"... Nhờ đó, năng suất và giá trị của sản phẩm cây ăn quả có múi nói chung và cây cam sành nói riêng của Hà Giang không ngừng được nâng lên. Nếu như năm 2012 (năm đầu tiên thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển cây cam sành), năng suất cam của Hà Giang đạt bình quân 52 tạ/ha thì đến niên vụ cam 2019 - 2020, năng suất cam sành của Hà Giang đã đạt bình quân 110 tạ/ha, cá biệt có nhà vườn tại xã Vĩnh Hảo huyện Bắc Quang có năng suất cam đạt trên 130 tạ/ha. Bên cạnh đó, uy tín của các sản phẩm nhóm cây ăn quả có múi nói chung và cam sành Hà Giang nói riêng đối với người tiêu dùng cũng không ngừng được nâng lên. Trong những năm qua, cây ăn quả có múi nói chung và cam sành  của Hà Giang nói riêng đã từng bước khẳng định được thương hiệu và vị thế trên thị trường.

Nhằm phát triển bền vững nhóm cây ăn quả có múi, vào đầu vụ thu hoạch cam hàng năm, UBND tỉnh Hà Giang đều phối hợp với các cơ quan chuyên môn của tỉnh và UBND của 3 huyện trồng cam tổ chức các Hội thi sản phẩm cam sành và các sản phẩm của cây ăn quả có múi. Trong các Hội thi, Ban Giám khảo đều phân loại, đánh giá các sản phẩm cam của các hộ tham gia Hội thi và cấp Giấy Chứng nhận cho các hộ trồng cam có sản phẩm cam đạt tiêu chuẩn VietGAP. Tính đến thời điểm tháng 3/2020, diện tích cam sành đạt tiêu chuẩn VietGAP của Hà Giang đã đạt trên 57,4% diện tích.

Nhằm tiếp tục nâng cao giá trị của sản phẩm và phát triển bền vững nhóm cây ăn quả có múi, trong đó chủ yếu là cây cam sành, UBND tỉnh Hà Giang đã chỉ đạo 3 huyện trồng cam và các cơ quan chuyên môn: Tỉnh không khuyến khích người dân mở rộng diện tích cây ăn quả có múi mà cần tập trung nâng cao giá trị của sản phẩm, nhất là đối với sản phẩm cam sành theo tiêu chuẩn ViệtGAP. Để đạt được điều đó, cần có sự vào cuộc của chính quyền, các hộ trồng cam của 3 huyện vùng cam và các cơ quan chuyên môn của tỉnh.

Theo đồng chí Nguyễn Minh Tiến, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Giang cho biết, 3 huyện vùng cam cần đăng ký cho các hộ trồng cam tham gia các Tổ hợp tác, HTX trồng cam. Trên cơ sở đó sẽ hình thành chuỗi giá trị của sản phẩm cam, tạo điều kiện cho các hộ tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi để tiếp tục nâng cao giá trị của sản phẩm. Tiến tới thành lập Hiệp hội cam tại 3 huyện trồng cam. Mặt khác, các huyện trồng cam cũng cần chủ động, linh hoạt nhằm làm nổi bật giá trị, thương hiệu sản phẩm cam, nhất là đối với sản phẩm cam sành của địa phương mình theo tiêu chuẩn VietGAP./.                                                                    

Bài, ảnh: Phạm Văn Phú

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực