Hà Giang: Quyết liệt ngăn chặn gian lận thương mại vào dịp cuối năm

Thứ ba, 27/09/2022 17:31
(ĐCSVN) - Hà Giang là tỉnh có đường biên giới trên đất liền với Trung Quốc. Việc thông thương buôn bán giữa hai bên diễn ra khá sôi động trên các cặp cửa khẩu và các chợ biên giới. Vì vậy, Cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh luôn xác định phải tập trung cao độ công tác quản lý, kịp thời ngăn chặn tình trạng vi phạm, gian lận thương mại trên địa bàn, nhất là vào dịp cuối năm.
leftcenterrightdel
 Lực lượng chức năng Cục QLTT tỉnh Hà Giang kiểm tra một cơ sở kinh doanh xăng, dầu.

Xử lý nghiêm các vụ việc vi phạm

Với sự vào cuộc quyết liệt, từ đầu năm đến nay, lực lượng QLTT Hà Giang đã tiến hành kiểm tra 411 vụ việc, trong đó phát hiện xử lý 315 cơ sở có các hành vi vi phạm, phạt tiền 1 tỷ 151,5 triệu đồng thu nộp ngân sách nhà nước.

Ông Phạm Hải Nam, Phó Cục trưởng Cục QLTT tỉnh Hà Giang cho biết: Qua kiểm tra, kiểm soát, quản lý trên địa bàn, thấy nổi nổi cộm lên các vấn đề ở những mặt hàng kinh doanh trọng điểm:

Đối với kinh doanh mặt hàng khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG): Không có giấy chứng nhận đủ điều kiện; không mở sổ hoặc cơ sở dữ liệu ứng dụng công nghệ thông tin theo dõi LPG bán tại cửa hàng; không treo biển hiệu hoặc biểu tượng của thương nhân đầu mối; không niêm yết giá hàng hóa...

Đối với kinh doanh mặt hàng thuốc lá: Không niêm yết giá hàng hóa; không treo biển thông báo không bán thuốc lá cho người chưa đủ 18 tuổi tại điểm bán theo quy định.

Đối với việc vận chuyển, tàng trữ, buôn bán pháo nổ: Phát hiện, xử lý 01 vụ, phạt tiền hơn 40 triệu đồng nộp ngân sách nhà nước. Ngoài ra, lực lượng chức năng của QLTT Hà Giang đã phát hiện và xử lý nhiều vụ việc vận chuyển, tàng trữ, buôn bán mặt hàng linh kiện điện thoại, máy tính, quần áo, giầy dép giả mạo các nhãn hàng nổi tiếng đã được bảo hộ độc quyền tại Việt Nam.

Mới đây, qua kiểm tra các cơ sở kinh doanh dược phẩm trên địa bàn tỉnh, lực lượng chức năng đã phát hiện một số biểu hiện, hành vi: Không niêm yết giá hàng hóa, dịch vụ tại địa điểm phải niêm yết giá theo quy định của pháp luật. Niêm yết giá không đúng quy định, không rõ ràng gây nhầm lẫn cho khách hàng. Không niêm giá thuốc tại cơ sở kinh doanh dược. Lực lượng chức năng đã tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính, ban hành Quyết định xử phạt hành chính đối với các cơ sở nói trên với tổng số tiền là 15.500.000 đồng. 

Mới đây, Cục QLTT tỉnh Hà Giang thực hiện kiểm tra đột xuất cửa hàng chuyên sỉ lẻ giấy ăn, giấy vệ sinh, nước giải khát các loại tại địa chỉ: 78A đường 19/5, tổ 1, phường Nguyễn Trãi, thành phố Hà Giang, tỉnh Hà Giang do bà Trần Thùy Dương, sinh năm 1996 là chủ cửa hàng. Tại thời điểm kiểm tra đã phát hiện tại cơ sở đang kinh doanh 4.644 sản phẩm hàng hóa do nước ngoài sản xuất gồm nhiều mặt hàng thực phẩm và nước đóng chai. Toàn bộ số hàng hóa trên là nhập lậu, không có bất cứ giấy tờ, hóa đơn chứng từ gì liên quan chứng minh tính hợp pháp theo quy định, do vậy không đủ điều kiện lưu thông. Chủ cơ sở đã phải thực hiện tiêu hủy bằng hình thức cắt hủy bao bì, dưới sự giám sát chặt chẽ của Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm, Cục QLTT tỉnh, Đài Truyền hình tỉnh.

Trong hai ngày 19 và 20/9, qua nắm bắt tình hình, Cục QLTT tỉnh Hà Giang cũng đã tiến hành kiểm tra đột xuất tại Hộ kinh doanh do bà Hoàng Thị Xuân làm đại diện, địa chỉ số 257 đường Nguyễn Thái Học, phường Trần Phú và Hộ kinh doanh do bà Hoàng Thị Lành làm đại diện, địa chỉ 151 đường Trần Phú, phường Minh Khai, thành phố Hà Giang. Quá trình kiểm tra đã phát hiện Hộ kinh doanh của bà Hoàng Thị Xuân đang buôn bán 124 sản phẩm là quần áo giả mạo các nhãn hiệu nổi tiếng đã được bảo hộ tại Việt Nam (nhãn hiệu ZARA, ADIDAS, NIKE) có tổng trị giá 11.390.000 đồng; đồng thời phát hiện tại Hộ kinh doanh của bà Hoàng Thị Lành đang buôn bán 20 sản phẩm áo len giả mạo nhãn hiệu CHANEL, có trị giá 4.800.000 đồng. Toàn bộ số lượng sản phẩm giả mạo đều bị thu giữ để xử lý theo quy định.

Đẩy mạnh ngăn chăn vi phạm, gian lận thương mại vào dịp cuối năm

Ông Vũ Quốc Khánh, Cục trưởng Cục QLTT tỉnh Hà Giang cho biết, những vụ việc vi phạm thương mại mới xảy ra trên địa bàn tỉnh tuy có số lượng và giá trị chưa lớn, nhưng báo hiệu gia tăng tình trạng vi phạm, gian lận thương mại vào dịp cuối năm. Trong khi đó, do đặc điểm địa hình, địa lý của tỉnh, nên tình trạng kinh doanh hàng hóa quá hạn sử dụng, hàng giả, hàng kém chất lượng chủ yếu xảy ra ở các địa bàn vùng cao, vùng sâu vùng xa, nơi có trình độ dân trí thấp, hàng hóa được chia nhỏ để vận chuyển gây khó khăn cho công tác kiểm tra, xử lý.

leftcenterrightdel
Chợ biên giới Phố Bảng, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang.

Để ngăn chặn hiệu quả tình trạng này, Cục QLTT tỉnh Hà Giang sẽ tăng cường các biện pháp nghiệp vụ và tăng cường lực lượng để thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về thị trường trên địa bàn, nhất là đối với khu vực biên giới.

Đặc biệt, đối với lĩnh vực kinh doanh các mặt hàng thiết yếu, QLTT Hà Giang sẽ tiếp tục tổ chức nắm bắt 24/24 giờ để giám sát việc chấp hành các quy định của pháp luật, việc thực hiện niêm yết giá và bán theo giá niêm yết. Kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi găm hàng, tạo khan hiếm nguồn cung; các hành vi không hoặc ngừng bán hàng, cắt giảm thời gian bán hàng, giảm lượng hàng bán ra mà không có lý do chính đáng và các hành vi vi phạm quy định của pháp luật.

Cùng với đó, Cục QLTT Hà Giang sẽ tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, coi đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Qua đó nhằm phổ biến giáo dục pháp luật cho người dân nâng cao nhận thức và tự giác chấp hành các quy định của pháp luật; vận động doanh nghiệp, người tiêu dùng không tiếp tay cho buôn lậu, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng vi phạm an toàn thực phẩm./.

Phạm Hương

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực