Lãnh đạo Sở Nông nghiệp – PTNT Hà Giang cùng các đại biểu thăm quan mô hình khảo nghiệm giống lúa mới tại huyện Vị Xuyên.
Một trong các chương trình nổi bật như Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp giai đoạn 2016 – 2020; Chương trình dồn điền đổi thửa và chỉnh trang đồng ruộng; Chương trình cánh đồng mẫu 5 cùng (cùng giống, cùng thời vụ, cùng chăm sóc, cùng phòng trừ sâu bệnh và cùng thu hoạch); Chương trình đầu tư có thu hồi để phục vụ tái đầu tư; Chương trình thành lập và phát triển các Tổ hợp tác, các HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp…
Sau hơn một năm triển khai thực hiện, giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản của tỉnh đã có bước tăng trưởng đáng khích lệ. Trong năm 2016, tổng giá trị của sản xuất nông nghiệp ước đạt 3.569 tỷ đồng, tăng 4,3% so với năm 2015; thu nhập bình quân trên đơn vị diện tích đất canh tác đạt bình quân 41,3 triệu đồng/ha, tăng 1,3 triệu đồng/ha so với năm 2015. Sản lượng lương thực cây có hạt cả năm 2016 đạt 395,8 nghìn tấn, tăng 1,44% so với năm 2015, tương đương 5,6 nghìn tấn; bình quân lương thực đầu người đạt 482,6 kg/người/năm…
Bên cạnh đó, sau hơn một năm triển khai các Chương trình phát triển nông nghiệp, nông thôn đã giúp các địa phương trong tỉnh dần hình thành các tổ chức sản xuất trong nông nghiệp nhằm tổ chức lại sản xuất cho nông dân như mô hình HTX kiểu mới, Tổ hợp tác. Ngoài ra, các Chương trình phát triển nông nghiệp, nông thôn của Hà Giang đã nhận được sự đồng thuận của các cấp chính quyền và đông đảo người dân trong tỉnh…
Tuy nhiên, do đặc thù là một tỉnh miền núi, trình độ dân trí thấp, sản xuất nông nghiệp còn nhỏ lẻ, manh mún nên các hình thức tổ chức lại sản xuất tuy đã được hình thành nhưng hoạt động còn kém hiệu quả; việc chuyển đổi các HTX nông nghiệp sang Luật hợp tác xã mới còn chậm so với tiến độ; một số sản phẩm nông nghiệp sản xuất theo hướng hàng hóa nhưng sản lượng còn thấp, chất lượng chưa ổn định, chưa tạo được tính bền vững trong liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Ngoài ra, việc triển khai nhân rộng các mô hình còn thiếu chặt chẽ và đồng bộ giữa các sở, ngành; công tác thông tin tuyên truyền còn hạn chế; một số cán bộ và người dân vẫn chưa hiểu hết quyền lợi và trách nhiệm của mình; một số địa phương khi tổ chức triển khai thực hiện còn thụ động, chưa có tính sáng tạo…
Từ những kết quả cũng như những tồn tại, tỉnh Hà Giang đã đề ra các mục tiêu trong phát triển nông nghiệp, nông thôn trong năm 2017. Cụ thể, trong năm 2017 giá trị thu nhập bình quân trên dơn vị diện tích đất trồng cây hàng năm đạt 43,04 triệu đồng/ha; diện tích cam sành đạt tiêu chuẩn VietGAP là 1.000 ha; diện tích chè VietGAP đạt trên 3.800 ha; tổng giá trị của ngành chăn nuôi đạt 2.548 tỷ đồng. Để đạt được mục tiêu đã đề ra, các huyện, thành phố trong tỉnh sẽ tập trung đẩy mạnh thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp giai đoạn 2016 - 2020. Mỗi huyện, thành phố tập trung phấn đấu để tạo ra từ 1 đến 2 sản phẩm nông nghiệp mang tính hàng hóa; đẩy mạnh liên kết sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, nhất là liên kết với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh trong quá trình tiêu thụ sản phẩm.
Theo ông Nguyễn Minh Tiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang, các Chương trình nông nghiệp, nông thôn đã triển khai trong năm 2016 như: Chương trình phát triển cánh đồng mẫu 5 cùng; Chương trình dồn điền đổi thửa và chỉnh trang đồng ruộng; Chương trình chuyển đổi HTX theo Luật mới…đã có những bước phát triển tích cực và đã góp phần làm thay đổi nhận thức của các cấp chính quyền và người nông dân. Thông qua triển khai các Chương trình nông nghiệp, nông thôn đã góp phần nâng cao thu nhập cho người nông dân cũng như tạo tính năng động trong quá trình tổ chức lại sản xuất. Bên cạnh đó, khi triển khai thực hiện các Chương trình nông nghiệp, nông thôn cũng góp phần nâng cao năng lực quản lý của đội ngũ cán bộ cấp cơ sở./.