Tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 15, HĐND TP Hà Nội khóa XV, sáng 6/7, trình bày Báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; thu chi ngân sách 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2020, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Doãn Toản cho biết: Mặc dù đại dịch COVID-19 tác động mạnh, nhưng được sự chỉ đạo sâu sát của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự cố gắng của doanh nghiệp và toàn thể nhân dân Thủ đô, các khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh dần được tháo gỡ, kinh tế từng bước được phục hồi. Từ tháng 5, hầu hết các chỉ tiêu kinh tế đều tăng cao so với tháng trước. GRDP 6 tháng đầu năm tăng 3,39%, mức khá cao so với các tỉnh, thành phố và mức chung của cả nước; thu ngân sách ước đạt 142.013 tỷ đồng, đạt 50,9% dự toán, tăng 9,9% so với cùng kỳ năm 2019…
|
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Doãn Toản báo cáo tại kỳ họp |
Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn 6 tháng đầu năm ước thực hiện 142.013 tỷ đồng, đạt 50,9% dự toán, tăng 9,9% so với cùng kỳ. Chi ngân sách địa phương 6 tháng ước 34.213 tỷ đồng, đạt 33,2% dự toán, tăng 21,5%; trong đó chi thường xuyên ước 19.374 tỷ đồng, đạt 40% dự toán, tăng 1,2% so với cùng kỳ. Toàn TP giải ngân vốn đầu tư công ước 14.826 tỷ đồng, đạt 33% kế hoạch, tăng 64,4% so với cùng kỳ; trong đó chi xây dựng cơ bản tập trung cấp TP ước 5.034 tỷ đồng, đạt 30,3% kế hoạch vốn giao.
Do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, các chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy, giao thương ngưng trệ; kim ngạch xuất khẩu 6 tháng đầu năm ước đạt 6,75 tỷ USD, giảm 6,7%. Kim ngạch xuất khẩu ước đạt 13,71 tỷ USD, giảm 9,2%. Đại dịch COVID-19 đã tác động mạnh tới tất cả các ngành, lĩnh vực, các chỉ tiêu giảm mạnh. Trong bối cảnh đó, TP đã thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng chống dịch, vừa duy trì và phát triển kinh tế - xã hội.
Lãnh đạo TP đã tích cực làm việc với các Bộ, ngành để tháo gỡ khó khăn về cơ chế, chính sách. Đồng thời, chỉ đạo sâu sát các Sở, ban, ngành và quận, huyện, thị xã các giải pháp khắc phục khó khăn, phục hồi tăng trưởng với quyết tâm là địa phương tiên phong, đi đầu trong hồi phục và phát triển kinh tế sau dịch bệnh. Sau khi giảm sâu nhất vào tháng 4, từ tháng 5,6 hầu hết các chỉ tiêu đều tăng so với tháng trước; sản xuất, kinh doanh từng bước phục hồi. Tuy nhiên, du lịch chịu tác động mạnh bởi dịch COVID-19. Khách du lịch ước đạt 4,93 triệu lượt, giảm 65,4%. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 18,95 nghìn tỷ đồng, giảm 61,5%. Công suất sử dụng phòng khách sạn bình quân đạt 31,74%, giảm 38,35 điểm % so với cùng kỳ.
Hà Nội tập trung chỉ đạo, đôn đốc hỗ trợ nhà đầu tư, doanh nghiệp từ khâu đăng ký kinh doanh đến triển khai dự án và tháo gỡ khó khăn. Đồng thời rà soát các dự án có sử dụng đất chậm triển khai, tạo môi trường đầu tư lành mạnh và bình đẳng trong tiếp cận đất đai. TP cũng đã khẩn trương rà soát, giãn, hoãn hơn 17.500 tỷ đồng tiền thuế cho các doanh nghiệp trên địa bàn, chiếm 45% cả nước.
Đáng chú ý, Hà Nội đã tổ chức thành công Hội nghị “Hà Nội 2020 – hợp tác và phát triển” (ngày 27/6) ngay sau khi dịch COVID-19 được khống chế và thiết lập “trạng thái bình thường mới”. Đây là hội nghị quy mô lớn, chưa từng có trong bồi cảnh dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp. Tại Hội nghị đã trao giấy chứng nhận đầu tư cho 229 dự án với tổng số vốn 405.570 tỷ đồng. Trong đó, 100 dự án trong nước với số vốn 227.499 tỷ đồng, 22 dự án đầu tư nước ngoài với số vốn 5,7 tỷ USD và 107 dự án đầu tư công. Tổng số dự án, số vốn tăng tương ứng gấp 5 lần và 11 lần so với Hội nghị xúc tiến đầu tư năm 2016. Hà Nội cùng các nhà đầu tư ký kết 38 Biên bản ghi nhớ với tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 28,6 tỷ USD…
Từ đầu năm 2020 đến nay, công tác an sinh xã hội được bảo đảm; huy động được sự tham gia tích cực của cộng đồng trong công tác chăm lo cho gia đình chính sách, giảm nghèo. Hà Nội cũng thực hiện chi trả lương hưu, hỗ trợ cấp bảo hiểm xã hội đến tận nhà cho 560.000 người xong trước ngày 10/5/2020; chi trả hỗ trợ cho người nghèo, cận nghèo, người có công, người tàn tật, người già đã xong từ ngày 2/5 với kinh phí 474,2 tỷ đồng. Hiện đang tiếp tục triển khai hỗ trợ giai đoạn 2 cho số lao động tự do, người dân gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19; đã hỗ trợ với kinh phí 495,6 tỷ đồng…
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được còn một số khó khăn, tồn tại cần được quan tâm khắc phục như: Kinh tế duy trì tăng trưởng, tuy nhiên đạt thấp hơn so với cùng kỳ do tác động của dịch COVID-19, tạo áp lực lớn đối với các cân đối lớn và hoàn thành mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2020. Số lao động được giải quyết việc làm giảm, thất nghiệp gia tăng so với cùng kỳ năm trước. Công tác quản lý, đôn đốc thu hồi nợ động ngân sách được tích cực triển khai, tuy nhiên nợ đọng ngân sách vẫn còn lớn. Tỷ lệ cấp đất dịch vụ chưa đạt mục tiêu đề ra. Các hoạt động văn hóa, xã hội bị dừng trong thời gian dài do thực hiện giãn cách xã hội nhằm phòng, chống dịch COVID-19. Tình hình tội phạm chuyển biến tích cực song vẫn tiềm ẩn nguy cơ diễn biến phức tạp….
Căn cứ dự báo tình hình quốc tế, kịch bản tăng trưởng của cả nước và tình hình sản xuất, kinh doanh 6 tháng đầu năm, thành phố đã dự báo và xây dựng 2 kịch bản tăng trưởng 6 tháng cuối năm để chỉ đạo, điều hành, phấn đấu đạt mục tiêu cao nhất so với kế hoạch năm 2020. Trong đó, kịch bản 1: Tăng trưởng quý III đạt 7,8%, quý IV đạt 8,4%, tính chung 6 tháng tăng 8,14% và dự báo cả năm đạt 5,9% (tăng gấp 1,3 lần kịch bản tăng trưởng cả nước từ 4,4-5,2%); kịch bản 2: Tăng trưởng quý III đạt 6,9%, quý IV đạt 7,4%, tính chung 6 tháng tăng 7,16% và dự báo cả năm đạt 5,4% (tăng gấp 1,3 lần kịch bản tăng trưởng cả nước từ 3,6-4,4%).
Ngoài ra, TP cũng triển khai tổ chức tốt đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội Đảng bộ TP Hà Nội lần thứ XVII; tổ chức triển khai thực hiện tốt Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách tài chính – ngân sách đặc thù đối với TP Hà Nội.
Theo Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Doãn Toản, để đạt mục tiêu tăng trưởng cao nhất 6 tháng cuối năm, cùng với việc làm tốt công tác phòng, chống dịch bệnh, TP triển khai đồng bộ, quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp nhằm phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức, tận dụng thời cơ, chuyển hướng và tổ chức lại các hoạt động kinh tế; tận dụng cơ hội chuyển hướng đầu tư, sản xuất, kinh doanh của các tập đoàn kinh tế để đẩy mạnh thu hút đầu tư nước ngoài; đa dạng hóa sản phẩm gắn với nâng cao sức cạnh tranh, phát triển thị trường, thúc đẩy hình thành các chuỗi liên kết, chuỗi giá trị thị trường trong nước và nước ngoài…
Về phục hồi và phát triển kinh tế, TP Hà Nội sẽ tích cực và chủ động hơn nữa trong việc tháo gỡ khó khăn, đối thoại và tạo điều kiện cho doanh nghiệp, nhà đầu tư về tiếp cận vốn, tín dụng, tài chính, thuế, thương mại, thanh toán điện tử. Tháo gỡ về thủ tục cho các nhà đầu tư, chú trọng các dự án lớn để tập trung hoàn thành thủ tục đẩy nhanh tiến độ cấp phép và triển khai thực hiện dự án. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả các giải pháp cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI), trọng tâm là các chỉ số giảm hạng, còn thấp như: “Chi phí gia nhập thị trường”, “Cạnh tranh bình đẳng”, “Thiết chế pháp lý và an ninh trật tự”.
TP triển khai mạnh các hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch; tăng cường truyền thông, quảng bá, tiếp thị, phát triển các sản phẩm mới về du lịch, về hình ảnh TP Hà Nội thân thiện, an toàn, có trách nhiệm gắn với các kết quả tích cực trong phòng, chống dịch COVID-19. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong công tác thu ngân sách, thực hiện các giải pháp thu ngân sách bền vững; tăng cường đôn đốc thu nợ thuế, tiền thuê đất; đẩy mạnh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư; rà soát từng dự án đầu tư công, tập trung tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh giải ngân, tạo vốn thực hiện kích thích phát triển kinh tế - xã hội...
Cùng với đó, TP cũng sẽ tăng cường chất lượng, hiệu quả quản lý quy hoạch, đất đai, trật tự xây dựng, trật tự đô thị, bảo vệ môi trường. Đẩy mạnh phát triển văn hóa, xã hội, giáo dục, đào tạo và hoạt động nghiên cứu khoa học. Đảm bảo an sinh xã hội, giải quyết việc làm; nâng cao chất lượng khám chữa bệnh. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính; nâng cao trách nhiệm người đứng đầu các cấp, các ngành trong giải quyết khiếu nại, tố cáo; phát huy vai trò của các cơ quan giám sát trong phòng chống tham nhũng, lãng phí. Đảm bảo quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội.../.