Hà Nội: Tổng thu ngân sách nhà nước tháng 11/2020 đạt 233.517 tỷ đồng

Thứ sáu, 04/12/2020 15:23
(ĐCSVN) – Đó là số liệu báo cáo tại Hội nghị trực tuyến giao ban công tác tháng 11/2020 của UBND Thành phố Hà Nội diễn ra sáng 4/12. Đồng chí Chu Ngọc Anh, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND Thành phố chủ trì hội nghị.
Các đồng chí chủ trì và điều hành Hội nghị. 

Theo Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn thành phố tháng 11/2020 đạt 233.517 tỷ đồng, tương đương 83,8% dự toán, bằng 98,9% so với cùng kỳ năm trước.

Trong tháng 11/2020 và 11 tháng năm 2020, mặc dù chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19 nhưng các mục tiêu tăng trưởng của thành phố đã có những kết quả tích cực. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 11/2020 ước đạt 1.465 triệu USD, tăng 8,3% so với tháng trước và tăng 21,8% so với cùng kỳ năm 2019, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 875 triệu USD, tăng 9,2% và tăng 29,4%; khu vực vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 590 triệu USD, tăng 6,8% và tăng 12%. Tính chung 11 tháng năm 2020, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 14,6 tỷ USD, tăng 1,2% so với cùng kỳ năm 2019.

Về kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 11/2020, ước đạt 2.600 triệu USD, tăng 8,5% so với tháng trước và giảm 5,1% so với cùng kỳ năm 2019. Tính chung 11 tháng, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 25,9 tỷ USD, giảm 9,5% so với cùng kỳ năm 2019. Hoạt động sản xuất công nghiệp trong tháng 11-2020 tiếp tục xu hướng phục hồi; các doanh nghiệp tập trung đẩy nhanh tiến độ sản xuất hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng những tháng cuối năm và Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021. Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 11/2020 ước tính tăng 2,3% so với tháng trước và tăng 6,3% so với cùng kỳ năm 2019.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 11/2020 giảm 0,19% so với tháng trước; giảm 0,29% so với tháng 12/2019 và tăng 0,93% so với cùng kỳ năm 2019. CPI bình quân 11 tháng năm 2020 tăng 2,95% so với bình quân cùng kỳ năm 2019. Trong tháng 11/2020, có 5/11 nhóm hàng có chỉ số giá giảm so với tháng trước. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 11/2020 ước đạt 54.500 tỷ đồng, tăng 1,9% so với tháng trước và tăng 4,6% so với cùng kỳ năm 2019.

Một số ngành sản xuất chế biến, chế tạo 11 tháng đạt mức tăng cao so với cùng kỳ năm trước: Tính chung 11 tháng, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước tính đạt 530,1 nghìn tỷ đồng, tăng 2,7% so với cùng kỳ năm trước, trong đó doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 348,2 nghìn tỷ đồng, chiếm 65,7% tổng mức và tăng 9,9% (đồ dùng, dụng cụ trang thiết bị gia đình tăng 21,5%; lương thực, thực phẩm tăng 16%; hàng may mặc tăng 15,1%; gỗ và vật liệu xây dựng tăng 6,8%...).

Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống 11 tháng đạt 47,3 nghìn tỷ đồng, chiếm 8,9% tổng mức và giảm 15,2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó doanh thu dịch vụ lưu trú đạt 4,9 nghìn tỷ đồng, chiếm 0,9% và giảm 50%; doanh thu dịch vụ ăn uống đạt 42,4 nghìn tỷ đồng, chiếm 8% và giảm 7,9%. Doanh thu dịch vụ lữ hành đạt 5,7 nghìn tỷ đồng, chiếm 1,1% tổng mức và giảm 47,5% so với cùng kỳ năm trước.

Tháng 11, các đường bay thương mại quốc tế dần được khôi phục, số lượng hàng hóa thông quan cảng, biển có xu hướng tăng. Đồng thời, các đơn vị kinh doanh vận tải công cộng thực hiện nghiêm túc biện pháp phòng, chống dịch tạo tâm lý an toàn, tin tưởng cho người sử dụng. Hoạt động vận tải trong tháng 11 dần phục hồi tăng trưởng.

Về du lịch, dịch COVID-19 ở Việt Nam được kiểm soát tốt, nhưng vẫn diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia trên thế giới. Nên Việt Nam chưa mở cửa đón khách quốc tế. Khách đến Hà Nội chủ yếu vẫn là các chuyên gia, nhà ngoại giao, nhà đầu tư và công dân Việt Nam về nước. Khách quốc tế đến Hà Nội (do cơ sở lưu trú phục vụ) tháng 11 ước tính đạt 21 nghìn lượt khách, tăng 0,7% so với tháng trước và giảm 95,1% so với cùng kỳ, trong đó khách đến từ Hàn Quốc đạt 6,2 nghìn lượt khách, giảm 10,5% và giảm 91%; Trung Quốc đạt 3 nghìn lượt khách, tăng 39,5% và giảm 94,6%; Nhật Bản đạt 2,7 nghìn lượt khách, giảm 2,6% và giảm 92,2%.

Hình ảnh tại Hội nghị. 

Tính chung 11 tháng năm 2020, khách quốc tế đến Hà Nội đạt 786 nghìn lượt khách, giảm 80,6% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Khách quốc tế đến từ Hàn Quốc đạt 149 nghìn lượt khách, giảm 80,1%; Nhật Bản đạt 67,3 nghìn lượt khách, giảm 79,4%; Trung Quốc đạt 60,5 nghìn lượt khách, giảm 90,6%; Mỹ đạt 54,2 nghìn lượt khách, giảm 76,2%; Pháp đạt 46,7 nghìn lượt khách, giảm 75,8%.

Khách trong nước đến Hà Nội (do cơ sở lưu trú phục vụ) tháng 11 ước tính đạt 35 nghìn lượt khách, tăng 3,2% so với tháng trước và giảm 96,8% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 11 tháng năm 2020, khách trong nước đến Hà Nội ước tính đạt 1.866 nghìn lượt khách, giảm 83,4% so với cùng kỳ năm 2019.

Thành phố tiếp tục hoàn thiện dự thảo Đề án “Xây dựng thành phố Hà Nội thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Thực hiện rà soát đánh giá việc ứng dụng CNTT trong cơ quan nhà nước; tăng cường phối hợp và triển khai đồng bộ các biện pháp đảm bảo an toàn, an ninh mạng.

Thành phố Hà Nội đã phối hợp Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong công tác chuẩn bị tổ chức SEA Games 31 và ASEAN Para Games 11 năm 2021: Tổ chức chương trình Khởi động cùng SEA Games 31; rà soát các nội dung đăng cai tổ chức SEA Games 31 và ASEAN Para Games 11; chuẩn bị lực lượng vận động viên, huấn luyện viên, trọng tài tham gia SEA Games 31 và ASEAN Para Games 11. Tháng 11/2020, Thể thao Hà Nội đạt được 295 huy chương (107 HCV, 89 HCB, 99 HCĐ) tại các giải thể thao thành tích cao trong nước.

Trong tháng 11/2020, Thành phố tiếp tục chỉ đạo duy trì các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 trong tình hình mới song song với phát triển KT-XH; đồng thời triển khai các biện pháp tăng cường kiểm soát các dịch bệnh truyền nhiễm. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội và Trung tâm Y tế các quận, huyện, thị xã thường xuyên cử cán bộ y tế vào các bệnh viện được phân cấp để chủ động giám sát, xử lý triệt để ngay khi dịch còn ở quy mô nhỏ; chủ động triển khai các chiến dịch vệ sinh môi trường, rửa tay bằng xà phòng... nhất là tại các khu vực công cộng, nơi tập trung đông người.

Thực hiện tốt các chương trình, mô hình điểm về an toàn thực phẩm như: kiểm soát các bữa cỗ tập trung đông người; mô hình cảnh báo nhanh; chuyên đề dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố, an toàn thực phẩm tuyến phố văn minh tại 30 quận, huyện; 14 tuyến phố an toàn thực phẩm có kiểm soát tại 12 quận huyện.../.

Nhóm PV

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực