Hàng không xin hỗ trợ vay 30.000 tỷ đồng

Thứ ba, 28/09/2021 22:26
(ĐCSVN) - Hiệp hội Doanh nghiệp hàng không cho hay, tổng nhu cầu cần hỗ trợ của các hãng bay là 30.000 tỷ đồng bởi hiện nợ ngắn hạn và nợ đến hạn phải trả của 3 hãng bay lớn nhất cả nước đã lên tới 36.000 tỷ đồng.
Giãn cách làm hoạt động của các hãng hàng không bị đình trệ, gây thiệt hại nặng nề cho các hãng. (Ảnh: Vũ Phong)

Ngày 28/9, tại cuộc họp giữa Ngân hàng Nhà nước với toàn bộ doanh nghiệp hàng không và ngân hàng thương mại có dư nợ để tháo gỡ khó khăn về vốn, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú chia sẻ, chưa khi nào hàng không lại khó khăn như hiện nay và ngành ngân hàng luôn chia sẻ, đồng hành với nền kinh tế cũng như ngành hàng không. 

Tại cuộc họp, TS. Bùi Doãn Nề, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp hàng không Việt Nam cho biết, giãn cách làm hoạt động của các hãng hàng không bị đình trệ, vừa gây thiệt hại cho các hãng, vừa ảnh hưởng dây chuyền tới các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng, đặc biệt là các doanh nghiệp khác trong ngành hàng không. Số lượng chuyến bay và hành khách 6 tháng đầu năm 2021 giảm 60-70% so với thời điểm trước dịch. Đặc biệt từ cuối tháng 5 đến nay, doanh thu ngành hàng không giảm 80-90%. Hiện nay, các đường bay thương mại trong nước và quốc tế đều đã bị dừng. Mỗi ngày, các hãng hàng không phải chi trên 100 tỷ đồng trong thời gian máy bay phải ngừng bay, nằm tại các sân bay từ 80-90%.  

Đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp hàng không cho cho hay, tổng nhu cầu cần hỗ trợ của các hãng bay là 30.000 tỷ đồng bởi hiện nợ ngắn hạn và nợ đến hạn phải trả của 3 hãng bay lớn nhất cả nước đã lên tới 36.000 tỷ đồng.

Nhu cầu tín dụng để trang trải các khoản nợ phải trả của Hãng hàng không Quốc gia Việt Nam Vietnam Airlines (VNA) cần hỗ trợ vốn vay ưu đãi 10.000 - 12.000 tỷ để cân đối dòng tiền, hàng không VietJet đề nghị hỗ trợ khoản vay tín dụng trên 10.000 tỷ theo hình thức tái cấp vốn từ các Ngân hàng thương mại như đã áp dụng VNA và khoản tín dụng ưu đãi lãi suất thời gian 3 - 4 năm. Đồng thời, hãng hàng không Bamboo Airways đề nghị được vay 5.000 tỷ dưới hình thức tái cấp vốn từ các Ngân hàng thương mại như đã áp dụng VNA và khoản tín dụng dài hạn với lãi suất và điều kiện ưu đãi; hãng hàng không Vietravel đề nghị cho vay 1.000 tỷ đồng với mức lãi suất 0% hoặc lãi suất ưu đãi và thời gian trả nợ dài hạn… 

Từ khi dịch bệnh bùng phát, Nhà nước và ngành Ngân hàng đã có những hỗ trợ rất thiết thực cho các doanh nghiệp trong ngành hàng không, góp phần giảm bớt khó khăn, thiệt hại cho các doanh nghiệp trong ngành.

 Cụ thể, nhà nước đã cho phép giảm bớt nhiều loại phí, giảm thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu hàng không, giúp các hãng hàng không có cơ hội giảm bớt chi phí để giảm giá, kích cầu giao thông hàng không.

Ông Nguyễn Thanh Tùng, Phó tổng giám đốc phụ trách Ban điều hành Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) cho biết, cùng với việc cơ cấu nợ, giảm lãi, phí, Vietcombank vẫn cấp tín dụng dù tình hình tài chính của doanh nghiệp hàng không có khó khăn. Không chỉ hỗ trợ cho các doanh nghiệp hàng không mà Vietcombank còn hỗ trợ doanh nghiệp trong hệ sinh thái, chuỗi giá trị của ngành hàng không như doanh nghiệp cung cấp dịch vụ mặt đất, cấp nhiên liệu hàng không, dịch vụ với các giải pháp cơ cấu nợ, giữ nguyên nhóm nợ, giảm lãi suất... Đến nay Vietcombank cấp tín dụng cho các doanh nghiệp hàng không và hệ sinh thái lên đến 16.000 tỷ đồng.... Theo ông Nguyễn Thanh Tùng, mặt bằng lãi suất Vietcombank cho các doanh nghiệp hàng không vay rất thấp, nếu tính các chi phí, trích lập dự phòng thì lãi suất cho vay với doanh nghiệp hàng không mang tính hỗ trợ. 

Vừa qua, do giãn các xã hội, số chuyến bay giảm mạnh nên các hãng hàng không chưa tận dụng được việc giảm thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu hàng không. Hiệp hội cũng đã đề xuất kéo dài thời gian giảm thuế này và đề nghị giảm sâu hơn nữa, từ mức 30% hiiện nay lên 70%.

Các ngân hàng thương mại đã cho nhiều doanh nghiệp hàng không vay vốn để cải thiện tính thanh khoản trong giai đoạn khó khăn; đã tháo gỡ khó khăn về vốn cho hãng VNA mà Nhà nước nắm cổ phần chi phối, Pacific Airlines đã được vay 50 tỷ để hỗ trợ thanh khoản.

Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh cho biết hiện tại, Chính phủ đã đưa ra gói tín dụng 4.000 tỷ đồng cho VNA. Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước đề nghị các ngân hàng thương mại ưu tiên cho các hãng hàng không vay. Vì đây là lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế và khả năng dịch được khống chế, hoạt động bay trở lại được thì sẽ hồi phục nhanh. Cùng với việc ưu tiên vốn cho các hãng bay, các ngân hàng nên giảm lãi suất cho vay đối với các hãng hàng không, trong đó chủ động mạnh dạn cho vay tín chấp. 

Theo Phó thống đốc, thời gian tới, Bộ Kế hoạch - đầu tư, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước sẽ phối hợp nghiên cứu để đề xuất gói tín dụng ưu đãi lãi suất cho các hãng hàng không và sớm trình lên Chính phủ. 

Thống kê của Ngân hàng Nhà nước cho thấy dư nợ tín dụng hiện nay đối với các hãng bay khoảng 24.000 tỷ đồng. Số này chiếm tỷ lệ nhỏ so với dư nợ 9,8 triệu tỉ đồng của toàn nền kinh tế, và so với khoảng 3,5 - 4 triệu tỷ đồng dư nợ các doạnh nghiệp đang gặp khó khăn bởi dịch COVID-19. Phó Thống đốc cũng cho rằng, ngân hàng cũng là 1 ngành kinh tế, ngân hàng cũng là doạnh nghiệp, các ngân hàng hiện cũng rất khó khăn. 

“Về điều hành vĩ mô của Ngân hàng nhà nước thời điểm này rất lo lắng, không phải ngay hôm nay mà là trung hạn trong mấy năm tới, lạm dụng quá chính sách tiền tệ quốc gia sẽ phải trả giá đắt nếu lạm phát không kiểm soát được.” Phó Thống đốc Đào Minh Tú chia sẻ./. 

M.P

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực