Hiệu quả kinh tế từ mô hình nuôi cá lồng ở Bá Thước

Thứ hai, 21/09/2020 09:27
(ĐCSVN) - Những năm qua, mô hình nuôi cá lồng trên địa bàn huyện Bá Thước (Thanh Hóa) đã cho hiệu quả kinh tế khả quan, góp phần quan trọng cải thiện nguồn thu nhập và tạo công ăn việc làm tại chỗ cho người dân địa phương.​
leftcenterrightdel
 Người dân chăm sóc cá lồng trên vùng nước dân của thủy điện Bá Thước

Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện nay toàn huyện Bá Thước hiện nay có trên 600 lồng cá của 493 hộ dân thuộc 5 xã ven lòng hồ Thủy điện Bá Thước là: Tân Lập, Ái Thượng, Lâm Sa, Lương Ngoại, Ban Công… với các loại cả được thả như cá trắm cỏ, cá lăng, cá ké, cá chép, cá chim...

Tìm về xã Ái Thượng - nơi được xem là “thủ phủ” của nghề nuôi cá lồng của huyện Bá Thước để gặp gỡ ông Phạm Văn Hồng ở thôn Vèn, một gia đình vốn có nghề chài lưới lâu năm trên sông Mã. Ông Hồng cho biết, trước đây gia đình đã thử nghiệm nuôi cá trên 3 lồng, sau khi thu được kết quả khả quan đến nay gia đình mạnh dạn đầu tư nuôi 6 lồng cá, mỗi lồng từ 120 -150 con. Bình quân thu nhập mỗi lồng một năm từ 50 – 65 triệu đồng, sau khi trừ chi phí đã thu lợi về cho gia đình mỗi năm hàng trăm triệu đồng.

Tương tự, tại xã Lương Ngoại hiện nay có 135 hộ nuôi với 167 lồng cá đều cho thu nhập khá. Người dân nơi đây cho biết, nghề nuôi cá lồng cho thu nhập cao vì giá trị sản phẩm kinh tế cao hơn so với các con nuôi khác. “Trước kia gia đình tôi sống bằng nhiều nghề khác nhau nhưng vẫn không thoát được nghèo, nhưng kể từ khi nuôi cá ở lòng hồ thủy điện trên sông Mã, cuộc sống đã thay đổi nhiều và ổn định hơn” – anh Đỗ Văn Thương, ở thôn Măng, xã Lương Ngoại nói.

Về lồng nuôi, nếu như trước đây bà con chủ yếu làm lồng bằng chất liệu tre, nứa, luồng, mật độ thả được khoảng 100 con thì hiện nay nhờ được hướng dẫn kỹ thuật, người dân đã làm lồng bằng lưới quây thả được từ 120 – 140 con. Việc này vừa giảm chi phí vừa tăng số lượng đàn, đem lại hiệu quả kinh tế hơn.

leftcenterrightdel
 Cá ké - một loài đặc sản được người dân nuôi lồng ở thôn Măng, xã Lương Ngoại, huyện Bá Thước.
Nghề nuôi cá lồng xuất hiện sau khi Thủy điện Bá Thước đi vào vận hành (năm 2013), tận dụng diện tích nước mặt hồ và những khu vực nước dâng, nhiều hộ dân sống ở ven lòng hồ thủy điện đã phát triển nuôi cá lồng góp phần tạo việc làm tăng thu nhập và xóa đói, giảm nghèo. Lúc đầu từ vài chục lồng, bè nuôi cá nhỏ lẻ, đến nay mô hình này đã phát triển nhân rộng nhanh chóng lên hàng trăm lồng nuôi.

Để giúp cho bà con ở các vùng ven hồ phát triển nuôi cá lồng, UBND huyện Bá Thước đã có nhiều chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn, phối hợp với cơ quan chức năng tổ chức nhiều đợt tập huấn, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật nuôi cá lồng cho người dân. Nhờ việc đẩy mạnh áp dụng phương pháp nuôi cá lồng tiên tiến, nghề nuôi cá lồng của địa phương đang mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt, các hộ nuôi sau khi trừ chi phí, đều cho thu nhập khá trở lên.

leftcenterrightdel
 Những lồng cá trên hồ đã giúp người dân xã Ái Thượng vươn lên thoát nghèo

Xác định nghề nuôi cá lồng là một lợi thế do huyện Bá Thước có hơn 40 km sông Mã chảy qua, với 2 lòng hồ Thủy điện Bá Thước 1 và Bá Thước 2 nên thuận lợi cho phát triển nghề này. Những năm qua, huyện Bá Thước đã tập trung chỉ đạo các xã ở ven khu vực lòng hồ thủy điện đẩy mạnh phát triển nghề nuôi cá lồng. Đồng thời địa phương cũng có các cơ chế, chính sách hỗ trợ cho các hộ nhằm nhân rộng nghề nuôi cá lồng, tạo thêm việc làm cho người dân, góp phần tăng thu nhập xóa đói giảm nghèo ở địa phương. Riêng tháng 8/2020, ước tính sản lượng khai thác và nuôi trồng thủy sản đạt trên 100 tấn, giá trị sản xuất ước được 2,38 tỷ đồng tăng 4,4% so với cùng kỳ.

Trao đổi với chúng tôi về định hướng phát triển nghề nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện, đồng chí Võ Minh Khoa, Chủ tịch UNBD huyện Bá Thước cho biết: Ngay sau khi Thủy điện Bá Thước 2 đi vào hoạt động, mặt nước dâng đến cao trình 41m, do đó rất thuận lợi cho việc nuôi trồng thủy sản ven lòng hồ. Địa phương chúng tôi đã có chủ trương xin được quản lý mặt nước lòng hồ để nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là nghề nuôi cá lồng.

Theo đó, huyện đã xây dựng kế hoạch tổng thể về phát triển nuôi cá lồng, thường xuyên tổ chức tập huấn kỹ thuật, hỗ trợ một số chính sách thực hiện mô hình trình diễn cho bà con nông dân, đồng thời xây dựng quy hoạch theo định hướng của huyện. Từ một số kết quả khả quan đã đạt được, thời gian tới địa phương sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình...”

Có thể khẳng định, nghề nuôi cá lồng là một hướng phát triển kinh tế mới, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân vùng lòng hồ Thủy điện Bá Thước. Thời gian tới, cần có sự quan tâm hơn nữa của các cấp chính quyền địa phương và ngành khai thác nuôi trồng thủy sản tỉnh Thanh Hóa. Bởi sự phối hợp đồng bộ của các ngành sẽ tạo điều kiện hỗ trợ đắc lực cho hộ dân sống ven lòng hồ phát triển nghề nuôi cá lồng theo hướng vững chắc, mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới ở huyện miền núi Bá Thước./.

 

Bài, ảnh: Kim Chiến

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực