Hiệu quả từ một chủ trương đúng

Thứ ba, 13/08/2019 19:56
(ĐCSVN) - Gần 15 năm trước, với mục tiêu khai thác những tiềm năng sẵn có, huyện Trấn Yên (Yên Bái) đã thực hiện chủ trương phát triển nghề trồng dâu, nuôi tằm. Đến nay, chủ trương này đã khẳng định rõ tính đúng đắn trong thực tiễn; việc phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm đã giúp mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân trong huyện.
 

Toàn huyện Trấn Yên hiện có 395 ha trồng dâu, trong đó có 270 ha đang cho thu hái. (Ảnh: TH)

Là một trong những hộ điển hình về phát triển mô hình trồng dâu, nuôi tằm, hộ anh Hà Văn Cương ở thôn 4, xã Tân Đồng, huyện Trấn Yên có gần 2 mẫu đất nương. Trước đây gia đình anh Cương trồng ngô; một năm chăm sóc vất vả mới thu hoạch được hai vụ nhưng năng suất thấp, giá ngô rất bấp bênh nên thu nhập không cao. Sau khi chuyển sang trồng dâu, nuôi tằm, tính ra mỗi năm gia đình anh Cương xuất bán ra trên thị trường hơn 5 tấn kén tằm, thu nhập bình quân đạt trên 140 triệu đồng tiền lãi. Theo kinh nghiệm của anh Cương, đối với con tằm dâu, chỉ cần nắm bắt kỹ thuật nuôi đúng thì con tằm sẽ phát triển rất tốt; nghề trồng dâu nuôi tằm phù hợp với mọi lứa tuổi, kể cả những người cao tuổi.

Tìm hiểu được biết, cùng với hộ gia đình anh Hà Văn Cương, trên địa bàn xã Tân Đồng hiện đang có hơn 250 hộ trồng dâu, nuôi tằm với tổng diện tích trồng dâu nguyên liệu là trên 110 ha. Cây dâu đã được người dân trồng thay thế cây lúa trên diện tích đất thiếu nước sản xuất và những cây trồng kém hiệu quả khác. Từ đó, giúp đời sống của người dân trong xã nông thôn mới được cải thiện rõ rệt. Năm 2018, sản lượng kén toàn xã đạt gần 130 tấn, năng suất bình quân 17 kg kén/1 vòng; ước tính thu nhập từ nuôi tằm mang về cho người dân trong xã hơn 20 tỷ đồng; thu nhập bình quân đạt trên 28 triệu đồng/người/năm.

Không chỉ ở Tân Đồng, hiện nay nghề trồng dâu, nuôi tằm đã được phát triển tại hầu hết các xã trên địa bàn huyện Trấn Yên. Hiện Trấn Yên là vựa dâu tằm lớn nhất tỉnh Yên Bái cũng như ở miền Bắc. Huyện đã phát triển vùng trồng dâu tập trung, tạo được mối liên kết giữa các hộ sản xuất, hình thành các tổ nhóm liên kết giữa sản xuất gắn với cơ sở thu mua kén tằm tập trung ở các xã Tân Đồng, Báo Đáp, Việt Thành, Đào Thịnh, Hồng Ca, Nga Quán… Sản lượng kén làm ra chủ yếu được thu mua chuyển về miền xuôi sơ chế bán sang Lào, Thái Lan với đầu ra ổn định.

Thực hiện mục tiêu xây dựng được làng nghề trồng dâu nuôi tằm phát triển, bên cạnh việc quy hoạch vùng dâu tằm tập trung, huyện Trấn Yên còn đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân tích cực chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả sang trồng dâu, hỗ trợ làm nhà nuôi tằm, mở các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, đặc biệt là xây dựng các tổ hợp tác dâu tằm tơ để khuyến khích người dân gắn bó lâu dài và làm giàu từ trồng dâu nuôi tằm, góp phần xây dựng nông thôn mới. Đến nay, theo thống kê, diện tích dâu của huyện là 395 ha, trong đó 270 ha đang cho thu hái. Sản lượng kén tằm của huyện Trấn Yên năm 2018 đạt trên 500 tấn, giá trị thu nhập hơn 60 tỷ đồng. Chính vì vậy đã nâng mức thu nhập bình quân của nghề trồng dâu nuôi tằm đạt 220 - 250 triệu đồng/ha/năm, trừ chi phí đầu tư và công lao động cho thu lãi từ 90 - 100 triệu đồng/ha, cao gấp nhiều lần thu nhập từ các loại cây trồng truyền thống khác. Hiệu quả kinh tế thu được từ trồng dâu, nuôi tằm đã trực tiếp góp phần xóa đói, giảm nghèo và làm giàu cho nhiều hộ nông dân ở Trấn Yên.

Nghề trồng dâu, nuôi tằm đã giúp hàng trăm hộ nông dân Trấn Yên vươn lên phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập. (Ảnh: TH)

Theo đồng chí Nguyễn Thị Vui - Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Trấn Yên, những năm đầu tiên cây dâu tằm xuất hiện chỉ rải rác ở các xã: Việt Thành, Tân Đồng, Báo Đáp… diện tích dâu tằm của mỗi xã chỉ vào khoảng 3 ha. Sau một thời gian triển khai quy hoạch phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm trên địa bàn huyện đã mang lại hiệu quả kinh tế cao. Hiện nay, nghề trồng dâu nuôi tằm ở Trấn Yên đã có sự thay đổi cả chất và lượng: Diện tích dâu, sản lượng kén tằm tăng bền vững theo từng năm; đã hình thành được làng nghề trồng dâu nuôi tằm ở các địa phương; tỷ lệ hộ khá và giàu của nghề trồng dâu nuôi tằm tăng nhanh hơn so với các nghề khác trong ngành nông nghiệp. Bên cạnh đó, huyện đã hỗ trợ nông dân áp dụng nhiều tiến bộ kỹ thuật mới trong nuôi tằm như: xây dựng mạng lưới nuôi tằm con tập trung; áp dụng kỹ thuật nuôi tằm dưới nền nhà... từ đó góp phần giảm chi phí công lao động, hạn chế dịch bệnh trong nuôi tằm, nâng cao năng suất, chất lượng kén, nâng cao hiệu quả nghề trồng dâu nuôi tằm. Nhờ giá kén ổn định, nên đời sống bà con thay đổi rõ nét. Hàng trăm hộ nông dân ở Trấn Yên đã thoát nghèo, vươn lên làm giàu, có nguồn thu nhập trung bình khoảng trên 100 triệu/năm từ nghề trồng dâu nuôi tằm. Tiêu biểu như hộ anh Hà Văn Cương ở xã Tân Đồng; hộ ông Nguyễn Thế Ngữ ở xã Việt Thành; hộ ông Nguyễn Văn Côn ở xã Báo Đáp; hộ ông Nguyễn Văn Thái ở xã Việt Thành…

Bên cạnh những hiệu quả rõ rệt về kinh tế, việc phát triển nghề trồng dâu, nuôi tằm ở huyện Trấn Yên hiện nay cũng đang gặp phải nhiều khó khăn như một số khu vực người dân phát triển theo hướng tự phát nên chất lượng giống dâu chưa bảo đảm; việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật chưa được thực hiện trên diện rộng; hiệu quả xây dựng các tổ hợp tác dâu tằm tơ tại một số xã chưa cao… Theo đồng chí Nguyễn Đức Mầu - Phó chủ tịch UBND huyện Trấn Yên, để nghề trồng dâu, nuôi tằm phát triển bền vững và khép kín chu trình sản xuất, thời gian tới huyện Trấn Yên sẽ đẩy mạnh công tác đào tạo, tập huấn cho các hộ từ trồng dâu đến nuôi tằm; lựa chọn các giống dâu phù hợp với từng vùng, từng chất đất của địa phương; đẩy mạnh việc tuyên truyền, vận động người dân tích cực chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả sang trồng dâu tại các khu vực phù hợp… Đồng thời, chú trọng tạo điều kiện về thủ tục hành chính, đất đai, nhân công để thu hút các doanh nghiệp chế biến tơ, dệt lụa… từ đó nâng cao giá trị các sản phẩm dâu tằm của địa phương.

Có thể thấy, nghề trồng dâu nuôi tằm đã dần phát triển ổn định và bền vững trên đất Trấn Yên. Với chủ trương đúng đắn và sự chỉ đạo một cách đồng bộ, tin tưởng trồng dâu nuôi tằm sẽ tiếp tục phát triển mạnh, xứng đáng là ngành “mũi nhọn” trong lĩnh vực nông nghiệp; vừa giúp tăng thu nhập, nâng cao đời sống người dân địa phương vừa góp phần thúc đẩy kinh tế, xã hội huyện Trấn Yên phát triển theo hướng hiệu quả, bền vững./.

Nguyễn Thị Hoàn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực