Hòa Bình nỗ lực kích cầu du lịch sau dịch COVID-19

Thứ bảy, 17/10/2020 10:15
(ĐCSVN) - Quán triệt chỉ đạo của Chính phủ trong việc thực hiện mục tiêu kép “Vừa phòng chống dịch, vừa phát triển kinh tế”, với sự quan tâm, chỉ đạo của UBND tỉnh cùng các cơ quan chức năng, ngành du lịch tỉnh Hòa Bình đã và đang có những chương trình, hoạt động thiết thực để kích cầu, tăng thu những tháng cuối năm.
 Du lịch cộng đồng tại huyện Đà Bắc (Hòa Bình) thu hút nhiều bạn trẻ. (Ảnh: Bùi Minh).

Là “cửa ngõ” phía Tây Bắc của Thủ đô Hà Nội, tỉnh Hòa Bình được biết đến là địa phương có nhiều tiềm năng, lợi thế trong phát triển nhiều loại hình du lịch đa dạng như du lịch lòng hồ, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái, du lịch khám phá... Theo các chuyên gia, văn hóa Hòa Bình là cái nôi văn hóa của người Việt cổ, gắn với vùng sử thi huyền thoại “Đẻ đất đẻ nước”, nơi sinh sống của đồng bào các dân tộc Mường, Thái, Tày, Dao, Mông với những giá trị truyền thống về phong tục tập quán, nếp sinh hoạt thường ngày, trang phục, ẩm thực, ngôn ngữ, tạo nên bản sắc văn hóa. Hàng năm, ngành du lịch đã có đóng góp lớn trong việc tạo nguồn thu ngân sách, tạo việc làm và tăng thu nhập cho người dân. Năm 2019, tỉnh Hòa Bình đón 3,1 triệu lượt khách du lịch, trong đó khách quốc tế hơn 400.000 người; doanh thu từ du lịch ước đạt khoảng 2.000 tỷ đồng.

Tuy nhiên, từ đầu năm 2020, cũng như các địa phương khác, ngành du lịch Hòa Bình đã chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch bệnh COVID-19. Lượng khách du lịch đến Hòa Bình trong 9 tháng đầu năm đã giảm mạnh, chỉ đạt khoảng gần 50% so với cùng kỳ năm ngoái. Cùng với những kết quả trong công tác chống dịch, thời gian gần đây, theo tinh thần “vừa phòng chống dịch, vừa phát triển kinh tế”, hoạt động đón khách du lịch nội địa của ngành du lịch tỉnh Hòa Bình đã dần trở lại bình thường và từng bước khôi phục. Thực tế cho thấy, sau khoảng thời gian tạm ngừng hoạt động để phòng, chống dịch bệnh, nhiều doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh du lịch của tỉnh đã gặp phải nhiều khó khăn trong việc duy trì hoạt động, giữ chân nhân viên do trong một gian dài không có nguồn thu. Để đồng hành cùng các doanh nghiệp, hộ kinh doanh hoạt động trong lĩnh vực du lịch, tỉnh đã triển khai kịp thời các giải pháp hỗ trợ của Chính phủ nhằm giúp doanh nghiệp có điều kiện duy trì, khôi phục hoạt động.

Cùng với đó, các doanh nghiệp, đơn vị hoạt động trong lĩnh vực du lịch dịch vụ cũng đã chủ động nghiên cứu thị trường, thực hiện nhiều giải pháp nhằm kích cầu du lịch nội địa, tăng sức hấp dẫn đối với du khách. Theo đó, nhiều công ty lữ hành đã đẩy mạnh chương trình quảng bá để thu hút người dân đi du lịch. Mặt khác, các doanh nghiệp còn giảm giá các tour, nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch, chất lượng phục vụ để thu hút khách. Bên cạnh công tác quảng bá, xúc tiến để thu hút khách, nhiều công ty lữ hành, cơ sở kinh doanh cũng đã quan tâm phát triển một số sản phẩm du lịch đặc trưng như du lịch lòng hồ Hòa Bình, du lịch sinh thái kết hợp trải nghiệm, khám phá... để phục vụ tốt hơn nhu cầu của du khách.

Mới đây nhất, sáng ngày 14/10, Sở Văn hóa, Thể thao & Du lịch (VH,TT&DL) tỉnh Hòa Bình đã tổ chức lễ phát động Chương trình kích cầu du lịch nội địa lần 2, năm 2020 với chủ đề: "Du lịch Hòa Bình an toàn và hấp dẫn”. Phát biểu tại buổi lễ, đồng chí Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã đề nghị các sở, ban, ngành, các thành viên Ban Chỉ đạo du lịch tỉnh, lãnh đạo UBND các huyện, thành phố tiếp tục triển khai sâu rộng, có hiệu quả Chương trình kích cầu du lịch của tỉnh. Đồng thời, đề nghị các doanh nghiệp du lịch thực hiện đúng cam kết đã công bố trên cơ sở đảm bảo nguyên tắc giảm giá nhưng không giảm chất lượng. Tiếp tục  đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu về những chương trình khuyến mãi, ưu đãi, tri ân khách hàng bằng nhiều hình thức, kết hợp với thực hiện ứng xử văn minh lịch sự, đảm bảo an toàn trong phòng, chống dịch bệnh...

 Hoạt động kích cầu du lịch nội địa được tỉnh Hòa Bình quan tâm thực hiện có hiệu quả.

(Ảnh: Thúy Hằng).

Phát huy vai trò nòng cốt, Sở VH,TT&DL tỉnh Hòa Bình đã tham mưu UBND tỉnh xây dựng kế hoạch kích cầu du lịch dựa trên các yếu tố tác động. Giải pháp kích cầu du lịch là tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp giải quyết khó khăn, hạn chế tối thiểu các doanh nghiệp phá sản. Đồng thời, tiếp tục mời gọi đầu tư, hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện các dự án để tạo ra những sản phẩm du lịch mới; hỗ trợ các doanh nghiệp đẩy mạnh công tác đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch... Chị Vũ Hồng Nhung, du khách đến từ thành phố Cần Thơ cho biết: “Đến với Hòa Bình dịp này, tôi và mọi người rất ấn tượng với chất lượng phục vụ tại các điểm du lịch. Ngoài ra, tuy dịch đã được khống chế, nhưng công tác phòng dịch vẫn được các điểm du lịch quan tâm, thực hiện khá tốt”.

Theo đồng chí Bùi Xuân Trường, Phó Giám đốc Sở VH,TT&DL tỉnh Hòa Bình, dịch COVDI-19 đã có những ảnh hưởng lớn đến hoạt động của ngành du lịch cả về lữ hành, lưu trú, nhà hàng dịch vụ... Quyết tâm vực dậy ngành du lịch, song quan điểm của địa phương là không nóng vội, lơ là, chủ quan; nghiêm túc thực hiện các văn bản chỉ đạo của Trung ương và của tỉnh về phòng, chống dịch COVID-19 trong điều kiện mới. Hiện nay, Sở đã thành lập và duy trì hoạt động thường xuyên đường dây nóng kết nối với doanh nghiệp và khách du lịch, kịp thời nắm bắt tình hình, tiếp nhận thông tin, có giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và du khách. Nhiều doanh nghiệp đã tham gia ký cam kết thực hiện Chương trình “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam”, với các nội dung: Giảm giá tour, tuyến; giảm giá dịch vụ; cam kết điểm đến an toàn, thân thiện. Nhờ chủ động triển khai đồng bộ các giải pháp, lĩnh vực dịch vụ du lịch của tỉnh Hòa Bình đã bước đầu có những tín hiệu phục hồi tích cực. Theo đó, số lượng khách du lịch đến với các điểm du lịch, các khu nghỉ dưỡng nổi tiếng của Hòa Bình đã ngày một đông; nhất là tại một số địa điểm như Kim Bôi, Mai Châu, TP. Hòa Bình...

Thực tế cho thấy, để bảo đảm yêu cầu phòng, chống dịch, ngành du lịch chưa thể đón khách quốc tế, việc thực hiện các giải pháp kích cầu du lịch nội địa là hướng đi hợp lý và hiệu quả của các địa phương, trong đó có tỉnh Hòa Bình. Thời gian tới, để tiếp tục thực hiện mục tiêu kép “vừa phòng chống dịch, vừa phát triển kinh tế”, ngành du lịch tỉnh Hòa Bình sẽ tăng cường các giải pháp kích cầu theo hướng quan tâm, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của du khách. Đồng thời, lấy du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch lòng hồ và du lịch văn hóa tâm linh làm nòng cốt cho phát triển hoạt động du lịch...

Với sự quan tâm thường xuyên của UBND tỉnh, trực tiếp là Sở VH,TT&DL và sự nỗ lực, cố gắng của cộng đồng doanh nghiệp, du lịch tỉnh Hòa Bình sẽ sớm vượt qua khó khăn do ảnh hưởng dịch COVID-19, tiếp tục phát huy tiềm năng, lợi thế, trở thành điểm đến an toàn và hấp dẫn đối với du khách thập phương./.

Nguyễn Thị Hoàn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực