Hợp tác phát triển sản phẩm làng nghề Hà Nội và các tỉnh phía Bắc

Thứ tư, 23/11/2022 08:30
0:00/ 0:00
Giọng nữ
  • Giọng nữ
(ĐCSVN) - Bảo tồn và phát triển làng nghề trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 cộng với hợp tác phát triển sản phẩm làng nghề Hà Nội với các tỉnh phía Bắc đang được đặt ra cấp thiết.
leftcenterrightdel
 Quang cảnh Hội nghị tại Hà Nội chiều ngày 22/11 (Ảnh: HNV)

Chiều 22/11, tại Hà Nội, Hiệp hội Làng nghề Việt Nam đã tổ chức Hội nghị “Hợp tác phát triển sản phẩm làng nghề Hà Nội và các tỉnh phía Bắc”. Hội nghị được triển khai với nội dung thực hiện nhiệm vụ tổ chức chương trình tăng cường hoạt động liên kết trong chuỗi cung ứng hàng Việt Nam bền vững. Trong đó, đề cập tới nhóm chương trình hỗ trợ phát triển hệ thống phân phối hàng Việt Nam cố định và bền vững thuộc Danh mục của Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” giai đoạn 2021- 2025.

Đây cũng được kỳ vọng là hoạt động nhằm tạo điều kiện, cơ hội gặp gỡ giữa các nhà phân phối, người tiêu dùng trong các tỉnh có nhu cầu tiêu dùng lớn; qua đó các đơn vị nắm bắt được thông tin về các sản phẩm; thúc đẩy hoạt động sản xuất, tiêu thụ sản phẩm của địa phương.

leftcenterrightdel
 Nón làng Chuông Hà Nội (Ảnh: Hiệp hội làng nghề Việt Nam)

Tại Hội nghị, TS. Tôn Gia Hóa, Phó Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam khuyến nghị, để sản phẩm làng nghề phát triển bền vững, cần tập trung giải quyết một số vấn đề căn bản, đơn cử như: Xây dựng thương hiệu; quy hoạch và phát triển nguồn nguyên liệu; phát triển sản xuất sạch, ứng dụng công nghệ cao; hỗ trợ về vốn, đa dạng hóa nguồn lực đầu tư thông qua xã hội hóa, hợp tác, phát triển và mở rộng thị trường, đẩy mạnh tham gia sâu vào chuỗi cung ứng trong nước và quốc tế, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong truyền thông; thúc đẩy phát triển thương mại điện tử thông qua các sàn thương mại điện tử, các kênh bán hàng trực tuyến (online), bán hàng tương tác trực tiếp (livestream), đặc biệt cho các sản phẩm có quy mô nhỏ, sản phẩm đặc sản vùng miền, địa phương.

TS. Tôn Gia Hóa nhấn mạnh, nếu có sự hợp tác (sự liên kết phát triển sản phẩm giữa các làng nghề vốn có quy mô sản xuất nhỏ lẻ) thì hiệu quả sẽ cao hơn. Từ đó, vùng nguyên liệu tập trung (gỗ, tre, nứa, song mây, nguyên liệu gốm...) phải được xây dựng ở những vùng có khí hậu, thổ nhưỡng thích hợp. Chuỗi giá trị của các sản phẩm làng nghề cần được phân bổ đồng đều và công bằng giữa các làng nghề có điều kiện tự nhiên, dân số và kinh tế khác nhau. Hiệp hội làng nghề tại các địa phương là tổ chức có thể động viên, tập hợp hội viên thực hiện có hiệu quả quá trình hợp tác để có đóng góp tích cực trong chuỗi giá trị sản phẩm.

leftcenterrightdel
 Gốm Chu Đậu Hải Dương (Ảnh: Hiệp hội Làng nghề Việt Nam)

Đề cập thêm tới hoạt động “Du lịch làng nghề”, vị Phó Chủ tịch Hiệp hội làng nghề này cho rằng, rất cần sự hợp tác, liên kết giữa các địa phương. “Hợp tác để phát triển sản phẩm là con đường tốt nhất để khắc phục những yếu điểm của sản xuất làng nghề. Tập trung nguồn lực, tận dụng thế mạnh của mỗi địa phương để tạo nên những sản phẩm truyền thống, ứng dụng công nghệ mới để tăng năng suất lao động, đảm bảo chất lượng sản phẩm, tìm kiếm thị trường, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm... Các Hiệp hội làng nghề sẽ là cầu nối cho mọi hoạt động hợp tác, liên kết trong cung cấp nguyên liệu, tổ chức sản xuất, tiêu thụ sản phẩm... Những sự liên kết, hợp tác sản xuất này chắc chắn sẽ góp phần bảo tồn và phát triển các làng nghề một cách bền vững”- TS. Gia Hóa nói.

Đồng quan điểm trên, đại diện Sở Công thương Hà Nội phân tích, là Thủ đô, Hà Nội có trách nhiệm lan tỏa và hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm của cả nước. Đây cũng là việc làm thiết thực của thành phố giúp sản phẩm OCOP, sản phẩm làng nghề đến gần hơn với người tiêu dùng Thủ đô. “Với tinh thần "vì cả nước”, Hà Nội đã, đang và sẽ thể hiện rõ vai trò “đầu tàu” trong việc hỗ trợ các tỉnh, thành phố giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP, sản phẩm làng nghề trên thị trường Thủ đô, tạo động lực để chương trình này phát triển mạnh mẽ và bền vững hơn” – vị đại diện Sở Công thương cho biết.

Trong khi đó, ông Nguyễn Vi Khải, Phó Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam đề xuất, hợp tác phát triển sản phẩm trong tiềm năng của Hà Nội và các tỉnh phía Bắc không chỉ là giải pháp tình huống mà còn là Chiến lược lâu dài. Do đó, không rập khuôn những kiến nghị đã nói nhiều về chính sách tạo vốn, mặt bằng sản xuất, đào tạo, chống ô nhiễm. Thực tế, hiện, đã có 8 Dự án ưu tiên từ Chương trình “bảo tồn và phát triển làng nghề”. Vì thế, chỉ đề cập đến giải pháp tầm chiến lược theo tinh thần nội dung Quyết định 801NĐ/CP về phê duyệt “Chương trình bảo tồn và phát triển làng nghề Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030”.

Cũng tại Hội nghị, ông Nguyễn Hữu Thức, Tổng Giám đốc Công ty CP gốm Chu Đậu đề xuất rằng, để thúc đẩy sự hợp tác và phát triển làng nghề Hà Nội và các tỉnh phía Bắc, cần tăng cường liên kết các tours du lịch với các làng nghề, tổ chức các chương trình trải nghiệm cho du khách đến tham quan. Tích cực quảng bá hình ảnh, nét văn hóa của làng các nghề truyền thống đối với bạn bè trong nước và quốc tế....

leftcenterrightdel
 Lụa Vạn Phúc Hà Nội (Ảnh: Hiệp hội làng nghề Việt Nam)

Chia sẻ về kinh nghiệm từ chính cơ sở, ông Phạm Khắc Hà, Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề dệt lụa Vạn Phúc cho biết, để phát triển du lịch bền vững, ngoài việc phát triển các sản phẩm, làng nghề cũng đã đẩy mạnh việc tạo cảnh quan du lịch hấp dẫn, việc làm này đã mang đến một không gian xanh, thoáng mát, thân thiện với môi trường. Các hộ dân mở cửa hàng trên tuyến phố Lụa phải đăng ký gian hàng đạt chuẩn với Sở Du lịch Thành phố về giá cả và nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm, bảo đảm chất lượng về hàng hóa cho người sử dụng.

Cũng theo ông Hà, người dân Vạn Phúc luôn ý thức và tự giác trong việc giữ gìn và tạo cảnh quan trên các tuyến phố, công tác bảo vệ môi trường được chú trọng để tạo một không gian du lịch xanh, sạch, đẹp thân thiện cho du khách. Nhằm phát huy thế mạnh vốn có của làng nghề, địa phương đã tuyên truyền cho các hộ hoạt động kinh doanh, sản xuất lụa về cách ứng xử văn minh, lịch sự, không chèo kéo làm ảnh hưởng đến hình ảnh của làng nghề và thực hiện các quy tắc ứng xử nơi công cộng văn minh, lịch thiệp. Thêm nữa, các hộ sản xuất tại làng thường xuyên, chủ động học hỏi, tiếp cận với công nghệ 4.0 để quảng bá, giới thiệu các sản phẩm đến với khách hàng trong và ngoài nước. Đặc biệt, các cơ sở, xưởng sản xuất cam kết thực hiện nghiêm các quy định về môi trường, đảm bảo hài hòa giữa phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường./.

Hân Nguyễn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực