Huy động hiệu quả mọi nguồn lực, đảm bảo phát triển nhanh, bền vững

Thứ năm, 15/10/2020 00:45
(ĐCSVN) – Vượt qua khó khăn, thách thức, phát huy hiệu quả những lợi thế và nguồn lực, kinh tế của TP Hồ Chí Minh 5 năm qua đã đạt mức tăng trưởng khá, tiếp tục giữ vững vị trí là đầu tàu kinh tế của cả nước. Với tinh thần đoàn kết, truyền thống anh hùng, năng động, sáng tạo, nghĩa tình, TP Hồ Chí Minh đang vững bước tiến lên, đảm bảo phát triển nhanh, bền vững.

Tiếp tục giữ vững vị trí đầu tàu kinh tế của cả nước

 TP Hồ Chí Minh hiện đại, đổi mới từng ngày. (Ảnh: Quốc Thanh) 

Theo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ TP Hồ Chí Minh khóa X tại Đại hội đại biểu Đảng bộ TP Hồ Chí Minh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 – 2025, trong 5 năm qua, TP Hồ Chí Minh có mức tăng trưởng kinh tế khá, tiếp tục giữ vững vị trí là đầu tàu kinh tế của cả nước. Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) giai đoạn 2016 - 2019 tăng bình quân 7,72%, ước giai đoạn 2016 - 2020 tăng bình quân 6,41%, tỷ trọng kinh tế TP đóng góp trên 22,2% kinh tế cả nước.

Chất lượng tăng trưởng kinh tế được cải thiện, cơ bản dựa trên nền tảng đổi mới sáng tạo, khoa học - công nghệ, thể hiện qua cả 3 chỉ số là: đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào GRDP tăng liên tục qua các năm (năm 2017 là 36,7%, năm 2018 là 38,1%, năm 2019 là 40%, năm 2020 ước 42%); năng suất lao động bình quân của thành phố cao hơn 2,6 lần so với bình quân cả nước (năng suất lao động năm 2016: 229,2 triệu đồng, năm 2017: 248,6 triệu đồng, năm 2018: 266,4 triệu đồng, năm 2019: 283,9 triệu đồng; ước 2020: 307,3 triệu đồng); hiệu quả sử dụng vốn đầu tư được nâng lên.

Đặc biệt, trong 5 năm qua, GRDP đầu người tăng liên tục qua các năm, bình quân gấp 2,4 lần so với cả nước. Cụ thể, GRDP bình quân đầu người năm 2015 đạt 5.104 USD/người, 2016 đạt 5.413 USD/người, gấp 2,45 lần cả nước (cả nước là 2.202 USD/người); năm 2017 đạt 5.757 USD/người, gấp 2,43 lần cả nước (cả nước là 2.373 USD/người); năm 2018 đạt 6.129 USD/người, gấp 2,38 lần cả nước (cả nước là 2.570 USD/người), năm 2019 đạt 6.417 USD/người, gấp 2,37 lần cả nước (cả nước là 2.715 USD/người); ước năm 2020 là 6.328 USD/người, gấp 2,34 lần cả nước (cả nước là 2.708).

 Khu Công nghệ cao TP đã phát triển mạnh mẽ, tổng giá trị xuất khẩu 4 năm đạt 46,36 tỷ USD, ước năm 2020 là 17,24 tỷ USD, là hạt nhân thúc đẩy sự phát triển của Khu Đô thị Sáng tạo tương tác cao phía Đông TP, là nơi cung cấp và nuôi dưỡng những ý tưởng khoa học và công nghệ, thu hút vốn, công nghệ, nhân lực công nghệ cao trong và ngoài nước, thích ứng với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

TP Hồ Chí Minh là địa phương phát triển mạnh mẽ về các ngành dịch vụ. Trong thời gian qua, lĩnh vực này đã phát huy hiệu quả vai trò là ngành mũi nhọn, phát triển đúng định hướng, đạt kết quả cao cả về quy mô và năng suất, tăng trưởng bình quân trong giai đoạn 2016 - 2019 đạt 7,84%, ước giai đoạn 2016 - 2020 đạt 6,59%/năm. Đồng thời, giá trị gia tăng dịch vụ chiếm tỷ trọng bình quân 33% toàn ngành, đứng đầu cả nước. Ngành thương mại phát triển theo hướng hiện đại, nhất là thương mại điện tử. Hệ thống phân phối hiện đại đã phát triển về số lượng và chất lượng, gia tăng lưu thông hàng hóa và thúc đẩy sản xuất.

Chỉ số thương mại điện tử dẫn đầu cả nước qua các năm. Tỷ trọng doanh số mua bán trực tuyến trên tổng mức bán lẻ hàng hóa ước đạt 8,14%. Kinh tế thành phố có độ mở thương mại lớn, kim ngạch xuất nhập khẩu chiếm 145% GRDP thành phố. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa giai đoạn 2016 - 2019 tăng bình quân 10%, giai đoạn 2016 - 2020 ước 8,94%/năm. Quy mô xuất khẩu chiếm 15% cả nước. Thị trường xuất khẩu đa dạng, không lệ thuộc một thị trường, một đối tác.

Trong lĩnh vực công nghiệp, luôn đạt mức tăng trưởng khá. Cụ thể, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng bình quân giai đoạn 2016 - 2019 đạt 7,70%/năm, ước giai đoạn 2016 - 2020 đạt 5,51%/năm. Trong đó, 4 ngành công nghiệp trọng yếu ước tăng 9%/năm, cao hơn mức tăng chung của toàn ngành công nghiệp, chiếm tỷ trọng 10,2% GRDP, là động lực cho tăng trưởng công nghiệp của TP trong thời gian qua. TP đã ban hành danh mục, xây dựng chính sách phát triển nhóm sản phẩm công nghiệp chủ lực, bước đầu đã hình thành được mạng lưới các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ, tham gia ngày càng nhiều vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Đối với lĩnh vực nông nghiệp, đã phát triển đúng định hướng nông nghiệp đô thị hiện đại, năng suất lao động gấp hơn 3 lần cả nước, tập trung vào các ngành nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ sinh học. Năng suất lao động tăng bình quân giai đoạn 2016 -2019 đạt 21,1%/năm, giai đoạn 2016 - 2020 đạt 23%/năm. Các sản phẩm chủ lực được xác định và đầu tư phát triển mạnh mẽ. Giá trị sản xuất bình quân trên 01 ha đất sản xuất nông nghiệp năm 2019 đạt 550 triệu đồng/ha/năm, gấp 1,5 lần năm 2015 (367 triệu đồng/ha/năm).

Trong xây dựng nông thôn mới, tính đến cuối năm 2020, TP có 56/56 (100%) xã được công nhận cơ bản đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn nâng chất, đời sống Nhân dân tại các xã được nâng cao. Thu nhập bình quân đầu người của hộ gia đình tại các xã năm 2017 đạt 49,18 triệu đồng/người, tăng 23,8% so với năm 2015 là 39,72 triệu đồng/người; năm 2019 đạt 63,096 triệu đồng/người, tăng 58,85% so năm 2015.

Bên cạnh đó, các ngành giáo dục, y tế, tài chính - ngân hàng tiếp tục phát triển mạnh, giữ vững vị trí là một trung tâm lớn của cả nước.

Huy động các nguồn lực để phát triển kinh tế 

Để đạt được những thành tựu đáng kể trong suốt 5 năm qua, đó là sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, triển khai những giải pháp kịp thời, hiệu quả, đáp ứng trong từng giai đoạn cụ thể và đặc biệt là sự chung sức đồng lòng, là sức mạnh đoàn kết của người dân TP.

Đến cuối năm 2018, TP đã hoàn thành mục tiêu cơ bản không còn hộ nghèo theo chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP lần thứ X về “Giảm tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn chương trình “Giảm nghèo bền vững” giai đoạn 2016 - 2020 bình quân 1%/năm” và tiếp tục triển khai thực hiện Chương trình giảm nghèo bền vững 2 năm cuối (2019 - 2020) của giai đoạn 2016 - 2020. Đến cuối năm 2020, hoàn thành mục tiêu “cơ bản không còn hộ nghèo theo chuẩn nghèo TP. 

Chính công tác quản lý, khai thác, sử dụng và phát huy các nguồn lực của nền kinh tế đã có đóng góp quan trọng vào sự nghiệp đổi mới, phát triển và hội nhập của TP Hồ Chí Minh hôm nay.

Trước hết có thể thấy đó chính là nguồn lực về nhân lực. Đây được xem là nguồn lực quan trọng và TP đang có lợi thế khi có 4,7 triệu lao động (vào năm 2019, chiếm 8,62% lao động cả nước) với trình độ và khả năng sáng tạo lớn. Tỷ lệ lao động của TP đã qua đào tạo chiếm tỷ lệ khá cao (85,2%) trong đó, tỷ lệ lao động có trình độ đại học trở lên là 18,8%, cao hơn cả nước (cả nước là 10,6%). Đây chính là cơ sở quan trọng góp phần đưa năng suất lao động của TP cao gấp 2,6 lần của cả nước.

Bên cạnh đó, TP cũng đã khai thác hiệu quả nguồn lực từ đất đai. Trên thực tế, TP có nguồn lực đất đai rất hạn chế, chỉ chiếm 0,6% diện tích cả nước. Tuy nhiên, trong nhiệm kỳ qua, cơ cấu sử dụng đất đã chuyển dịch theo hướng mở rộng quỹ đất phát triển kết cấu hạ tầng, công nghiệp, dịch vụ, xây dựng đô thị, đất có rừng, gắn với việc khoanh định hợp lý hơn diện tích đất sản xuất nông nghiệp theo quy hoạch. TP từng bước đưa đất đai trở thành nguồn lực quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội TP. Ước tính thu được từ đất (giai đoạn 2015 - 2020) là 217.400 tỷ đồng, trong đó thu từ tiền sử dụng đất là 144.400 tỷ đồng (chiếm 66,42% tổng số thu từ đất) và thu từ cho thuê mặt đất, mặt nước là 16.000 tỷ đồng (chiếm 7,36% tổng số thu từ đất).

Nguồn lao động dồi dào với trình độ và khả năng sáng tạo chính là một trong những nguồn lực quan trọng của TP  (ảnh: V.Lê)

Một nguồn lực cũng rất quan trọng đó chính là vốn đầu tư toàn xã hội. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội bình quân giai đoạn 2016 - 2019 chiếm 33,0%, ước giai đoạn 2016 - 2020 chiếm 33,5% tổng GRDP của TP (vượt kế hoạch đề ra là 30% GRDP). Cơ cấu đầu tư chuyển dịch theo hướng tỷ trọng khu vực Nhà nước giảm (chỉ còn 16,7%), tăng tỷ trọng đầu tư khu vực ngoài Nhà nước là 69,1%; tỷ trọng khu vực FDI giữ ổn định, khoảng 14,2%. Nguồn kiều hối giai đoạn 2016 - 2020 ước đạt khoảng 25,7 tỷ USD, tăng 7,14% so với giai đoạn 2011 – 2015, đã góp phần phát triển kinh tế - xã hội của TP.

Cùng với các nguồn lực trên, TP cũng chú trọng tới nguồn lực ngân sách. TP luôn nỗ lực hoàn thành chỉ tiêu thu ngân sách nhà nước được giao dù năm sau cao hơn năm trước. Giai đoạn 2016 - 2019 đạt 101,96%, ước giai đoạn 2016 - 2020 đạt 99,4% so với dự toán. Tốc độ tăng thu ngân sách nhà nước từ khu vực kinh tế giai đoạn 2016 - 2019 đạt 11,39%, cao hơn so với tốc độ tăng của cả nước (9,29%) và tốc độ tăng trưởng GRDP của TP. Thu ngân sách TP năm 2020 là 405.828 tỷ đồng, lớn hơn tổng thu ngân sách của 52 tỉnh, thành trong cả nước có mức thu từ dưới lên trên (401.334 tỷ đồng).

Với tinh thần đoàn kết, phát huy truyền thống năng động, sáng tạo, nghĩa tình; huy động hiệu quả mọi nguồn lực, đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ, tận dụng thời cơ cách mạng công nghiệp lần thứ tư và tăng cường hội nhập quốc tế, TP Hồ Chí Minh đang nỗ lực để kinh tế ngày càng phát triển nhanh, bền vững, hướng tới mục tiêu vì cả nước, cùng cả nước, vì hạnh phúc của Nhân dân./.

Vương Lê

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực