Kết nối tiêu thụ nhãn và sản phẩm OCOP của Đồng Tháp và Sóc Trăng

Thứ năm, 29/07/2021 17:01
(ĐCSVN) - Trước diễn biến khó lường về lưu thông, tiêu thụ trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 ngày càng phức tạp, cần đổi mới công tác xúc tiến tiêu thụ, áp dụng trên quy mô lớn cả về chiều rộng lẫn chiều sâu; vừa thực hiện mô hình xúc tiến tiêu thụ truyền thống, vừa thông qua các nền tảng thương mại điện tử online, hạ tầng internet thông qua các mạng xã hội facebook, zalo, fanpage...

Sáng 29/7,  Hội nghị trực tuyến kết nối tiêu thụ nhãn và sản phẩm OCOP của tỉnh Đồng Tháp, Sóc Trăng năm 2021 tại các điểm cầu: Hà Nội, Đồng Tháp và Sóc Trăng đã diễn ra. Chủ trì Hội nghị gồm: Lãnh đạo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản; Lãnh đạo Trung tâm Xúc tiến thương mại Nông nghiệp; Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Đồng Tháp, Sóc Trăng.

Phát biểu khai mạc, ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục chế biến và Phát triển thị trường nông sản, Bộ NN&PTNT khẳng định, việc tổ chức hội nghị để các cơ quan nhà nước cùng các doanh nghiệp trao đổi bàn các giải pháp, đề xuất các phương án, kịch bản để tạo điều kiện tiêu thụ nhãn và các sản phẩm OCOP của tỉnh Đồng Tháp và Sóc Trăng có hiệu quả nhất. Đây là Hội nghị rất quan trọng và có ý nghĩa nhằm hỗ trợ các địa phương và bà con nông dân thúc đẩy tiêu thụ nông thủy sản nói chung, các sản phẩm OCOP, đặc biệt là quả nhãn niên vụ 2021 - rất được mùa, trong tình hình hiện nay.

leftcenterrightdel
Ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục chế biến và phát triển thị trường nông sản, Bộ NN&PTNT. (Ảnh chụp từ màn hình hội nghị trực tuyến)

Theo báo cáo, năm 2021, tổng sản lượng nhãn cả nước ước đạt 637 nghìn tấn, tăng khoảng 8% so năm 2020, trong đó khu vực phía Nam có sản lượng 337 nghìn tấn, tăng khoảng 4% so năm 2020 (324 nghìn tấn). Sản lượng đã thu hoạch 6 tháng đầu năm ước đạt 60 nghìn tấn (47,5%), dự kiến sản lượng thu hoạch 6 tháng cuối năm khoảng 177 nghìn tấn (52,5%). Tổng diện tích trồng của hai tỉnh ước là  8.462 héc ta (Đồng Tháp: 5.340 héc ta, Sóc Trăng: 3.122 héc ta), ước sản lượng 78.000 tấn chiếm khoảng 12,24% tổng sản lượng nhãn cả nước (Đồng Tháp: 53.000 tấn, Sóc Trăng: 25.000 tấn). Đối với tỉnh Đồng Tháp dự kiến từ nay đến cuối năm sẽ thu hoạch sản lượng ước khoảng 11.600 tấn từ tháng 7 đến tháng 11 năm 2021. Ngoài ra trên địa bàn hai tỉnh còn có nhiều loại nông, thủy sản khác như khoai lang, xoài, chanh, ổi, cam, quýt, mít, thanh long, mận, ớt, hành tím... và các loại thủy sản như cá tra, tôm...

Cục trưởng Nguyễn Quốc Toản nhấn mạnh, Hội nghị trực tuyến xúc tiến thương mại sản phẩm nhãn và các sản phẩm OCOP của tỉnh Đồng Tháp, Sóc Trăng hôm nay là sự kiện góp phần tích cực quảng bá, giới thiệu nông sản chủ lực, đặc sản của tỉnh Đồng Tháp, Sóc Trăng đến người tiêu dùng trong và ngoài nước, cũng như tôn vinh nông dân sản xuất cây ăn quả của tỉnh, đồng thời cũng là hoạt động kết nối, bàn giải pháp tiêu thụ sản phẩm quả nhãn và các loại nông, thủy sản của hai tỉnh Đồng Tháp và Sóc Trăng góp phần quảng bá giới thiệu những sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu đặc trưng của hai tỉnh và tôn vinh người nông dân.

leftcenterrightdel
 Sản phẩm OCOP Đồng Tháp. (Ảnh: Ban tổ chức)

Chia sẻ tại Hội thảo, ông Bùi Huy Hoàng, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương nhấn mạnh, việc tăng cường kết nối giữa các đơn vị sản xuất và tiêu thụ cần sự chung tay của các hộ nông dân, các Hợp tác xã, các doanh nghiệp đồng thời bản thân các chủ thể sản xuất – kinh doanh cũng phải tự mình chủ động xây dựng thương hiệu, tìm cách liên kết phân phối sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử. Về phía cơ quan quản lý nhà nước, với chức trách nhiệm vụ của mình, sẽ chủ động tham mưu hỗ trợ UBND tỉnh, thành phố để tạo điều kiện lưu thông hàng hóa hiệu quả, giúp chuyển từ nơi sản xuất trực tiếp tới tận tay người tiêu dùng.

Đồng quan điểm trên, Giám đốc Trung tâm xúc tiến thương mại Nông nghiệp Đào Văn Hồ khẳng định thêm, thương mại điện tử là kết nối quan trọng không chỉ trong bối cảnh dịch bệnh mà chắc chắn sẽ là xu thế của tương lai. Trong khi đó, theo thống kê sơ bộ, nhu cầu thương mại điện tử  chỉ mới đáp ứng 30-35% nhu cầu thực tế. Hiện, Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp đang lên chương trình Hội chợ số, Hội chợ ảo để tăng cường kết nối tiêu thụ nhiều hơn, nhất là trong bối cảnh giãn cách toàn xã hội ở nhiều địa phương như hiện nay. Bản thân ngành nông nghiệp hiện nay cũng đang chuyển đổi sang phát triển theo kinh tế nông nghiệp, nghĩa là tập trung vào các sản phẩm, dịch vụ nông nghiệp có thế mạnh cạnh tranh, lợi nhuận cao, có địa chỉ tiêu thụ rõ ràng…

leftcenterrightdel
 Gạo ST25, đặc sản Sóc Trăng, một trong những loại gạo ngon được xếp hạng nhất - nhì thế giới. (Ảnh: Ban tổ chức)

Cũng tại Hội thảo, đại diện từ điểm cầu Sóc Trăng đã thông tin về hoạt động tiếp tục tiếp xúc các nhà cung cấp đưa sản phẩm OCOP của địa phương lên sàn giao dịch thương mại điện tử, tổ chức bán tại các điểm giao dịch bưu điện cũng như hướng tới xuất khẩu nông sản. Dịp này, các đại biểu cũng đề xuất cần hỗ trợ trong truyền thông giới thiệu sàn thương mại điện tử, có cách thức vận động hộ nông dân, các chủ sản xuất tham gia tích cực thương mại điện tử để đảm bảo cung cấp sản phẩm với chất lượng và giá thành tốt nhất.

Đại diện của Hiệp hội bán lẻ Việt Nam đồng ý rằng, thương mại điện tử là hướng đi đúng, có thể đi lâu và đi xa, do đó, chuỗi liên kết giữa nông dân – hợp tác xã – các nhà cung cấp để cung ứng sản phẩm cần chặt chẽ hơn cũng như các doanh nghiệp nông nghiệp cần đầu tư đúng mức vào thương mại điện tử với các chiến lược marketing hiệu quả, hợp lý.

Trong chương trình Hội nghị cũng đã diễn ra lễ ký kết biên bản ghi nhớ, hợp tác giữa các doanh nghiệp, tổ hợp tác, hợp tác xã sản xuất nông sản tỉnh Đồng Tháp, Sóc Trăng với chuỗi cửa hàng bán lẻ tại Hà Nội về việc bao tiêu sản phẩm./.

Lê Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực