Kết nối tiêu thụ sản phẩm na Chi Lăng

Thứ sáu, 21/08/2020 16:25
(ĐCSVN) – Ngày 21/8, tại Lạng Sơn, thực hiện Chương trình Xúc tiến thương mại năm 2020, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) đã tổ chức Hội nghị kết nối tiêu thụ sản phẩm na Chi Lăng và sản phẩm “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) năm 2020.

Đây là hoạt động nhằm tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm nông sản đặc sản, OCOP của tỉnh Lạng Sơn, đặc biệt quả na Chi Lăng niên vụ 2020, đáp ứng thị hiếu tiêu dùng nông sản của người dân Hà Nội và các vùng lân cận. Đồng thời đẩy mạnh hoạt động truyền thông nhằm nâng cao nhận thức của người sản xuất cũng như người tiêu dùng đối với sản phẩm nông nghiệp sạch, an toàn.

Ảnh: Yến Bùi

Theo đại diện lãnh đạo Sở NN&PTNT tỉnh Lạng Sơn, là địa phương có nhiều lợi thế về khí hậu, đất đai với sự đa dạng các sản phẩm đặc sản, đến nay, tỉnh đã xây dựng và phát triển các chuỗi nông sản đặc sản chủ lực, có lợi thế cạnh tranh trên thị trường được người tiêu dùng chấp nhận; bước đầu đã tạo được sự liên kết, hợp tác trong sản xuất nông nghiệp, góp phần chuyển dịch cơ cấu mùa vụ, cây trồng, vật nuôi, từng bước thay đổi tập quán sản xuất khu vực nông thôn. Đã có một số doanh nghiệp thực hiện liên kết với HTX, hộ nông dân trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm: rau, củ, quả xuất khẩu; nguyên liệu thuốc lá; chè; dược liệu; nhựa thông; chăn nuôi ... 

Na là sản phẩm được tỉnh Lạng Sơn tập trung phát triển .(Ảnh: Yến Bùi) 

Thực tế, những năm gần đây, đã có sự thay đổi, chuyển dịch không nhỏ trong xu hướng tiêu dùng của khách hàng hiện đại: sản phẩm có thể truy xuất được nguồn gốc, có bao bì nhãn mác được chuẩn hóa theo tiêu chuẩn; sản phẩm đặc sản địa phương theo mùa vụ. Thay vì mua các sản phẩm không rõ nguồn gốc, chỉ dựa vào cảm quan và kinh nghiệm để đánh giá, người tiêu dùng trong chuỗi bán lẻ hiện đại ưu tiên dành sự quan tâm đối với các sản phẩm có chỉ dẫn địa lý rõ ràng. Bên cạnh đó, các chứng nhận quy chuẩn như VietGAP hay GlobalGAP tạo nên sức cạnh tranh rất lớn cho các cơ sở sản xuất, góp phần đẩy mạnh lượng tiêu thụ hàng hóa nông sản.

Bên cạnh đó, xác định Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) là Chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn, với trọng tâm là phát triển các nhóm sản phẩm hàng hóa, dịch vụ tinh hoa, đặc biệt của mỗi vùng mà các địa phương khác không có, được chính quyền hỗ trợ về chính sách, kỹ thuật, vốn và thị trường nhằm mang lại giá trị gia tăng cao nhất; Thời gian qua, Chương trình OCOP đã được triển khai tại tỉnh Lạng Sơn, kết quả đến trong năm 2019 đã có 13 sản phẩm đã được công nhận và dự kiến trong năm 2020 có thêm 25 sản phẩm được chuẩn hóa từ 3 sao đến 4 sao. 

Nút thắt lớn nhất hiện nay là vấn đề liên kết với nhà phân phối để mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm. Qua đó, cần đẩy mạnh công tác truyền thông, các hoạt động tuyên truyền, quảng bá, xây dựng hình ảnh, thương hiệu nhằm đẩy mạnh tiêu thụ, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp, cải thiện và nâng cao đời sống cho bà con nông dân. Tạo ra các không gian, môi trường thuận lợi kết nối người sản xuất và người phân phối, mà Hội nghị hôm nay là một sự kiện tiêu biểu. Tại đây, các nhà quản lý, nhà phân phối, kinh doanh các chuỗi nông sản sẽ chia sẻ những tín hiệu thị trường, giới thiệu những tiêu chuẩn kinh tế và kỹ thuật. Ngoài ra cần đẩy mạnh các hoạt động tìm kiếm đối tác, kết nối giữa các đơn vị sản xuất sản phẩm OCOP và đại diện các doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm, kết nối các đội ngũ mua hàng của các đơn vị tiêu thụ sản phẩm trực tiếp trải nghiệm sản phẩm...

HA.NV

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực