Khắc phục khó khăn để tăng giá trị kim ngạch xuất khẩu ngành rau quả

Thứ tư, 22/09/2021 18:07
(ĐCSVN) - Tác động của dịch COVID-19 đã ảnh hưởng đến kim ngạch xuất khẩu của ngành hàng rau quả trong những tháng gần đây. Tuy nhiên, thông tin từ các doanh nghiệp hàng đầu về rau quả cho biết, các đơn hàng từ nước ngoài vẫn duy trì tốt, do vậy, đây cũng là thời điểm ngành hàng này cần kịp thời tháo gỡ những khó khăn đang còn vướng mắc để tăng kim ngạch xuất khẩu những tháng cuối năm.
leftcenterrightdel
 Ảnh minh họa. (Nguồn: BT)

 Sản xuất, lưu thông hàng hóa bị ách tắc

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính đến ngày 15/8/2021, các địa phương trên cả nước đã gieo trồng được 817,5 nghìn ha ngô, 85,3 nghìn ha khoai lang, 155,2 nghìn ha lạc, 35,8 nghìn ha đậu tương, 958,6 nghìn ha rau đậu. Sản lượng rau các loại đạt 12.511 nghìn tấn. Dự kiến quý III/2021 sản lượng sẽ đạt 4.522,1 nghìn tấn.

Trái cây các loại có khả quan hơn khi vẫn duy trì được sự tăng trưởng về diện tích và sản lượng do thời tiết thuận lợi, năng suất tăng. Tỷ lệ tăng trưởng của một số loại trái cây như thanh long tăng 7,4%, xoài tăng 3,3%; cam tăng 3,1%; bưởi tăng 10,7%; vải tăng 7,9%, nhãn tăng 3,4% so với cùng kỳ năm trước.

Tại thị trường trong nước, vào tháng 6 và 7/2021, khi TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phía Nam thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg, các hoạt động vận chuyển, đi lại, luân chuyển hàng hóa bị ách tắc, chuỗi cung ứng bị đứt gãy gây tình trạng khan hiếm cục bộ, tạo ra sự biến động mạnh về giá cả, đặc biệt là các hàng hóa thiết yếu. Rau, củ, quả ở các thành phố lớn, xa vùng sản xuất nông nghiệp tăng 30% đến 50%. Ngược lại, giá cả tại những vùng sản xuất nguyên liệu, nông thôn lại sụt giảm do khó tiêu thụ.

Từ giữa tháng 8 đến nay, nhờ sự vào cuộc của các cấp, các ngành, mặc dù dịch bệnh COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp nhưng hoạt động thu mua, phân phối rau quả đã cải thiện, giá bán nhiều loại rau củ ở các khu vực thực hiện giãn cách đã hạ nhiệt, không còn hiện tượng khan hàng cục bộ. Trong khi đó, giá thu mua một số loại trái cây tại vùng sản xuất đã có tín hiệu phục hồi so với trước tháng 7/2021 do tiêu thụ thuận lợi hơn, tuy nhiên vẫn thấp hơn so với cùng kỳ năm trước.

Trong khi đó, về tình hình xuất khẩu rau quả, phân tích xu hướng phát triển của kim ngạch xuất khẩu rau quả trong 8 tháng 2021 cho thấy, kim ngạch xuất khẩu tăng trong 4 tháng đầu năm nhưng từ tháng 5 kim ngạch đã đi xuống, đến tháng 8 là tháng thứ 4 liên tiếp. Điều này do tác động lớn của dịch bệnh dẫn đến việc sản xuất, lưu thông hàng hóa bị ách tắc, đứt gãy chuỗi cung ứng.

Kịp thời tháo gỡ khó khăn để tận dụng cơ hội về thị trường

Chỉ ra những khó khăn của ngành rau, quả hiện nay, ông Nguyễn Thanh Bình – Chủ tịch Hiệp hội rau quả Việt Nam cho rằng, điều đáng quan tâm đó là vấn đề đứt gãy chuỗi cung ứng. Tại các vùng nguyên liệu, khu công nghiệp không có lao động hoặc người lao động không thể làm việc khi thiếu các điều kiện phòng chống dịch; người có nhu cầu không tiếp cận được nguồn hàng, người sản xuất ra sản phẩm hàng hóa tại các vùng sản xuất không đưa được đến nơi sản xuất, tiêu thụ...Bên cạnh đó, việc vận chuyển hàng hóa giữa các địa phương, hàng xuất nhập khẩu bị ngưng trệ do các lệnh giãn cách; việc thực hiện các chỉ thị ở các địa phương không nhất quán, thiếu sự phối hợp dẫn đến ách tắc. Đi cùng với đó là việc thiếu phương tiện vận chuyển, đặc biệt là vận chuyển hàng hóa xuất khẩu; nhiều quy trình, thủ tục phát sinh lãng phí thời gian do chờ đợi, đặc biệt là việc cấp giấy phép đi đường mẫu mã thay đổi liên tục, hồ sơ xuất nhập khẩu chưa được điều chỉnh phù hợp với tình hình chống dịch,…

Theo ông Nguyễn Thanh Bình, để gỡ khó cho những vấn đề trên, tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất, lưu thông ngành rau, quả, cần cấp giấy phép đi đường cho các phương tiện giao thông vận tải chở hàng từ các vùng sản xuất đến nơi tiêu thụ, đến các kho xưởng, nhà máy chế biến, giao hàng đến các bến bãi, cảng biển để xuất khẩu. Từ đó, để giải tỏa việc ùn ứ sản phẩm hàng hóa. Cấp giấy phép đi đường cho các đối tượng là cán bộ nhân viên, lao động tại các nhà máy, khu công nghiệp, khu sản xuất tập trung, cán bộ, nhân viên làm các thủ tục xuất nhập khẩu hàng hóa.

Đồng thời, điều chỉnh các quy định làm các thủ tục giao nhận, xuất nhập khẩu phù hợp với tình hình mới. Ngoài đối tượng ưu tiên tuyến đầu, cần tăng độ phủ vắc xin cho lao động, đặc biệt là các khu công nghiệp, khu sản xuất tập trung và các đối tượng có mức độ tiếp xúc cao với cộng đồng.

Về dài hạn, cần đưa ra các chính sách để thu hút lao động cho các vùng sản xuất nguyên liệu, khu công nghiệp, khu chế xuất... để kéo lao động trở lại khôi phục sản xuất kinh doanh trong tình hình mới.

Tăng tốc đầu tư hạ tầng cơ sở cho vùng sản xuất nông sản lớn nhất nước là Đồng bằng sông Cửu Long về đường giao thông, bến bãi, cảng sông, biển, cấp điện, cấp nước, nhà xưởng chế biến, kho tàng, phương tiện vận chuyển...Có chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện tốt nhất đối với nhà đầu tư (bao gồm nhà đầu tư nước ngoài) để phục hồi và phát triển sản xuất, tạo dựng chuỗi cung ứng bền vững. 

Thứ nữa, tập trung xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ và phát triển thị trường nội địa. Đồng thời, giữ vững các thị trường xuất khẩu trọng điểm; tăng cường giao dịch, mua bán với các nước ASEAN, Ấn Độ và mở rộng thị trường qua khu vực Nam Mỹ, châu Phi để giảm bớt sự lệ thuộc quá lớn vào một số thị trường.

Dự báo, quý III và IV là thời vụ thu hoạch của nhiều loại rau và trái cây ở cả 3 vùng miền, nguồn cung sẽ tăng, giá cả sẽ biến động và phụ thuộc vào các biện pháp và kết quả chống dịch của các địa phương. Nhưng với sự quyết tâm của Chính phủ và chính quyền của các địa phương cùng sự đồng lòng của người dân, cùng với những kinh nghiệm của bộ máy quản lý điều hành của các Bộ, ngành trong chống dịch đợt 4, các quy trình, thủ tục sẽ được cải tiến phù hợp hơn, ách tắc sẽ giảm bớt, công tác kết nối, cung ứng, phân phối sẽ hoạt động hiệu quả hơn, thị trường trong nước sẽ từng bước ổn định và phục hồi. 

Nhận định về thị trường xuất khẩu trong quý IV/2021 có thể khả quan khi kinh tế của các nước là những thị trường lớn của rau quả Việt Nam như Mỹ, Trung Quốc và châu Âu sẽ hồi phục, nhu cầu sẽ tăng trở lại. 

Tuy trong 8 tháng năm 2021, xuất khẩu rau quả của Việt Nam đang giảm đi nhưng số lượng và trị giá vẫn cao hơn so với cùng kỳ năm 2020. Theo thông tin từ các doanh nghiệp hàng đầu về rau quả, đặc biệt là các doanh nghiệp chế biến, các đơn hàng từ nước ngoài vẫn duy trì tốt, vì vậy khả năng xuất khẩu rau quả của Việt Nam trong những tháng còn lại của năm 2021 vẫn sẽ tăng trưởng so với năm 2020. Chính vì vậy, đây cũng là thời điểm ngành rau quả cần tháo gỡ những khó khăn đang còn vướng mắc để tăng tốc giá trị xuất khẩu trong những tháng cuối năm./.

BT

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực