Kiểm soát chất lượng nông sản tại các chợ truyền thống

Thứ tư, 21/07/2021 23:51
(ĐCSVN) - Chợ truyền thống giữ được thế mạnh trong kinh doanh thực phẩm, nhất là thực phẩm tươi sống do thói quen tiêu dùng, sự tiện lợi, người mua có nhiều lựa chọn phù hợp với mức thu nhập, được tự do thỏa thuận về giá cả…Tuy nhiên, việc kiểm soát nông sản bán ở các chợ còn bất cập và gặp nhiều khó khăn.

Hiện nay, nông sản, thực phẩm bán tại các chợ, trong đó có chợ truyền thống chiếm tới 90%. Các chợ đều có phân khu riêng biệt cho từng ngành hàng, nhóm hàng, đặc biệt đối với các ngành hàng thực phẩm thịt cá, rau, củ, quả tươi sống và thực phẩm chế biến bao gói sẵn.

Một trong những bất cập hiện nay là các chợ phát triển tự phát, tập trung chủ yếu ở nông thôn, cơ sở hạ tầng yếu kém, tiềm ẩn nguy cơ mất vệ sinh an toàn thực phẩm, phòng cháy chữa cháy, nguy cơ ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng tới sức khỏe cộng đồng. Hàng hóa được phân phối tại các chợ rất đa dạng, rất khó khăn trong kiểm soát về nguồn gốc, chất lượng, nhiều mặt hàng thực phẩm nông sản tươi sống không có bao bì, tem nhãn.

Nông sản được bày bán tại chợ không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ. Ảnh: ND 

Bà Nguyễn Thị Thìn, bán rau ở chợ Vồi (huyện Thường Tín) cho hay: Mỗi ngày, bà bán được 50-60kg rau, củ, quả các loại, hầu hết sản phẩm mua của nông dân trong vùng và do gia đình tự trồng. Còn theo bà Nguyễn Thị Huyền, tiểu thương ở chợ Tứ Hiệp (huyện Thanh Trì), từ sáng sớm, bà ra chợ đầu mối mua rau mang về bán, hầu hết nông sản bán tại chợ không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ.

Mặc dù gặp rủi ro cao về chất lượng hàng hóa nhưng lượng người lựa chọn đến chợ truyền thống thay vì đến siêu thị, cửa hàng tiện lợi lại rất đông. Bà Bùi Thị Mai ở xã Phương Trung (huyện Thanh Oai) cho biết: "Trên địa bàn xã có siêu thị của Vinmart+, nhưng chỉ khi mua rau, thịt cho con nhỏ, tôi mới vào mua, còn lại chủ yếu mua ngoài chợ nông thôn. Hàng hóa trong siêu thị có tem nhãn, yên tâm về chất lượng nhưng giá cao hơn mua tại chợ 20-30%".

Ông Ngô Đình Loát - Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản Hà Nội (Sở NN&PTNT Hà Nội) cho biết: Hiện nay, việc kiểm soát nông sản bán ở các chợ còn bất cập do số tiểu thương đến chợ biến động dẫn tới việc truy xuất nguồn gốc nông sản, thực phẩm gặp nhiều khó khăn. Cùng với đó là thói quen mua - bán của đa số người dân, chủ yếu mua thực phẩm từ các chợ dân sinh và chợ cóc, chợ tạm; lượng người tiêu dùng mua nông sản, thực phẩm tại siêu thị rất ít.

Ông Nguyễn Trung Kiên - Phó Chủ tịch UBND xã Tứ Hiệp (huyện Thanh Trì) cho biết: Để bảo vệ người tiêu dùng, xã thường xuyên tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh về tác hại của việc sử dụng nông sản, thực phẩm không bảo đảm chất lượng. Cùng với đó, lực lượng chức năng thường xuyên kiểm tra điều kiện vệ sinh, an toàn thực phẩm tại các chợ trên địa bàn, yêu cầu người dân ký cam kết kinh doanh hàng hóa có nguồn gốc xuất xứ, nếu vi phạm sẽ xử lý theo quy định của pháp luật.

Còn theo Phó Chủ tịch UBND huyện Thường Tín Bùi Công Thản, thời gian tới, huyện tiếp tục quy hoạch các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, khuyến khích nông dân sản xuất theo hướng an toàn, dán tem truy xuất nguồn gốc xuất xứ. Huyện yêu cầu Ban Quản lý các chợ thường xuyên phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra, giám sát chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm đối với hàng hóa lưu thông trong chợ; tăng cường kiểm tra, phát hiện và ngăn chặn kịp thời các hành vi gian lận, kinh doanh hàng giả, hàng nhái...

Cũng về vấn đề này, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn, ngành Nông nghiệp Thủ đô đã và đang tăng cường giám sát chặt chẽ khâu sản xuất theo chuỗi giá trị, liên kết người sản xuất với các doanh nghiệp bán lẻ. Việc này không chỉ bảo đảm cân đối cung - cầu hàng hóa mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho các ngành chức năng trong truy xuất nguồn gốc, kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm.

Mặt khác, các địa phương cần tăng cường hướng dẫn hộ kinh doanh tại chợ thực hiện đầy đủ việc ghi chép mua bán, theo dõi nguồn gốc nhằm phục vụ công tác truy xuất nguồn gốc sản phẩm; khuyến khích người dân chủ động tố giác, phát hiện những tiểu thương kinh doanh hàng hóa không bảo đảm chất lượng, góp phần nâng cao ý thức của tiểu thương, không chỉ kinh doanh vì lợi nhuận mà còn phải chú trọng đến sức khỏe cộng đồng./.

ND

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực