“Làn gió mới” từ COOP

Thứ sáu, 15/10/2021 10:14
(ĐCSVN) - Sau hơn 3 năm triển khai, đến nay Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) tại tỉnh Lào Cai đã thu được nhiều kết quả tích cực. Với đặc điểm đa dạng về chủng loại, mẫu mã, các sản phẩm OCOP của Lào Cai đang trực tiếp mở ra hướng phát triển kinh tế hiệu quả, góp phần nâng cao thu nhập, mang lại cuộc sống ổn định cho người dân địa phương.

Là địa phương có thế mạnh về sản xuất nông nghiệp hàng hóa nên Bảo Thắng cũng là huyện nổi bật của tỉnh Lào Cai trong thực hiện chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP). Đến nay, Bảo Thắng đang dẫn đầu về số lượng sản phẩm được cấp giấy chứng nhận sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP.

Ngay từ năm 2018, huyện đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện chương trình OCOP, tổ chức tập huấn về phương thức quản lý, kinh doanh, chiến lược phát triển sản phẩm cho các hợp tác xã, chủ hộ sản xuất. Ngoài ra, Bảo Thắng cũng tập trung hỗ trợ các chủ thể thực hiện đăng ký sở hữu trí tuệ kiểu dáng, nhãn hiệu và đẩy mạnh việc vận động người dân triển khai nhiều mô hình sản xuất các sản phẩm theo tiêu chuẩn an toàn VietGAP, hữu cơ... Đến nay, toàn huyện đã có 21 sản phẩm OCOP đạt 3 sao cấp tỉnh. Nhiều sản phẩm truyền thống, đặc trưng của huyện Bảo Thắng đã khẳng định được vị trí cả ở thị trường trong nước và phục vụ xuất khẩu. Điển hình như sản phẩm quế ống sáo đã được xuất khẩu đi những thị trường “khó tính” như Singapore, Malaysia, Ấn Độ...

Chị Lê Thị Hương ở làng Chưng, xã Sơn Hà, huyện Bảo Thắng chia sẻ: “Từ khi quế ống sáo được công nhận sản phẩm OCOP đạt 3 sao cấp tỉnh, việc sản xuất, tiêu thụ đã thuận lợi hơn trước rất nhiều. Đầu ra bảo đảm, lượng sản phẩm xuất khẩu tăng cũng giúp chúng tôi có thêm thu nhập và gắn bó hơn với cây quế, loại cây trồng truyền thống của quê hương”.

Sản xuất quế ống sáo ở huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai. (Ảnh: TP).

Thực tế không chỉ ở huyện Bảo Thắng mà tại hầu hết các địa phương ở Lào Cai, Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” đã mang đến “làn gió mới”, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển theo hướng hiệu quả, bền vững. Nét nổi bật là quá trình thực hiện Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” ở Lào Cai, việc lựa chọn các sản phẩm tham gia Chương trình đã bám sát nhu cầu của thị trường và tiềm năng, thế mạnh sẵn có của địa phương. Chương trình cũng đã góp phần tạo ra những đổi thay lớn trong tư duy sản xuất nông nghiệp, kinh doanh hàng hóa của người dân. Nếu như trước đây, bà con hầu hết chỉ quen với phương thức sản xuất nhỏ lẻ, ít quan tâm đến xây dựng thương hiệu; thì khi tham gia Chương trình OCOP, người dân đã dần chuyển sang sản xuất tập trung, quy mô lớn và đầu tư nhiều hơn cho các khâu chế biến sản phẩm, xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu hàng hóa...

Theo đồng chí Tạ Công Huy, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP tỉnh Lào Cai, tính đến nay sau 07 đợt đánh giá sản phẩm OCOP, toàn tỉnh hiện có 92 sản phẩm OCOP được công nhận cấp tỉnh của 52 doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ gia đình trên địa bàn 44 xã, phường, thị trấn. Số lượng sản phẩm được chứng nhận OCOP đạt 155% mục tiêu chương trình đề ra. Thu nhập của người lao động được tăng lên khoảng 10%, doanh thu của các cơ sở tăng từ 10-30% so với trước khi được công nhận sản phẩm OCOP.

 Tỉnh Lào Cai hiện có 92 sản phẩm OCOP được công nhận cấp tỉnh. (Ảnh: NH).

Các sản phẩm OCOP của tỉnh Lào Cai khá đa dạng, thuộc đủ 6 nhóm ngành là thực phẩm, đồ uống, thủ công mỹ nghệ trang trí, vải may mặc, dược liệu và dịch vụ du lịch; trong đó, có 23 sản phẩm 4 sao và 69 sản phẩm 3 sao. Mới đây nhất, đầu tháng 10/2021 vừa qua, tỉnh Lào Cai cũng đã đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá, phân hạng 5 sao cấp quốc gia năm 2021 đối với 02 sản phẩm OCOP là Cao mềm actiso Sa Pa và Trà phun sương actiso Sa Pa.

Để Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” mang lại hiệu quả thực chất và có sức lan tỏa, UBND tỉnh Lào Cai đã chú trọng chỉ đạo các cấp, các ngành, các địa phương thực hiện tốt việc phát triển các vùng sản xuất gắn với cây, con chủ lực, thế mạnh các ngành, nghề truyền thống, đặc sản của địa phương; từng bước hình thành, nhân rộng các mô hình liên kết kinh tế, hợp tác xã nông nghiệp, phát triển các vùng chuyên canh, sản xuất hàng hóa gắn với ứng dụng khoa học công nghệ, kỹ thuật cao vào sản xuất. Bên cạnh đó, công tác xúc tiến thương mại, giới thiệu sản phẩm được tỉnh và nhiều địa phương chú trọng, tạo nên thương hiệu và giá trị cao cho các sản phẩm.

Đến nay, các cơ sở sản xuất, dịch vụ OCOP đã xây dựng được chuỗi liên kết với các hộ gia đình để thu mua nguyên liệu phục vụ cho sản xuất sản phẩm tiêu biểu như: đối với Chè có 4.914 ha, trên 6.000 hộ tham gia; Actiso 65 ha với 150 hộ tham gia; Su su Sa Pa 120 ha với 250 hộ tham gia; Tương ớt Mường Khương 120 ha với gần 800 hộ tham gia; Miến đao Bản Xèo 67 ha với 250 hộ tham gia; Bưởi Múc 40 ha, 130 hộ tham gia... Các chuỗi liên kết này đã góp phần tạo thuận lợi trong tiêu thụ nguyên liệu, kích thích phát triển kinh tế ở khu vực nông thôn và thúc đẩy quá trình xây dựng nông thôn mới bền vững.

Phát huy những kết quả nói trên, thời gian tới Lào Cai sẽ đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền để người dân hiểu rõ về mục đích, ý nghĩa của Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”. Tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất phát triển sản phẩm OCOP; đa dạng hoá chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, hỗ trợ phát triển sản phẩm, thương hiệu của từng sản phẩm, Tăng cường nghiên cứu thị trường, xúc tiến thương mại; xây dựng chiến lược phát triển thị trường và hỗ trợ xây dựng và phát triển nhãn hiệu, thương hiệu, chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm OCOP. Đồng thời, coi trọng xây dựng hình ảnh sản phẩm OCOP tỉnh Lào Cai chất lượng, an toàn thực phẩm và thân thiện môi trường. Tổ chức tốt chuỗi liên kết giữa người sản xuất với doanh nghiệp, hợp tác xã thu mua, chế biến và tiêu thụ sản phẩm.

Với sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền các cấp và những cách làm phù hợp, hiệu quả, tin tưởng Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” sẽ tiếp tục mang đến những “làn gió mới” thúc đẩy sự phát triển ngành nông nghiệp của tỉnh Lào Cai; đồng thời mở ra cơ hội để nâng cao thu nhập, mang lại cuộc sống ổn định cho đồng bào các dân tộc trên địa bàn toàn tỉnh./.

Phạm Minh Hà

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực