Long An phát huy tiềm năng phát triển du lịch

Thứ sáu, 09/07/2021 17:21
(ĐCSVN) - Là tỉnh thuộc khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, tiểu vùng Đồng Tháp Mười, đồng thời nằm trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, có thể nói Long An là địa phương giàu tiềm năng để phát triển du lịch.

Mảnh đất giàu tiềm năng du lịch

leftcenterrightdel
Đền tưởng niệm anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực ở Long An. ( Ảnh:  Minh Hưng) 

Với vị trí địa lý tiếp giáp Thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh Tây Ninh, Tiền Giang, Đồng Tháp và cả nước bạn Campuchia, Long An có nguồn tài nguyên du lịch thiên nhiên và các tài nguyên du lịch nhân văn khá phong phú, đa dạng. Lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Long An cho hay, hiện trên địa bàn tỉnh có hơn 110 di tích lịch sử - văn hóa, kiến trúc, nghệ thuật, danh thắng, khảo cổ, trong đó có 21 di tích cấp quốc gia. Những di tích lịch sử quốc gia tiêu biểu như Vàm Nhựt Tảo ở xã An Nhựt Tân, huyện Tân Trụ, đây là nơi ghi dấu chiến công hiển hách một thời đốt tàu địch của anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực trong phong trào vũ trang chống Pháp cuối thế kỉ XIX; di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Tân Xuân ở thị trấn Tầm Vu, huyện Châu Thành, thiết chế văn hóa gắn liền với lịch sử khai hoang, mở đất của người Việt trên mảnh đất Long An, v.v.

Có thể thấy, Long An không chỉ có những dòng Vàm Cỏ Tây, Vàm Cỏ Đông… cần mẫn mang phù sa bồi đắp cho những vườn cây trái, những cánh đồng lúa, rau màu, thanh long, mà địa phương này còn có hệ sinh thái động thực vật đa dạng, hệ sinh thái rừng tràm, lau sậy, đầm sen, hoa súng và nhiều loại động vật phong phú tập trung ở vùng Đồng Tháp Mười. Đó là Khu bảo tồn phát triển dược liệu Đồng Tháp Mười; Khu du lịch Cánh đồng bất tận; Khu bảo tồn Đất ngập nước Láng Sen nằm trên địa bàn hai xã Vĩnh Lợi, Vĩnh Đại, huyện Tân Hưng đã được công nhận là khu Ramsar thứ 7 của Việt Nam và thứ 2.227 của thế giới, có diện tích trên 5.000 ha. Theo các chuyên gia, khu vực này là môi trường sống của hơn 150 loài thực vật, khoảng 150 loài động vật với cảnh quan rừng tràm ngập nước, rừng hỗn loài ven sông rạch, đầm lầy, đồng cỏ ngập nước theo mùa. Khu Ramsar Láng Sen còn có những cảnh quan như lúa hoang, hay còn gọi là lúa trời, lúa ma, hay những dạng cảnh quan thấp trũng, ngập nước thường xuyên với các loài thủy sinh phong phú như sen, súng, cỏ nước...

Một điểm nổi bật nữa trong nguồn tài nguyên phát triển du lịch của vùng đất cửa ngõ Đồng bằng sông Cửu Long này chính là những mặt hàng nông sản đã trở thành thương hiệu, gắn với từng địa danh của tỉnh Long An như gạo Nàng thơm chợ Đào ở huyện Cần Đước, dưa hấu đỏ Long Trì, thanh long ở huyện Châu Thành, dứa ở huyện Bến Lức...

Đánh thức tiềm năng

leftcenterrightdel
Vùng ngập nước Đồng Tháp Mười- Long An. ( Ảnh: An Hiếu) 

Theo Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, tỉnh Long An nằm trong không gian du lịch phía Đông của khu vực này. Theo đó, khu vực này được định hướng khai thác các sản phẩm du lịch đặc trưng gồm nghiên cứu đời sống sông nước, miệt vườn, tham quan làng nghề, các di tích lịch sử…Trong đó, các địa phương trong khu vực dựa trên các tuyến du lịch nội vùng để xây dựng, khai thác các tuyến du lịch chuyên đề như khám phá vùng đất ngập nước, sinh thái rừng, biển hay du khảo đồng quê.

Với quan điểm phát triển du lịch thành ngành kinh tế quan trọng, từ năm 2017, Tỉnh ủy Long An đã ban hành Chương trình thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Uỷ ban nhân dân tỉnh Long An đã ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình của Tỉnh ủy Long An về phát triển du lịch với nhiều định hướng, biện pháp phù hợp.

Theo đó, tỉnh xác định, để du lịch Long An thực sự là điểm đến hấp dẫn cần xây dựng, phát triển du lịch đáp ứng thị hiếu của du khách, hướng đến du lịch sinh thái, trải nghiệm, tái hiện những nét nổi bật, đặc trưng của Nam Bộ. Du lịch Long An cơ bản trở thành ngành kinh tế quan trọng phục vụ và tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, là điểm đến du lịch vệ tinh của TP Hồ Chí Minh với các sản phẩm đặc trưng là sông Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây trên nền cảnh quan sinh thái Đồng Tháp Mười và dịch vụ vui chơi giải trí đa dạng, hấp dẫn.

Những năm gần đây, Long An đẩy mạnh thu hút đầu tư lĩnh vực du lịch, tạo nhiều thuận lợi để từng địa phương, doanh nghiệp phát huy tiềm năng phát triển du lịch ở địa phương. Thời gian qua, nhiều khu du lịch, di tích đã được đầu tư, tôn tạo, góp phần làm đa dạng các điểm đến, sản phẩm du lịch mang đậm dấu ấn mảnh đất Long An trung dũng - kiên cường…

Theo lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Long An để tạo sự khác biệt, Long An sẽ đẩy mạnh phát triển du lịch sinh thái điển hình của vùng Đồng Tháp Mười. Đặc biệt du lịch sinh thái của Long An phát triển theo hướng gắn với du lịch nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe, sử dụng những sản phẩm thảo dược tự nhiên của vùng ngập nước Đồng Tháp Mười.

Bên cạnh đó, tỉnh cũng quan tâm đẩy mạnh kêu gọi đầu tư du lịch đường sông, trên hệ thống sông Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây, từ tỉnh Tây Ninh trải dài xuống các huyện của Long An như Đức Huệ, Đức Hòa, Bến Lức đổ ra sông Cần Giuộc, Cần Đước, với chế độ thủy triều hiền hòa, lưu lượng giao thông vừa phải, cảnh đẹp, gắn liền với các di tích lịch sử, văn hóa làng nghề hai bên bờ sông, tạo ra du lịch nét riêng cho du lịch Long An. Tỉnh cũng nâng cao công tác lập quy hoạch, quản lý và thực hiện quy hoạch để khai thác các thế mạnh về điều kiện tự nhiên, về di tích lịch sử văn hóa, tạo thành điểm nhấn cho những dự án du lịch có trọng điểm.

Có thể khẳng định, với hướng đi trên, trong những năm gần đây du lịch Long An đang có bước phát triển mạnh mẽ. Nếu thời điểm năm 2016 du lịch Long An chưa đạt 1 triệu lượt du khách thì đến năm 2019 Long An đã đón trên 1,8 triệu lượt du khách. Năm 2020, dù chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19, Long An vẫn đón khoảng xấp xỉ 500 nghìn lượt du khách, tốc độ tăng trưởng đạt bình quân trên 20% năm. Tỉnh phấn đấu đến năm 2025 đón khoảng 3,6 triệu lượt du khách trong nước và 130.000 lượt du khách quốc tế, thu nhập từ du lịch đạt khoảng 150 triệu USD./..

B.Châu (TH)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực