"Lúng túng" trong quản lý nhà nước về ngành nghề nông thôn tại nhiều địa phương

Thứ hai, 23/11/2020 23:19
(ĐCSVN) - Mặc dù đã thống nhất đầu mối quản lý nhà nước về ngành nghề nông thôn, làng nghề về cho ngành nông nghiệp quản lý nhưng nhiều địa phương còn "lúng túng", chưa cụ thể hóa các nhiệm vụ, chính sách phù hợp với điều kiện của địa phương để thực hiện.

Đó là một trong những vấn đề bất cập được chỉ ra tại Hội nghị sơ kết 2 năm thực hiện Nghị định số 52/2018/NĐ-CP của Chính phủ về phát triển ngành nghề nông thôn. Hội nghị do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) phối hợp cùng Bộ Công Thương tổ chức, diễn ra sáng 23/11, tại Hà Nội.

 Quang cảnh Hội nghị (Ảnh: BT)

Báo cáo tại Hội nghị, ông Lê Đức Thịnh – Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển Nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) cho biết, ngay sau khi Nghị định 52/2018/NĐ-CP được ban hành, các Bộ, ban, ngành và địa phương đã ban hành các kế hoạch hành động thực hiện Nghị định. Đến nay, 100% các tỉnh, thành phố đã bàn giao nhiệm vụ là đầu mối quản lý nhà nước về ngành nghề nông thôn từ Sở Công thương sang Sở NN&PTNT.

Sau 2 năm thực hiện, về hỗ trợ mặt bằng sản xuất, một số địa phương đã triển khai quy hoạch phát triển các cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp làng nghề, tạo điều kiện để di dời các cơ sở sản xuất, làng nghề gây ô nhiễm môi trường ra khỏi khu dân cư, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Bên cạnh đó, các tỉnh đã hỗ trợ các cơ sở ngành nghề nông thôn, làng nghề tham gia các hội chợ trong và ngoài tỉnh như: Hội chợ triển lãm “Mỗi xã, phường một sản phẩm”, hội chợ thương mại, hội chợ Agroviet, hội chợ làng nghề. Trong đó, từ năm 2018 đến nay đã cấp được 337 nhãn hiệu tập thể, 165 nhãn hiệu chứng nhận và 15 chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm ngành nghề, làng nghề nông thôn.

Đồng thời, về áp dụng khoa học kỹ thuật và công nghệ, sau 2 năm, đã triển khai được 51 dự án thuộc Chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ, 42 nhiệm vụ hỗ trợ ứng dụng khoa học và công nghệ cho phát triển ngành nghề nông thôn vào các lĩnh vực chế biến nông lâm sản, dược liệu, chế biến muối, sinh vật cảnh,… Đáng chú ý, trong giai đoạn 2018-2020, đã triển khai 60 mô hình, dự án thí điểm về phát triển ngành nghề nông thôn và 100 mô hình thuộc Chương trình Khuyến công quốc gia.

Bên cạnh những kết quả đạt được, theo ông Lê Đức Thịnh, hiện, nhận thức về tầm quan trọng, vai trò, vị trí của việc phát triển ngành nghề nông thôn, làng nghề, nhất là các ngành nghề, làng nghề truyền thống của một bộ phận cấp ủy, chính quyền, cán bộ và nhân dân còn chưa cao. Đặc biệt, mặc dù đã thống nhất đầu mối quản lý nhà nước về ngành nghề nông thôn, làng nghề về cho ngành nông nghiệp quản lý nhưng nhiều địa phương còn lúng túng, chưa cụ thể hóa các nhiệm vụ, chính sách phù hợp với điều kiện của địa phương để thực hiện.

Đi cùng với đó, việc triển khai các chính sách hỗ trợ và thu hút vốn phát triển, di dời các cơ sở sản xuất, làng nghề gây ô nhiễm môi trường vào các cụm công nghiệp tập trung còn chậm. Việc tính thuế thu nhập và tiền sử dụng đất, thuê đất của doanh nghiệp ngành thủ công hiện nay cũng tính như các ngành khác còn bất cập, gây khó khăn cho các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp. Công tác đào tạo nghề, truyền nghề, xây dựng thương hiệu làng nghề chưa được quan tâm đúng mức.

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho rằng, thực tế, ở khu vực nông thôn, hiệu quả và năng suất kinh tế vẫn còn thấp so với yêu cầu. Đời sống của một bộ phận bà con vẫn còn khó khăn, nhất là vùng sâu, vùng xa. Sản phẩm của người dân làm ra chuỗi giá trị chưa cao và chưa ổn định. Trước tình hình đó, một mặt việc đẩy mạnh sản xuất lớn là cần thiết nhưng cũng rất cần quan tâm đến kinh tế nông thôn.

Về thực hiện Nghị định 52/2018/NĐ-CP, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng, cần quan tâm đến những điểm tại sao cùng với một cơ chế chính sách có người làm tốt, có người chưa làm tốt?. Cần làm rõ các vấn đề mà Bộ NN&PTNT cần có trách nhiệm, và đâu là trách nhiệm của các địa phương, sự vươn lên của các làng nghề. Làm sao để Chính phủ, doanh nghiệp, người dân cùng đồng hành để phát triển ngành nghề nông thôn.

Tại Hội nghị, các đại biểu kiến nghị cần giao Bộ Tài chính nghiên cứu chính sách miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, thuế thuê đất và tín dụng ưu đãi hỗ trợ phù hợp với điều kiện sản xuất, kinh doanh đặc thù của các ngành nghề thủ công mỹ nghệ. Bên cạnh đó, giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu điều chỉnh, xây dựng chỉ tiêu thống kê về giá trị xuất khẩu các sản phẩm ngành nghề thủ công mỹ nghệ để phân biệt với các sản phẩm cùng loại sản xuất công nghiệp,…

Theo đó, nhằm thực hiện Nghị định 52/2018/NĐ-CP của Chính phủ trong giai đoạn 2021-2025, ngành nông nghiệp sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về ý nghĩa tầm quan trọng và nhiệm vụ của các Bộ, ngành, địa phương về phát triển ngành nghề nông thôn, bảo tồn và phát triển làng nghề, nghề truyền thống.

Cụ thể, chú trọng việc rà soát, đổi mới cơ chế chính sách, khắc phục những hạn chế, yếu kém và đẩy mạnh triển khai áp dụng cơ chế, chính sách vào thực tiễn. Tiếp tục xây dựng kế hoạch, đề án, dự án phát triển ngành nghề nông thôn, bảo tồn phát triển các nghề, làng nghề truyền thống, tổ chức công nhận nghề làng nghề, công nhận và tôn vinh nghệ nhân, thợ giỏi,… Đi cùng với đó là việc hỗ trợ tín dụng, đổi mới ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất; thực hiện đầu tư, cải tạo, nâng cấp và hoàn thiện cơ sở hạ tầng làng nghề gắn với du lịch và xây dựng nông thôn mới./.

BT

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực