“Mỗi xã một sản phẩm”

Thứ ba, 19/01/2021 08:44
(ĐCSVN) - Tập trung chuẩn hóa sản phẩm mới, nâng hạng những sản phẩm đã được công nhận, chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) đã góp phần quan trọng trong việc xác lập vị trí nhiều mặt hàng nông sản của huyện Cao Phong (Hòa Bình); qua đó, giúp nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp, tăng thu nhập cho người nông dân...
Sau khi tham gia Chương trình OCOP, sản phẩm cam quà tặng cao cấp của HTX nông sản 3T Cao Phong đã được người tiêu dùng tin tưởng lựa chọn. (Ảnh: Đinh Thắng). 

Nhận thấy triển khai Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” là cơ hội đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp, UBND huyện Cao Phong đã ban hành các kế hoạch, thành lập Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm tham gia chương trình OCOP cấp huyện. Huyện cũng tổ chức nhiều lớp tập huấn về OCOP cho các phòng, ban ngành, các xã, thị trấn trong địa bàn và một số chủ thể OCOP có sản phẩm tiềm năng; liên hệ tư vấn, hỗ trợ, hướng dẫn các tổ chức kinh tế, các doanh  nghiệp có sản phẩm tham gia chương trình OCOP đầu tư máy móc, trang thiết bị tiên tiến hiện đại phục vụ sản xuất trồng trọt, chăn nuôi, bảo quản, chế biến sản phẩm; thiết kế nhãn hiệu, mẫu mã, bao bì sản phẩm và đăng ký nhãn hiệu sản phẩm OCOP; xây dựng phương án sản xuất kinh doanh, tiếp cận nguồn vốn; thuê chuyên gia tư vấn nâng cấp sản phẩm OCOP đạt cấp tỉnh để đánh giá và xếp hạng sản phẩm cấp huyện, cấp tỉnh...

Từ lâu, huyện Cao Phong nổi tiếng với sản phẩm cam chất lượng cao. Ngoài bán quả tươi, việc chế biến những sản phẩm từ quả cam được chú trọng, góp phần nâng cao giá trị kinh tế và xây dựng thương hiệu cam Cao Phong. Đặc biệt, triển khai Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”, năm 2020, huyện Cao Phong đã thực hiện mục tiêu nâng hạng tiêu chuẩn, đưa sản phẩm nước cốt cam và mứt cam của Hợp tác xã (HTX) Hà Phong và cam quà tặng cao cấp của HTX 3T nông sản Cao Phong lên sản phẩm OCOP 4 sao cấp tỉnh Hòa Bình; đồng thời, thực hiện chuẩn hóa 3 sản phẩm mới là trà chanh đào mật ong, rượu cam của HTX Hà Phong và hạt dổi Thạch Yên với tổng kinh phí dành cho nâng cấp và chuẩn hóa sản phẩm OCOP là trên 700 triệu đồng.

Tìm hiểu được biết, trên cơ sở nhiều giải pháp đồng bộ, huyện Cao Phong đã thu được nhiều kết quả tích cực trong Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”. Qua đánh giá, các sản phẩm OCOP của huyện chất lượng tốt, hình thức, mẫu mã đẹp và có sức cạnh tranh cao. Việc gắn sao OCOP và được cấp tem truy xuất nguồn gốc, có bao bì, nhãn mác sản phẩm là minh chứng về chất lượng, tránh tình trạng hàng giả, hàng nhái. Từ đó, góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người dân, doanh nghiệp, HTX trong sản xuất, đảm bảo thương hiệu của sản phẩm OCOP cũng như quyền lợi người tiêu dùng. Đa số người tiêu dùng đánh giá cao về chất lượng và mẫu mã. Cùng với sản phẩm OCOP liên quan đến cây cam, hiện Cao Phong đang tiếp tục triển khai Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” gắn với các sản phẩm đặc trưng khác, như: xã Thung Nai với sản phẩm bưởi da xanh; xã Yên Lập với sản phẩm hạt dổi; xã Thu Phong với 2 sản phẩm là mâm mây và mâm đựng xôi; xã Nam Phong với sản phẩm mía mô...

Theo đồng chí Quách Văn Ngoan, Phó bí thư huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Cao Phong, Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” đã góp phần thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới và phát triển sản xuất gắn với tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân trong huyện. Chương trình OCOP đã trực tiếp thúc đẩy sự phát triển của khu vực kinh tế nông thôn, nhất là khu vực các làng nghề, thúc đẩy trách nhiệm và năng lực sản xuất, quảng bá và phát triển thị trường sản phẩm của các chủ thể, nhất là các tổ chức kinh tế, doanh nghiệp trong tổ chức. Đồng thời, giúp hình thành nền kinh tế “xanh”, phát triển các vùng sản xuất nông sản sạch, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại nhiều địa phương trên địa bàn toàn huyện.

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đã đạt được, việc thực hiện Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” tại huyện Cao Phong hiện vẫn gặp không ít khó khăn, như: nguồn lực hỗ trợ còn hạn chế; nhận thức của số ít người dân về Chương trình chưa thực sự đầy đủ; còn lúng túng trong lựa chọn sản phẩm, chủ yếu tập trung lựa chọn các sản phẩm sẵn có; nhiều tổ chức kinh tế chưa chủ động đưa sản phẩm tham gia Chương trình OCOP; việc xúc tiến thương mại chưa tập trung, chưa thực sự giúp làm nổi bật về hình ảnh, chất lượng của các sản phẩm OCOP...

Thực tế triển khai Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” ở Cao Phong cho thấy, với những tiềm năng, thế mạnh sẵn có, việc thực hiện có hiệu quả Chương trình sẽ là cơ sở quan trọng khai thác tiềm năng thế mạnh địa phương để thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp gắn với chế biến, kết nối thị trường tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị, góp phần phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập của đồng bào các dân tộc trong huyện.

Thời gian tới, huyện Cao Phong sẽ đẩy mạnh triển khai kế hoạch thực hiện Chương trình OCOP, trọng tâm là tăng cường rà soát, khuyến khích, hướng dẫn người dân, các chủ thể kinh tế tham gia Chương trình, đảm bảo sản phẩm OCOP có tính cộng đồng cao và chất lượng tốt. Đồng thời, tiếp tục hỗ trợ các chủ thể nâng cấp sản phẩm mới, thực hiện tư vấn hoàn thiện sản phẩm về quy trình sản xuất, quản lý chất lượng, hoàn thiện nhãn mác, bao bì, hồ sơ sản phẩm để đánh giá sản phẩm cấp huyện, tỉnh. Tăng cường công tác quảng bá, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm. Tổ chức đào tạo chuyên sâu cho đội ngũ cán bộ quản lý Chương trình OCOP, chủ doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác, chủ thể tham gia chương trình.. Tập trung thực hiện tốt chủ trương phát triển sản phẩm, dịch vụ phải đi liền với phát triển các hình thức tổ chức sản xuất phù hợp như HTX, tổ hợp tác để kích thích quá trình liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Từ đó, nâng cao hiệu quả Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”; giúp tăng thu nhập và phát triển đời sống của người sản xuất./.

Nguyễn Thị Hoàn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực