Năm 2010: nhiều chính sách mới có hiệu lực

Thứ ba, 05/01/2010 15:33

 

 Điều chỉnh chính sách trong lĩnh vực thuế, thị trường chứng
 khoán, bảo hiểm y tế và tiền lương

(ĐCSVN) – Nhiều chính sách về kinh tế - xã hội đã chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2010. Hy vọng rằng với những điều chỉnh đáng kể của những chính sách này, người dân sẽ được thụ hưởng nhiều lợi ích thiết thực hơn. Và với một khởi đầu như thế, tin rằng, trong năm 2010, nhiều chính sách thiết thực hơn sẽ đi vào cuộc sống.

Phải phát huy ưu thế của Hiệp định khu vực mậu dịch tự do Trung Quốc- ASEAN (FTA)

Với trên 1,7 tỷ người người tiêu dùng, khu vực tự do thương mại ASEAN – Trung Quốc được dự đoán sẽ là khu vực mậu dịch tự do lớn nhất trên thế giới, đối trọng với thị trường Liên minh Châu Âu (EU) và thị trường Bắc Mỹ (NAFTA).

Theo đó, từ ngày 1/1/2010, 6 nước thành viên ASEAN gồm: Bruney, Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore và Thái Lan sẽ giảm 90% thuế hàng hóa và đầu tư hàng hóa trong tất cả các mặt hàng (4 thành viên còn lại là Lào, Campuchia, Myamar và Việt Nam được gia hạn thêm 5 năm nghĩa là phải đến 2015). Đồng thời tỉ lệ thuế hàng hóa của Trung Quốc nhập vào ASEAN sẽ giảm từ 12,85% xuống còn 0,6%; trong khi đó tỉ lệ thuế hàng hóa của ASEAN xuất sang Trung Quốc giảm từ 9,8% xuống còn 0,1% .

Điều này vừa là một thuận lợi đồng thời cũng là một thách thức không nhỏ đối với các thành viên của ASEAN. Tuy nhiên, tính hiệu quả của FTA vẫn được đánh giá cao hơn cả bởi thực tế đã kiểm nghiệm, trong thập kỷ vừa qua, thương mại giữa ASEAN và Trung Quốc tăng nhanh, từ gần 40 tỷ USD lên hơn 190 tỷ USD. Thương mại giữa các nước trong khối ASEAN và Trung Quốc với các nước trong khu vực khác trên thế giới vượt ngưỡng 4.300 tỷ USD, chiếm 13,3% giá trị thương mại thế giới. Trung Quốc và ASEAN ký Hiệp định tự do thương mại cách đây 8 năm. Hằng năm, thương mại giữa ASEAN và Trung Quốc tăng trung bình khoảng 20%. Trung Quốc vượt Mỹ trở thành bạn hàng lớn thứ 3 của ASEAN sau Nhật và EU. Dự báo, trong vòng từ 2 đến 3 năm, Trung Quốc có thể vượt Nhật và EU trở thành bạn hàng lớn nhất của ASEAN

Thắt chặt hơn khâu quản lý, điều hành lĩnh vực chứng khoán

Thị trường chứng khoán đang dần dần trở nên chuyên nghiệp hơn và được điều chỉnh, quản lý chi tiết hơn. Để đáp ứng với sự gia tăng của thị trường, một số chính sách điều chỉnh thêm mới phát sinh trong lĩnh vực này cũng được nghiên cứu triển khai và bắt đầu có hiệu lực từ 1/1/2010. Theo đó, sẽ chính thức triển khai thu thuế thu nhập cá nhân đối với hoạt động đầu tư, kinh doanh chứng khoán. Mức tạm thu là 0,1%/tổng giá trị bán khi phát sinh giao dịch bán chứng khoán. Ngoài ra, sẽ tăng cường về mặt pháp luật với các vi phạm trong lĩnh vực này. Cụ thể: Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự có hiệu lực từ 1-1-2010 bổ sung 3 điều về các tội phạm chứng khoán. Tội cố ý công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu sự thật trong hoạt động chứng khoán có thể bị phạt tù đến 5 năm... Nếu phát hiện hành vi thao túng thị trường sẽ bị xử lý hình sự.

Cần cân nhắc khi mua ô tô

Nhu cầu sử dụng ô tô trong người dân Việt Nam ngày càng tăng và phát triển nhanh. Việc sở hữu một chiếc ô tô không còn là vấn đề về tài chính đối với nhiều người dân.

Tuy nhiên, trong năm 2010 này, các gia đình trước khi mua ô tô cũng cần cân nhắc để đưa ra quyết định phù hợp nhất. Bởi không chỉ liên quan đến địa điểm đỗ, để xe, đường sá, giao thông mà còn là lợi ích kinh tế trước mắt. Bởi từ đầu tháng 1/2010, phí trước bạ ôtô tại Hà Nội và TPHCM tăng từ 6 lên 12%; ở các tỉnh, thành khác tăng từ 5% lên 10%. Đối với thuế VAT ôtô, cùng với nhiều nhóm mặt hàng khác cũng tăng từ 5% như hiện hành lên 10%. Với sự gia tăng này, giá cả của ô tô chắc chắn sẽ bị tác động và trong bối cảnh kinh tế còn đang trong giai đoạn phục hồi sau khủng hoảng, rõ ràng, nhiều người có ý định mua ô tô vẫn cần phải cân nhắc.

Người lao động thất nghiệp sẽ được bảo đảm hơn

Từ 1/1/2010, Bảo hiểm Thất nghiệp chính thức thực hiện chi trả. Trung tâm giới thiệu việc làm các tỉnh là cơ quan đại diện hướng dẫn người lao động và người sử dụng lao động thực hiện hồ sơ, chính sách đóng và hưởng bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm xã hội là cơ quan thực hiện việc chi trả. Người lao động sẽ đến đăng ký thất nghiệp trong vòng 7 ngày sau khi mất việc và nhận tiền vào ngày 15 hàng tháng.

Như vậy, sau một năm tham gia đóng BHTN, người lao động sẽ được hưởng lợi khi mất việc. Mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hàng tháng của người lao động bằng 60% mức bình quân tiền lương, tiền công tháng đóng BHTN của 6 tháng liền kề trước khi thất nghiệp. Thời gian được hưởng trợ cấp thất nghiệp là 3 đến 12 tháng, tùy thuộc vào thời gian đã đóng BHTN.

Cũng theo chế độ này, từ ngày 1/1/2010, những người tham gia đóng và được hưởng BHTN , thay vì chỉ được hưởng trợ cấp thôi việc và trợ cấp mất việc như trước đây, thì người lao động còn được hỗ trợ học nghề miễn phí, tìm việc làm và được hưởng chế độ BHYT trong thời gian hưởng BHTN..

Mức lương mới liệu có giúp người lao động bớt khó khăn?

Theo Nghị định 97/2009/NĐ-CP và Nghị định 98/2009/NĐ-CP vừa được Chính phủ ban hành, mức lương tháng tối thiểu đối với các doanh nghiệp trong nước như sau: vùng I: 980.000 đồng; vùng II: 880.000 đồng; vùng III: 810.000 đồng; vùng IV: 730.000 đồng. Đối với doanh nghiệp FDI: Vùng I là 1,3 triệu đồng; vùng II: 1,19 triệu đồng; vùng III: 1,04 triệu và vùng IV: 1 triệu đồng.

Kể từ ngày 1/1/2010 sẽ áp dụng mức lương tối thiểu vùng mới đối với lao động làm việc tại doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Theo mức áp dụng mới này, người hưởng lương sẽ được nhận thêm từ 80.000 - 180.000 đồng/tháng.

Mức lương tối thiểu vùng được dùng làm căn cứ tính các mức lương trong thang lương, bảng lương, các loại phụ cấp lương, tính các mức lương ghi trong hợp đồng lao động, thực hiện các chế độ khác do doanh nghiệp xây dựng và ban hành theo thẩm quyền.

Hy vọng về việc cải thiện và nâng cao đời sống của người lao động đã hé mở sáng sủa hơn. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cũng tỏ ra lo ngại với phản ứng ngược với việc tăng lương bởi nếu tiền lương tăng, giá cả tăng theo thì xem như đời sống của người lao động không được cải thiện, trái lại sẽ đẩy người lao động vào tình cảnh khó khăn hơn, nhất là lao động phổ thông.

 Cấp phép trở lại karaoke và xử phạt hành vi hút thuốc lá nơi
 công cộng cũng được triển khai trong 2010

Hút thuốc lá nơi công cộng sẽ bị xử phạt

Bắt đầu từ ngày 1/1/2010, quy định cấm hút thuốc lá tại lớp học, nhà trẻ, các cơ sở y tế, thư viện, rạp chiếu phim, nhà hát, nhà văn hóa, các khu vực sản xuất và nơi làm việc trong nhà, nơi có nguy cơ cháy nổ cao và trên các phương tiện giao thông công cộng. Các quy định cấm hút thuốc lá nơi công cộng sẽ được thực hiện trước, tiến tới cấm hút thuốc lá tại tất cả những nơi công cộng trong nhà vào năm 2010.

Theo quy định này, nếu hút thuốc lá ở những nơi công cộng (như đã nêu ở trên) sẽ chịu mức phạt từ 50 đến 100.000 đồng.

Quy định này ra đời nhằm hạn chế tình trạng hút thuốc lá đang ở mức báo động ở Việt Nam, đồng thời thể hiện quyết tâm của Chính phủ Việt Nam trong việc tạo ra một môi trường lành mạnh không có khói thuốc lá.

Điều đáng nói là đây không phải lần đầu tiên Chính phủ Việt Nam đưa ra quy định này. Năm 2005, lần đầu tiên trước những cảnh báo về tình trạng hút thuốc lá quy định này đã ra đời nhưng đến năm 2009, ngành y tế Việt Nam cho biết chưa thu được một đồng tiền phạt nào của người hút thuốc nơi công cộng!

Chính vì vậy, khi quy định này trở lại, đã có nhiều ý kiến trái chiều, hầu hết đều cho rằng quy định này không khả thi vì mức phạt quá nhẹ, không đủ tính răn đe; lực lượng thanh tra chuyên môn (người tiến hành kiểm tra và chịu trách nhiệm thực thi quy định này) hiện đang quá mỏng.

Yêu cầu đặt ra lúc này là cần có sự thực thi nghiêm các quy định thì mới mang lại hiệu quả.

Người bệnh sẽ được phục vụ hoàn thiện hơn

Ngày 1/1/2010, Luật BHYT chính thức triển khai chính sách BHYT mới cho tất cả các đối tượng trên phạm vi toàn quốc. Những điểm đáng chú ý nhất trong luật mới là người bệnh thực hiện cùng chi trả (mức cùng chi trả là 5%, 20% tùy từng loại đối tượng), mức phí bảo hiểm tăng từ 3% lên 4,5%/tháng lương tối thiểu, người bệnh được thay đổi nơi đăng ký khám chữa bệnh ban đầu…

Kéo theo việc áp luật mới này là toàn bộ số thẻ bảo hiểm y tế phát hành theo mẫu cũ trong năm 2009 sẽ bị thay thế (kể cả thẻ vẫn còn hạn sử dụng) để thay thế bằng mẫu thẻ mới.

Trong trường hợp chưa đổi được thẻ mới nhưng đã áp luật mới, bệnh nhân vẫn có quyền khám, chữa bệnh bằng thẻ cũ (còn hạn) nhưng theo các chế độ của luật BHYT mới. Nếu thẻ cũ đã hết hạn, bệnh nhân có thể đến cơ quan bảo hiểm gần nhất để xin xác nhận là đối tượng BHYT đang đợi cấp thẻ, sau đó sử dụng giấy xác nhận này để khám bệnh. Nếu vẫn nằm viện trong thời điểm giao thoa này, cơ quan Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho phép bệnh nhân vẫn được dùng thẻ cũ cho đến khi ra viện, không phải bỏ viện để về địa phương đổi thẻ mới thì mới được thanh toán.

Sau 17 năm thực hiện luật BHYT, cả nước hiện đã có trên 50 triệu người tham gia BHYT. Không thể phủ nhận chính sách BHYT đã mang lại những lợi ích nhất định đối với người bệnh, nhất là những người bệnh nghèo. Tuy nhiên, thủ tục hành chính quá rườm rà và thái độ đón tiếp khá “thờ ơ” luôn là những điều gây bức xúc cho người bệnh tham gia BHYT.

Để luật BHYT đi vào cuộc sống và phục vụ người bệnh ở mức hoàn thiện hơn, cả ngành y tế và bảo hiểm đang xây dựng các hướng dẫn cụ thể và chi tiết về một số nội dung liên quan đến quy trình, tổ chức thực hiện chính sách BHYT mới; rà soát các biểu mẫu, thủ tục để cắt giảm những thủ tục không cần thiết, tránh phiền hà cho bệnh nhân...

Cán bộ nhà nước làm sai phải bỏ tiền túi bồi thường

Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước quy định trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trong lĩnh vực quản lý hành chính và tư pháp đối với các cá nhân, tổ chức (cá nhân, tổ chức Việt Nam và cá nhân tổ chức nước ngoài được thành lập và hoạt động hợp pháp tại Việt Nam) bị thiệt hại về vật chất, tổn thất về tinh thần do cán bộ, công chức Nhà nước gây ra khi thi hành công vụ.

Theo luật này, người thi hành công vụ có lỗi gây ra thiệt hại có nghĩa vụ hoàn trả cho ngân sách nhà nước một khoản tiền mà Nhà nước đã bồi thường cho người bị thiệt hại theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền.

Hy vọng với hiệu lực của Luật này, những vụ, việc oan sai sẽ được giảm thiểu tới mức tối đa.

 

Người lao động, công chức, trách nhiệm đi đôi quyền lợi - được
quan tâm điều chỉnh trong năm 2010 này

Một số ý kiến cho rằng: Đó là tin vui cho người dân nhưng cũng không tránh khỏi lo lắng về tính khả thi của Luật bởi luật ban hành cũng chỉ tồn tại trên giấy trắng mực đen. Muốn cho luật có sinh khí thì phải thổi vào nó một luồng gió mới: Đó là ý thức về nghĩa vụ của Nhà nước trong việc thực thi trách nhiệm bồi thường. Điều này rất quan trọng vì nói Nhà nước bồi thường, nhưng Nhà nước là một tổ chức mang tính chất trừu tượng. Hoạt động của Nhà nước phải thông qua các cơ quan có thẩm quyền từ trung ương tới địa phương. Khi xác định một tổ chức nào đó của Nhà nước có trách nhiệm bồi thường cũng tức là xác định trách nhiệm cụ thể của người đứng đầu tổ chức đó. Mà người đứng đầu chỉ là một cá nhân. Vậy làm sao tránh khỏi cá nhân đó không để xúc cảm của mình chi phối quyền lực nhà nước? Rồi cũng phải tính đến việc có luật bồi thường lại có thể có tình trạng này xảy ra: Người có trách nhiệm bồi thường tìm cách lẩn tránh trách nhiệm. Họ có thể tìm trăm phương ngàn kế để cứu “cá nhân công chức” vi phạm bằng cách xóa đi các lỗi vi phạm và quy ngược lỗi cho người dân bị thiệt hại; hoặc tìm cách kéo dài để đến nỗi người dân phải theo kiện tại toà án với tâm lý từ nghìn xưa: “Con kiến đi kiện củ khoai”; Thêm nữa, luật ra đời và giao cho Chính phủ, Toà án Nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật. Nói trách nhiệm của Nhà nước là nói chung, chứ thực ra là trách nhiệm cụ thể của các cơ quan này. Vậy, khi quy định chi tiết, hướng dẫn luật, các cơ quan này liệu có tâm lý bảo vệ quyền lợi của mình khi xác định trách nhiệm bồi thường không? Và các văn bản hướng dẫn ấy có thể hiện đúng tinh thần của luật hay không?

Công chức 2 năm không hoàn thành nhiệm vụ bị thôi việc

Luật Cán bộ, công chức quy định: Cán bộ công chức 2 năm liên tiếp hoàn thành nhiệm vụ nhưng còn hạn chế về năng lực hoặc có 2 năm liên tiếp, trong đó 1 năm hoàn thành nhiệm vụ nhưng còn hạn chế về năng lực và 1 năm không hoàn thành nhiệm vụ thì cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền bố trí công tác khác.

Nếu 2 năm liên tiếp không hoàn thành nhiệm vụ thì cơ quan, tổ chức có thẩm quyền miễn nhiệm, giải quyết cho thôi làm nhiệm vụ.

Điều này sẽ tạo ra đòn bẩy để “đánh tan” thói chây ỳ, thụ động, tâm lý ỷ lại của người lao động khi đã “chắc chân” trong biên chế. Thực hiện được điều này cũng chính là cách thổi luồng sinh khí mới, tạo ra một không khí năng động, thi đua để công chức phát huy tối đa năng lực, tạo hiệu quả lớn trong công tác.

Cấp phép kinh doanh karaoke trở lại

Theo Nghị định 103/2009/NĐ-CP ban hành Quy chế hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa công cộng, có hiệu lực từ 1-1-2010, các tỉnh, TP đã có quy hoạch về vũ trường và karaoke thì có thể tiếp tục cấp mới giấy phép kinh doanh karaoke, vũ trường.

Và như khẳng định của ông Lê Anh Tuyến, Vụ trưởng Pháp chế Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch, lý giải về đề xuất cấp phép cho karaoke, vũ trường sau 4 năm tạm ngưng thì: Khi tiêu cực giảm, hiệu lực quản lý được tăng cường thì việc giải quyết mối quan hệ cung - cầu là cần thiết. Theo đó, các quy định mới của Nghị định đều nhằm hạn chế tối đa tiêu cực, trong đó có quy định cơ sở kinh doanh dịch vụ tổ chức karaoke phục vụ cho nhân viên của cơ sở mình phải riêng biệt với nơi kinh doanh; cơ sở lưu trú du lịch từ 4 sao trở lên được hoạt động vũ trường và karaoke sau 12h đêm nhưng không được quá 2h sáng; quy định cụ thể hơn về đối tượng được xin cấp giấy phép kinh doanh vũ trường, kinh doanh karaoke để phù hợp với quy định của Luật Du lịch...

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực