Nam Định: Cà chua, bắp cải không tiêu thụ được

Thứ hai, 08/03/2021 09:03
(ĐCSVN) – Hiện người dân ở một số địa bàn thuộc huyện Nghĩa Hưng (Nam Định) phải “khóc ròng” trước những ruộng cà chua chín đỏ và những vườn bắp cải bỏ già tự thối vì không tiêu thụ được.
 Bà Phạm Thị Thảo đang buồn rầu về vườn cà chua của mình đang vào độ thu hoạch, mà không bán được

Theo tìm hiểu của chúng tôi, tình trạng trên đang diễn ra tại các địa bàn thuộc huyện Nghĩa Hưng như: xã Nam Điền, Nghĩa Thành, Nghĩa Bình, Nghĩa Hồng, thị trấn Quỹ Nhất. Thời điểm hiện nay, nếu về bất cứ địa bàn nào nói trên, chúng ta sẽ không khỏi xót xa trước tình trạng "được mùa"rớt giá thảm hại, thậm chí không bán được!

Có mặt tại khu 5 thị trấn Quỹ Nhất, chúng tôi đã tận mắt chứng kiến nhiều ruộng cà chua quả to đều, chín mọng, nhưng có dấu hiệu bị bỏ mặc nhiều ngày khiến không ít quả rơi rụng, thối rữa.

Bà Phạm Thị Thảo, một người dân ở khu 5 cho biết: Nhà tôi năm nay trồng gần 1 mẫu cà chua, thời điểm khi dịch COVID-19 chưa bùng phát trở lại thương lái vẫn tìm về mua với giá từ 10 – 12 nghìn đồng/1kg. Tuy nhiên sau khi dịch bệnh bùng phát trở lại, tình hình đã xoay chuyển 180 độ: giá cà chua giảm dần xuống 8.000 đồng/kg, 5.000 đồng/kg, rồi rớt giá thê thảm xuống 1.000 đồng/3kg, và đến nay không thấy ai về mua nữa.

Theo ghi nhận của chúng tôi, không riêng cà chua, mà nhiều cây rau màu khác cũng rơi vào tình trạng tương tự. Trầm ngâm bên vườn rau bắp cải đang quá lứa bị thối dần, ông Nguyễn Văn Nam, ở khu 6, thị trấn Quỹ Nhất chia sẻ: Vườn rau của tôi đã đến độ thu hoạch cách đây cả chục ngày nhưng không có ai đến hỏi mua, do bị quá lứa bắp cải bị nứt rồi dính nước mưa tự thối. Tôi đã chặt về thái cho cá và bò ăn, nhưng với diện tích canh tác lên hàng ha nên cá và bò ăn cũng không xuể, tôi đành băm nhỏ vụn đành đống tại ruộng để ủ thành phân bón cho đất. Tự tay hủy hoại đi thành quả lao động nhọc nhằn của mình xót xa lắm!

Vườn bắp cải của ông Nguyễn Văn Nam quá lứa thu hoạch và đang nứt, thối dần 

Tìm hiểu thực tế thêm ở một số địa bàn các xã như: Nam Điền, Nghĩa Hồng, Nghĩa Thành...chúng tôi thấy cũng diễn ra tình trạng rau màu nhất là cà chua và bắp cải đều chung số phận được mùa nhưng...không có người mua.

Trao đổi với  chúng tôi , bà Trần Thị Thao ở xã Nam Điền, một xã được xem là vựa cà chua của huyện Nghĩa Hưng,cho biết: Cà chua là cây trồng chuyên canh quen thuộc của địa phương chúng tôi. Trồng cà chua lâu năm tôi thấy có năm được, năm mất. Thường lệ cứ vào những ngày gần cuối năm là các đoàn xe lớn nhỏ của thương lái lại về địa phương thu mua hết số rau màu của bàn con chuyển đi tiêu thụ các nơi. Việc cà chua không thể bán nổi và giá về mức đấy 300 đồng/1kg như năm nay thì thực sự đây là lần đầu, chúng tôi chưa gặp tình trạng này bao giờ (!)

Một số người dân khác cho biết, gần đây là vụ cà chua năm 2019 giá ổn định, giao động 15– 20 nghìn đồng/kg, các sản phẩm rau màu nói chung và cà chua nói riêng, cứ thu hoạch đến đâu, thương lái về thu mua hết đến đó nên nông dân địa phương rất phấn khởi. Thời điểm đó với những gia đình canh tác hàng ha trở lên có thể nói là “trúng đậm". Từ giữa 2019 trở đi, giá bắt đầu giảm nhẹ nhưng nhiều người dân huyện Nghĩa Hưng vẫn đầu tư trồng mở rộng diện tích, bởi kinh nghiệm làm rau màu lâu năm theo quy luật cung cầu, thường những ngày cuối năm và giáp Tết giá sẽ tăng trở lại. Tuy nhiên từ khi dịch bệnh xuất hiện, khiến giá rau màu giảm chạm đáy, thậm chí không có người về mua là điều ngoài sức tưởng tượng của nhiều nhà nông nơi đây.

Dù thời tiết thuận lợi, cà chua được mùa và đẹp mã nhưng không có người mua

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề trên, ông Hoàng Quang Tuyến, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định thông tin: Vụ đông xuân 2020 - 2021, toàn huyện gieo trồng khoảng 1.200 ha cây rau màu vụ đông, trong đó có gần 500 ha cây cà chua, tập trung chủ yếu ở các xã Nam Điền, Nghĩa Thành, Nghĩa Bình và thị trấn Quỹ Nhất…trong đó đa số các hộ dân đã áp dụng quy trình sản xuất rau màu, cà chua theo quy trình VietGap (Quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt ở Việt Nam, gồm các tiêu chuẩn về kỹ thuật sản xuất, an toàn thực phẩm, môi trường làm việc, truy tìm nguồn gốc sản phẩm). Vụ đông xuân năm nay thời tiết thuận lợi nên sản lượng cà chua khá cao từ 1,5-1,8 tấn/sào.

“Từ khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát trở lại, nhiều địa phương bị cách ly nên hàng hóa không thể lưu thông khiến giá nông sản địa phương giảm mạnh. Trên địa bàn toàn huyện Nghĩa Hưng hiện nay ước khoảng còn trên 40% diện tích cây cà chua đang trong thời kỳ thu hoạch rộ. Chúng tôi cũng đã kêu gọi thương lái các nơi về thu mua cho bà con địa phương, nhưng đến thời điểm này chưa được ai nhận lời...” - ông Tuyến cho biết thêm.

Từ thực trạng trên, cơ quan chức năng và chính quyền địa phương sớm có giải pháp tháo gỡ, trước mắt hỗ trợ người dân địa phương tiêu thụ số diện tích cây rau màu đang độ thu hoạch. Đồng thời, cơ quan chuyên môn cần nghiên cứu, định hướng để người dân làm ra những sản phẩm rau màu chất lượng cao và đáp ứng theo nhu cầu thị trường, sao cho các kế hoạch sản xuất phù hợp với tình hình thực tế trong bối cảnh dịch bệnh.

Bên cạnh đó, thay vì phụ thuộc vào thương lái manh mún như hiện nay, trước khi sản xuất người dân cần chủ động tìm kiếm thị trường, tìm thêm các kênh thị trường và hợp tác ký kết để giảm thiểu rủi ro cho các sản phẩm rau màu làm ra..                                                                          

Bài, ảnh: Kim Chiến

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực