Ngành chế biến, xuất khẩu gỗ và lâm sản tiếp tục đạt giá trị xuất khẩu cao

Chủ nhật, 29/11/2020 20:21
(ĐCSVN) - Năm 2020, với nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 cùng những diễn biến khó lường của các cuộc cạnh tranh thương mại giữa các nền kinh tế nhưng cộng đồng doanh nghiệp ngành chế biến gỗ và lâm sản đã nỗ lực vượt bậc, vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, duy trì ổn định sản xuất, khẳng định vị thế của ngành trên trường quốc tế.
 Dự kiến trong năm 2020, giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản sẽ cán đích 13 tỷ USD.
(Ảnh minh họa: HAWA)

Giá trị kim ngạch xuất khẩu tiếp tục tăng trong bối cảnh ảnh hưởng của COVID-19

Số liệu thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) cho thấy, 10 tháng năm 2020, giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản đạt 10,46 tỷ USD, tăng 15% so với cùng kỳ năm 2019, chiếm tới gần 30% giá trị xuất khẩu của toàn ngành NN&PTNT. Đây là con số rất đáng ghi nhận của ngành chế biến và xuất khẩu gỗ, lâm sản Việt Nam trong bối cảnh ảnh hưởng của dịch COVID-19 dẫn đến việc giãn cách xã hội, logistics, nhiều đơn hàng khó khăn hơn trên thị trường thế giới.

Bên cạnh đó, mặc dù chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19 nhưng trong năm 2020, số lượng lao động trong các doanh nghiệp chế biến lâm sản vẫn đảm bảo việc làm duy trì ổn định, thu nhập với lượng lao động được đào tạo, có tay nghề chiếm khoảng 55-60%.

Để đạt được những kết quả quan trọng này, không phải là “điều tự nhiên mà đến”, mà ở đó là cả một quá trình nhà nước, các cộng doanh nghiệp, doanh nhân đã cùng vào cuộc, tháo gỡ khó khăn tại từng thời điểm, chung tay để vực dậy ngành xuất khẩu gỗ và lâm sản sau khi chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh từ tháng 3-4/2020.

Điều này có thể kể đến, trong bối cảnh khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19, các doanh nghiệp, doanh nhân, chủ rừng và nhà quản lý trong toàn ngành đã “ló ra nhiều cái khôn”, sáng tạo liên tục, nghiên cứu thay đổi nhiều phương thức và hình thức tiếp thị, bán hàng để mở rộng thị trường.

Tiêu biểu, với sự quan tâm của cả hệ thống chính trị, Quốc hội, Chính phủ, các Bộ, ngành đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu gỗ và lâm sản vượt qua khó khăn do bị ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 như: chính sách miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ (Thông tư số 01 của Ngân hàng Nhà nước); chính sách gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất (Nghị định số 41 của Chính phủ); chính sách hỗ trợ người lao động bị nghỉ việc (Nghị quyết số 42 của Chính phủ và Quyết định số 15 của Thủ tướng Chính phủ).

Những chính sách trên đã hỗ trợ kịp thời cho các doanh nghiệp, người lao động ngành chế biến gỗ và lâm sản vượt qua khó khăn, khôi phục và ổn định sản xuất trong thời gian ảnh hưởng do dịch bệnh, tạo thêm động lực để các ngành gỗ phát triển trong năm 2020.

Về các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu gỗ và lâm sản, theo Thứ trưởng thường trực Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn: “Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, các doanh nghiệp không giao trực tiếp được đơn hàng thì chuyển các đơn hàng qua internet, rồi không bán hàng trực tiếp được thì bán hàng online. Các doanh nghiệp sẵn sàng thế chấp cả toàn bộ tài sản của mình để làm sao có vốn giữ được người lao động”.

Cũng theo Thứ trưởng Hà Công Tuấn, về nhà nước, ngoài các chính sách động viên, hỗ trợ còn ưu tiên giải quyết vấn đề về thị tường. “Chính sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống từ nhà nước đến các doanh nghiệp, doanh nhân của chúng ta mới tạo nên được con số giá trị xuất khẩu này” – Thứ trưởng Hà Công Tuấn nhấn mạnh.

Điều này có thể thấy qua diễn biến của các thị trường khi Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc, EU và Hàn Quốc tiếp tục là những thị trường quan trọng của gỗ và lâm sản Việt Nam trong năm 2020. Ước giá trị xuất khẩu vào 5 thị trường này chiếm khoảng 90% tổng kim ngạch xuất khẩu. Dự kiến, đến hết năm 2020, giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản của Việt Nam sẽ đạt mức 13 tỷ USD, cao hơn so với mức 11,3 tỷ USD đạt được vào năm 2019.

Phấn đấu năm 2021, giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt 14,5 tỷ USD

Theo Bộ NN&PTNT, bước sang năm 2021, ngành xuất khẩu gỗ và lâm sản phấn đấu đạt giá trị xuất khẩu 14,5 tỷ USD, tăng khoảng 12% so với năm 2020.

Theo Thứ trưởng thường trực Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn, để đạt được kết quả này, cần giải quyết tốt vấn đề về thị trường quốc tế, nhất là các thị trường lớn. “Đây là câu chuyện mà nhà nước, các hiệp hội, doanh nghiệp phải suy nghĩ. Nhưng tôi tin rằng, nếu chúng ta quyết tâm như hiện nay, cách làm chặt chẽ như thời gian qua, chúng ta sẽ giữ được các thị trường”. Bên cạnh đó, Thứ trưởng Hà Công Tuấn cũng cho rằng, cần tăng nguồn nguyên liệu rừng trồng từ trong nước cùng với việc tăng nhập khẩu từ các thị trường có uy tín, có chứng chỉ.

Hướng tới mục tiêu trên, Bộ NN&PTNT cho biết, ngành Lâm nghiệp sẽ xây dựng và hoàn thiện cơ chế chính sách đảm bảo thực thi pháp luật hiệu quả về bảo vệ và phát triển rừng, chế biến và thương mại lâm sản, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược Phát triển ngành Lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2050; Quy hoạch ngành Lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050,…

Đồng thời, kiên định phát triển thương hiệu uy tín, chất lượng sản phẩm, duy trì thị trường xuất khẩu truyền thống, tìm kiếm, mở rộng thị trường mới, thị trường tiềm năng và chú trọng phát triển thị trường trong nước. Đặc biệt, cần nghiên cứu có chính sách ưu đãi thuế để tạo điều kiện khuyến khích tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp chế biến gỗ, lâm sản tiên tiến, hiện đại, thân thiện với môi trường. Tổ chức tuyên truyền người dân, doanh nghiệp không khai thác rừng non, thực hiện kinh doanh gỗ lớn, tạo nguồn nguyên liệu có chất lượng cho công nghiệp chế biến gỗ.

Các hiệp hội và doanh nghiệp cần chủ động, sáng tạo trong sản xuất, phát triển thương hiệu, mở rộng thị trường bạn hàng, tăng cường phát triển các hình thức liên kết tạo nguồn nguyên liệu ổn định, có chất lượng, hợp pháp. Đi cùng với đó, kịp thời nắm bắt, phản ánh để tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh. Thực hiện tốt các quy định của pháp luật về nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm, kịp thời phát hiện và thông báo đến các cơ quan quản lý nhà nước để xử lý nghiêm khắc các hành vi gian lận thương mại./.

BT

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực